ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/KH-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 13
tháng 01 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG HẠN
HÁN, THIẾU NƯỚC PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ DÂN SINH MÙA KHÔ NĂM 2019 -
2020
Thực hiện Chỉ
thị số 8008/CT-TCTL ngày 25/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn
hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, mùa khô năm 2019 -
2020. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Xác định các
vùng có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước, đề xuất phương án tổng thể ứng phó kịp
thời, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh, góp phần ổn định chính trị,
xã hội trên địa bàn.
Xây dựng kế hoạch
làm cơ sở chỉ đạo tổ chức sản xuất, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, phù hợp
với khả năng cung cấp nước đảm bảo phục vụ vụ đông Xuân 2019 - 2020 và cả năm
2020.
Nâng cao ý thức
trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước;
chủ động điều tiết, dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng
thủy sản, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người, gia súc và sản xuất công nghiệp
hợp lý, hiệu quả.
Huy động, lồng
ghép sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phục vụ công tác ứng phó với hạn hán,
thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu
quả.
2. Yêu cầu
Sử dụng tài
nguyên nước một cách hợp lý, tiết kiệm nước. Triển khai thực hiện công tác ứng
phó với hạn hán theo nguyên tắc: Ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước phục vụ cho
chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; khuyến cáo
Nhân dân không sản xuất lúa ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản
xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước; sử dụng kinh phí thực hiện
công tác ứng phó hạn hán phải đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy
trình, quy định.
Các cấp, các
ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ
huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “Ba sẵn
sàng” (chủ động phòng tránh; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, hiệu quả,
trong đó lấy phòng là chính) trong ứng phó, khắc phục hạn hán, thiếu nước trên
địa bàn.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nhận định
tình hình khô hạn trong mùa khô năm 2019 - 2020
Trên địa bàn tỉnh
Lạng Sơn hiện có tổng số 1.391 công trình thủy lợi, trong đó Công ty TNHH MTV
Khai thác công trình thủy lợi quản lý, khai thác 385 công trình (123 hồ chứa,
185 đập dâng, 68 trạm bơm điện, 9 bơm thủy luân) với tổng diện tích tưới là
23.108 ha, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 33,5 ha. UBND các huyện, thành phố
quản lý, khai thác 1.006 công trình (trong đó 148 ao, hồ; 787 phai đập; 71
trạm bơm nhỏ) với tổng diện tích tưới trên 30.000 ha. Nhân dân tự đầu tư
xây dựng được khoảng trên 2.340 công trình tiểu thủy nông, phục vụ tưới được
trên 50.000 ha, trong đó tưới cho lúa xuân trên 15.000 ha, vụ mùa 27.000 ha và
cây lâu năm 11.730 ha, từng bước đáp ứng đa mục tiêu cho người dân.
Tính đến ngày
16/12/2019, trong tổng số 100 hồ chứa thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác
công trình thủy lợi Lạng Sơn quản lý, chỉ có 05 hồ (hồ Nà Ái, Rọ Thó, Khum
Tòong, Suối Mơ, Khuân Ngần) đạt dung tích theo thiết kế, các hồ còn lại chỉ
đạt khoảng dưới 60% dung tích. Tổng dung tích của 15 hồ chứa nước vừa và lớn
trên địa bàn tỉnh (Nà Tâm, Lẩu Xá, Nà Chào, Nà Pàn, Vũ Lăng, Phai Danh, Tà
Keo, Nà Cáy, Bản Chành, Kai Hiển, Chiến Thắng, Thâm Luông, Tam Hoa, Vài Cà, đắp
đề) hiện còn 28,5 triệu m3/35,79 triệu m3, đạt khoảng
79,2% tổng dung tích thiết kế; một số hồ được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nên không
đảm bảo khả năng tích nước (gồm: Bản Cưởm, Ba Sơn, Kỳ Nà, Khuôn Pinh, Cốc
Lùng, Bó Chuông, Hồ Kai Hiển, Thâm Sỉnh, Khuổi Mặn, Khau Piều). Với tình
hình nguồn nước nêu trên, hiện không đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho toàn bộ
diện tích vụ đông Xuân năm 2019-2020.
