Kế hoạch 08/KH-UBND thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2017

Số hiệu 08/KH-UBND
Ngày ban hành 18/01/2017
Ngày có hiệu lực 18/01/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Lê Văn Hưởng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 18 tháng 01 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG NĂM 2017

Thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 -2020 của Chính phủ.

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2017, với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

- Nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực cá nhân, gia đình và toàn xã hội nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm mua bán người. Kết hợp phòng ngừa nghiệp vụ với phòng ngừa xã hội nhằm giải quyết triệt để nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 và các đề án thuộc Chương trình;

- Đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời tội phạm mua bán người và thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng; bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Các chỉ tiêu cụ thể

- Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội chủ động phòng ngừa và tích cực tự giác tham gia đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh ở cộng đồng. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ chuyên sâu, lồng ghép về phòng, chống mua bán người hiệu quả;

- Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, điều tra, truy bắt tội phạm mua bán người; giải cứu nạn nhân bị mua bán, trong đó: (1). Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tại 100% tuyến, địa bàn trọng điểm; (2). 100% thông tin liên quan đến mua bán người được phân loại, xử lý và các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người được xác định theo luật định;

- 100% nạn nhân đã tiếp nhận được tiến hành thủ tục xác minh, xác định, bảo vệ và có nhu cầu thì được hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

- 100% văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người được các cơ quan tố tụng cấp tỉnh nghiên cứu xây dựng ban hành kế hoạch thực hiện và theo dõi thi hành;

- 100% tin báo tố giác tội phạm mua bán người được xử lý; 100% các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người được tuyên truyền đến xã, phường, thị trấn; đồng thời tăng cường bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ cấp cơ sở;

- Kịp thời điều tra làm rõ hành vi phạm tội, xử lý nghiêm số đối tượng chủ mưu, cầm đầu tổ chức các đường dây mua bán người theo quy định của pháp luật, góp phần răn đe tội phạm trên địa bàn quản lý.

II. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

a) Nội dung hoạt động

- Tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ và các đề án của Chương trình. Chủ động nắm tình hình để kịp thời tham mưu cho các cấp lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để bọn tội phạm lợi dụng sơ hở để hoạt động phạm tội;

- Triển khai và ký kết các kế hoạch liên tịch, liên ngành giữa các sở, ngành, tổ chức đoàn thể và địa phương về phòng, chống tội phạm mua bán người; duy trì, nhân rộng các hình thức ký cam kết giữa các đơn vị, tổ chức trong phòng, chống tội phạm mua bán người để phát huy vai trò cộng đồng dân cư; thường xuyên kiểm tra, thông báo về các phương thức thủ đoạn mới của bọn tội phạm; các chính sách pháp luật; những nơi làm tốt, chưa tốt để kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện đem lại hiệu quả.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Bộ chỉ số phục vụ giám sát, đánh giá Chương trình 130/CP giai đoạn 2016 - 2020 và phần mềm quản lý công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.

b) Phân công trách nhiệm

- Công an tỉnh chủ trì thực hiện.

- Các sở, ngành, đoàn thể liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp thực hiện.

- Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiến hành triển khai thực hiện các Đề án, tiểu Đề án đã nêu tại Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020.

2. Công tác truyền thông, giáo dục, phòng ngừa

a) Nội dung hoạt động

(1) Tăng cường thời lượng tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các biện pháp phòng ngừa, kết quả đấu tranh, các gương điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay về phòng, chống tội phạm mua bán người trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, Đài Truyền thanh cấp xã, báo chí, trang website, cổng thông tin điện tử...; đối tượng cần tập trung là phụ nữ, trẻ em ở nông thôn, nơi có nguy cơ cao. Công tác tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hướng dư luận xã hội vào việc tham gia phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người.

[...]