2. Các khu
vực có khả năng xảy ra hạn hán
Theo số liệu tổng
hợp báo cáo của các huyện thành phố, dự kiến tổng diện tích có khả năng bị hạn
toàn tỉnh là 1.617 ha, cụ thể ở từng huyện, thành phố là:
- Thành phố Lạng
Sơn: Diện tích có khả năng bị hạn khoảng 25 ha;
- Huyện Lộc
Bình: Diện tích có khả năng bị hạn khoảng 55,3 ha;
- Huyện Cao Lộc:
Diện tích có khả năng bị hạn hán khoảng 172 ha;
- Huyện Văn
Lãng: Diện tích có khả năng bị hạn hán khoảng 111 ha;
- Huyện đình Lập:
Diện tích có khả năng bị hạn hán khoảng 27,5 ha;
- Huyện Bình
Gia: Diện tích có khả năng bị hạn hán khoảng 40,5 ha;
- Huyện Bắc
Sơn: Diện tích có khả năng bị hạn hán khoảng 257,6 ha;
- Huyện Chi
Lăng: Diện tích có khả năng bị hạn hán khoảng 109,9 ha;
- Huyện Hữu
Lũng: Diện tích có khả năng bị hạn hán khoảng 488,2 ha;
- Huyện Tràng
định: Diện tích có khả năng bị hạn hán khoảng 277 ha;
- Huyện Văn
Quan: Diện tích có khả năng bị hạn hán khoảng 53 ha.
3. Các biện
pháp phòng chống hạn
3.1. Biện
pháp phi công trình
a) Đối với sản
xuất nông nghiệp
- UBND các huyện,
thành phố, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi xây dựng phương án chống
hạn cụ thể cho địa bàn quản lý; tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết trên
các phương tiện thông tin đại chúng và dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn để
kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn thích hợp, giảm thiểu thiệt hại cho
sản xuất do hạn hán gây ra.
- Rà soát, cập
nhật cân đối nguồn nước, thường xuyên kiểm tra mực nước các hồ chứa để xây dựng
kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng nguồn nước, trong đó ưu tiên
nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị
kinh tế cao và các hoạt động sản xuất công nghiệp khi hạn hán xảy ra.
- Trên cơ sở
tính toán nguồn nước hiện có, hướng dẫn nhân dân sử dụng giống và bố trí các loại
cây trồng hợp lý. đối với các vùng trồng lúa đảm bảo nguồn nước tưới suốt vụ
thì chủ động tập trung thâm canh theo vùng để tiết kiệm nước; đối với diện tích
không đảm bảo cho trồng lúa thì chuyển sang cây trồng khác có nhu cầu nước ít
hơn và thời gian ngắn hơn so với trồng lúa; diện tích không có nước chủ động tạm
dừng hoặc chuyển sang cây trồng có khả năng chịu hạn, nhu cầu sử dụng ít nước.
- Tăng cường
công tác quản lý phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm (áp dụng phương
pháp tưới luân phiên, tưới tiết kiệm nước....), hạn chế thất thoát nước, đồng
thời có biện pháp chống thấm, giảm lượng nước rò rỉ đến mức thấp nhất. Tăng cường
công tác kiểm tra, theo dõi tình hình hạn hán đến tận nơi sản xuất nhằm ứng phó
kịp thời và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người sản xuất;
- Tuyên truyền
hướng dẫn Nhân dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất, nâng cao
nhận thức và thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn ở các địa phương và các
đơn vị cung cấp nước. Ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý
ngăn chặn, đắp, đào, xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới.
- Khuyến khích
áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tưới tiên tiến, tiết kiệm
nước (như tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt…) và triển khai nhân rộng các mô
hình này.
- Căn cứ tình
hình thực tế và dự báo của các cơ quan khí tượng, thủy văn để kịp thời điều chỉnh
lịch mùa vụ, nuôi trồng thủy sản cho phù hợp.
- Phát động và
huy động các lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện tham gia phòng, chống hạn
(tuyên truyền cảnh báo hạn hán, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đắp
đập tạm...).
b) Đối với cấp
nước cho sinh hoạt, công nghiệp
- UBND các huyện,
thành phố phối hợp với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tính
toán, cân đối dành nước ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho đến hết
năm 2020. Theo dõi, nắm bắt tình hình thiếu nước sinh hoạt, đề xuất các biện
pháp cấp nước thích hợp.
- Các đơn vị cấp
nước sinh hoạt có kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, các khu vực
sản xuất công nghiệp trên địa bàn quản lý khi hạn hán xảy ra.
- Tuyên truyền,
vận động, khuyến khích các hộ dân đầu tư xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ
phục vụ sinh hoạt, không để thiếu nước sinh hoạt và bùng phát dịch bệnh do hạn
hán kéo dài.
- Tiếp tục triển
khai thực hiện tốt kế hoạch phát triển rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn và trồng rừng
theo quy hoạch để tăng độ che phủ, tăng nguồn sinh thủy.
3.2. Biện
pháp công trình
- Phát động và
thực hiện tốt phong trào ra quân làm thủy lợi, xây dựng hệ thống nước sinh hoạt,
phát dọn kênh mương phục vụ cho dẫn nước đến nơi sản xuất đạt hiệu quả tránh thất
thoát, lãng phí.
- Chủ động xây
dựng các phương án lắp đặt các trạm bơm dầu dã chiến tại vị trí các cống lấy nước
để bơm nước từ dung tích chết của các hồ, ao; sông, suối kịp thời phục vụ sản
xuất.
- Chủ động sử
dụng nguồn kinh phí sự nghiệp địa phương sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư
hỏng do mưa lũ; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy và đắp đập tạm để trữ
nước.
- Triển khai
có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới
tiên tiến, tiết kiệm nước theo Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của
Hội đồng nhân dân tỉnh.
4. Dự kiến
nguồn kinh phí thực hiện
- Tổng kinh
phí cần phục vụ chống hạn: 76.142,0 triệu đồng, trong đó:
+ Kinh phí sửa
chữa phai, đập, kênh dẫn nước: 60.700,0 triệu đồng;
+ Kinh phí sửa
chữa, nạo vét kênh mương: 15.302,0 triệu đồng;
+ Kinh phí dự
kiến phục vụ bơm chống hạn: 140,0 triệu đồng.
- Nguồn kinh
phí: Ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định. Trong đó:
+ Ngân sách địa
phương (tỉnh, huyện) cân đối: 30.457,0 triệu đồng.
+ Ngân sách đề
nghị Trung ương hỗ trợ: 45.685,0 triệu đồng.
(Chi tiết có phụ lục kèm theo).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì chỉ
đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố,
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng
hợp báo cáo đề xuất UBND tỉnh giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc trong
quá trình tổ chức thực hiện.
- Thường xuyên
theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, nhận định tình hình hạn hán, phổ biến
đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động ứng phó; xây dựng kế hoạch sản
xuất vụ đông Xuân phù hợp với khả năng nguồn nước; tổng hợp báo cáo chung toàn
tỉnh về nguồn nước, kế hoạch chống hạn.
- Hướng dẫn
các địa phương bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước; xây dựng
phương án sử dụng nước hợp lý để ứng phó hạn hán; phổ biến, tuyên truyền thực
hiện tưới tiết kiệm, tưới tiên tiến cho cây trồng.
- Chỉ đạo Công
ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý chặt chẽ nguồn nước, đảm bảo
tưới nước tưới phục vụ trong vùng công trình; đồng thời hỗ trợ các địa phương về
nhân lực, kỹ thuật, nguồn nước để chống hạn.
- Đôn đốc đẩy
nhanh tiến độ xây dựng các công trình cấp nước sạch, công trình thủy lợi để sớm
đưa vào sử dụng phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp; chủ động kiểm tra, sửa
chữa, khôi phục hoạt động của các công trình cấp nước tập trung, các giếng, ao;
ưu tiên xây dựng các cụm vòi cấp nước tập trung để cấp nước chống hạn.
- Chỉ đạo
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kiểm tra, đánh giá tình trạng
hoạt động các công trình cấp nước sạch nông thôn; đề xuất giải pháp nâng cao
năng lực và phương án tham gia chống hạn cho từng công trình cụ thể; tổng hợp
báo cáo thường xuyên tình hình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Công
Thương: Chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên địa bàn
xả nước đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu phục vụ sản xuất và dân sinh.
3. Sở Thông
tin và Truyền thông, đài Phát thanh và đài Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn: Tăng cường thông tin, truyền thông về tình hình hạn hán, thiếu nước,
các biện pháp chỉ đạo ứng phó để cộng đồng biết và chủ động thực hiện tiết kiệm
nước; biểu dương, khuyến khích những cá nhân, tổ chức tích cực và sáng tạo
trong ứng phó với hạn.
4. Sở Tài
chính, Sở Kế hoạch và đầu tư: Chủ trì, phối hợp với
các đơn vị có liên quan tham mưu, cân đối bố trí nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ
khắc phục hậu quả khi có hạn hán xảy ra. Hướng dẫn quản lý, sử dụng, thanh quyết
toán nguồn vốn phòng chống hạn hán hiệu quả theo quy định hiện hành.
5. đài Khí
tượng Thủy văn Lạng Sơn: Tăng cường dự báo, cảnh
báo khí tượng, thủy văn, nhận định tình hình hạn hán, thường xuyên và kịp thời
cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh để phục vụ việc chỉ
đạo công tác phòng, chống hạn vụ đông Xuân năm 2019-2020 và cả năm 2020.
6. Công ty
TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Lạng Sơn
- Chủ động tu
bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình bằng nguồn vốn sửa chữa hàng năm và có kế
hoạch nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào lấy nước theo phân cấp quản lý;
các hồ chứa đang sửa chữa nếu đủ điều kiện an toàn phải tích nước hợp lý để thực
hiện công tác chống hạn.
- Phối hợp với
các địa phương trong triển khai phương án phòng, chống hạn hán, xác định cụ thể
từng vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước
hợp lý; quản lý phân phối nước chặt chẽ và linh hoạt; tổ chức tưới hiệu quả và
tiết kiệm nước.
- Chủ động sử
dụng nguồn ngân sách cấp bù, miễn thủy lợi phí để thực hiện các giải pháp
phòng, chống hạn hán.
- Tổ chức theo
dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình nguồn nước nhằm chủ động xử lý tình
huống, kịp thời điều chỉnh kế hoạch cấp nước khi nguồn nước thay đổi, phục vụ tốt
yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân; thường xuyên báo cáo tình hình thực
hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh
theo quy định.
7. UBND các
huyện, thành phố
- Thường xuyên
theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để vận hành tích nước
các hồ chứa phù hợp, bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đồng
thời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước.
- Xây dựng kế
hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước với các kịch bản về nguồn nước có khả
năng xảy ra để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp.
- Chỉ đạo cơ
quan chức năng của địa phương, UBND các xã, phường, thị trấn và các chủ công
trình tổ chức kiểm kê nguồn nước từng công trình thủy lợi, khoanh vùng cụ thể
các diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xây dựng kế hoạch tưới cụ thể
cho từng vùng; bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống phù hợp,
chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước; sử dụng các giống
cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán.
- Tận dụng tối
đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao, hồ, sông suối, mương rạch để
cung cấp nước cho sản xuất đông Xuân, tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy
lợi để dành cung cấp cho vụ sản xuất; thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ
đông Xuân, có kế hoạch phân phối nước hợp lý
Để đảm bảo
cung cấp nước đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng
có giá trị cao...), sản xuất nông nghiệp vụ đông Xuân năm 2019 - 2020 và cả năm
2020.
- Triển khai đồng
bộ các giải pháp chống hạn như: Nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đắp đập
tạm, bờ bao, đào ao, vét giếng, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận
dụng nguồn nước phục vụ sản xuất; rà soát, khôi phục các công trình chống hạn
đã có trước đây để sẵn sàng chống hạn.
- Thực hiện
các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng (tưới theo quy
trình “ướt khô xen kẽ”, nhỏ giọt, phun mưa...); chủ động cắt giảm ít nhất
10% lượng nước tưới so với lúc bình thường.
- Tăng cường
thông tin, tuyên truyền về tình hình thiếu nước, khô hạn để người dân biết và
chủ động trong việc sử dụng nước tiết kiệm và tích cực phối hợp với các đơn vị
quản lý, khai thác công trình thủy lợi điều tiết, sử dụng nước hiệu quả.
- Ban Chỉ huy
Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp phải quan tâm chỉ đạo ứng phó
với tình hình hạn hán, thiếu nước; củng cố các tổ hợp tác dùng nước, đội thủy lợi
cơ sở để quản lý, điều tiết tưới, hạn chế xảy ra tranh chấp, chống thất thoát,
lãng phí nước.
- Chủ động sử
dụng ngân sách của địa phương để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán.
- Thường xuyên
cập nhật về tình hình nguồn nước, hạn hán, và các hoạt động ứng phó, tổng hợp
thiệt hại, đề xuất giải pháp chống hạn trên địa bàn gửi về Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo. Tổng hợp
báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày
25/3/2020.
8. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn
thanh niên tích cực bám sát địa bàn, vận động, hướng dẫn hội viên, đoàn viên thực
hiện tốt các giải pháp sản xuất trong điều kiện hạn hán theo hướng dẫn của cơ
quan chuyên môn để giành thắng lợi trong sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
UBND tỉnh yêu
cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch này; trong quá trình tổ chức
thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị báo cáo về Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét,
chỉ đạo theo thẩm quyền./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy, TT HĐND (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQ, đoàn thể chính trị;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo LạngSơn;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- C, PCVP UBND tỉnh, các Phòng CM, TH-CB;
- Lưu: VT, KTN(PVĐ).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Tiến Thiệu
|