Kế hoạch 04/KH-UBND về phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2015

Số hiệu 04/KH-UBND
Ngày ban hành 16/01/2015
Ngày có hiệu lực 16/01/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Phạm Văn Ca
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/KH-UBND

Thái Bình, ngày 16 tháng 01 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH Ở GIA SÚC, GIA CẦM, ĐỘNG VẬT THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH NĂM 2015.

Theo Cục Thú y từ đầu năm 2014 đến nay, dịch cúm gia cầm độc lực cao tiếp tục phát sinh gây thiệt hại về người và của tại nhiều nước trên thế giới với các chủng vi rút cúm khác nhau: H5N1, H5N2, H5N3, H5N6, H5N8, H7N2, H7N3, H7N9,... tại các tỉnh biên giới Trung Quốc liền kề với nước ta đã công bố có sự lưu hành một số mầm bệnh trên.

Hiện nay, bệnh Lở mồm long móng (LMLM) tiếp tục phát sinh tại các tỉnh Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa, Đắc Nông và đang có chiều hướng lây lan mạnh. Trong khi đó, thời tiết thời gian tới theo dự báo có nhiều biến động; việc kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn; tốc độ tái đàn và mật độ chăn nuôi trong tỉnh luôn cao, còn phân tán, nhỏ lẻ trong khu dân cư nên dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản của tỉnh luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cao.

Tại Thái Bình, năm 2014, mặc dù không phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm nhưng kết quả xét nghiệm mẫu giám sát có 08 mẫu dương tính với cúm A/H5N1; 02 mẫu dương tính với cúm A/H5N6; dịch đốm trắng ở tôm đã phát sinh tại 157 hộ với diện tích ao bị bệnh là 18,232 ha; các bệnh thông thường vẫn xảy ra rải rác tại hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Căn cứ Pháp lệnh Thú y năm 2004; thực hiện Nghị quyết số 29/2011/NQ-HĐND ngày 14/02/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình về cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm;

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại: Công điện số 10091/CĐ-BNN-TY ngày 17/12/2014 về triển khai cấp bách phòng, chống dịch lở mồm long móng; Công văn số 10000/BNN-TY ngày 12/12/2014 về triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng; Chỉ thị số 9897/CT-BNN-TY ngày 09/12/2014 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2014; để chủ động phòng chống dịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2015 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chủ động phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh ở gia súc, gia cầm và động vật thủy sản với phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ gia đình, phát hiện sớm, bao vây khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh ở động vật trong diện hẹp, đảm bảo sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe cho người, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội;

- Sẵn sàng các phương án, nguồn nhân lực, vật tư để chủ động xử lý khi phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật; ứng phó, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các bệnh mới xuất hiện có khả năng truyền lây từ động vật sang người như dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9, H5N6,... hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người và động vật nuôi.

2. Yêu cầu

- Triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh động vật phải có sự lãnh đạo và chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời, huy động được sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng góp công, góp sức thực hiện công tác phòng, chống dịch.

- Nội dung phòng, chống dịch bệnh phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh Thú y, các văn bản chỉ đạo của Chính Phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y. Bám sát thực tiễn dự tính, dự báo nguy cơ dịch bệnh năm 2015 trên địa bàn tỉnh.

- Kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật cần huy động được các nguồn lực kinh phí của các cấp, lồng ghép từ các chương trình, kế hoạch, dự án, đề tài ... có liên quan, nguồn lực của địa phương và đóng góp của người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống dịch.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

A. Kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật các cấp

Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật nuôi năm 2015 (sau đây viết tắt là BCĐ PCDB) ở mỗi cấp; BCĐPCD là đầu mối để huy động nhân lực, vật lực triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch.

BCĐ PCDB các cấp phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên BCĐ; có cơ quan, đơn vị hoặc phòng, ban thường trực giúp việc theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo. Ban hành kế hoạch công tác, chương trình hoạt động cụ thể. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức họp đánh giá toàn diện các hoạt động đã triển khai, chỉ ra các tồn tại, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục, nâng cao hoạt động của BCĐ từng cấp.

BCĐ PCDB cấp dưới, căn cứ nội dung kế hoạch phòng, chống dịch của BCĐ PCDB cấp trên, bám sát điều kiện thực tiễn của địa phương, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để thực hiện đạt yêu cầu, mục đích theo đúng chỉ đạo.

BCĐ PCDB mỗi cấp cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch trên địa bàn được phân công; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch thuộc lĩnh vực quản lý và phụ trách.

B. Tổ chức thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch

B1. Khi chưa có dịch xảy ra

1. Tuyên truyền, tập huấn

1.1. Tuyên truyền:

- Tổ chức tuyên truyền thường xuyên về công tác phòng, chống dịch: Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về thú y, cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; thông tin kịp thời chính xác về tình hình dịch bệnh, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật; những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sức khỏe, tính mạng của con người; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; kịp thời phát hiện, biểu dương gương điển hình hoạt động về phòng, chống dịch; phê phán các tổ chức, cá nhân, địa phương còn chủ quan, lơ là trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch;

- Tổ chức các đợt tuyên truyền chuyên sâu, trọng điểm về tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người;

- Duy trì trang chuyên mục phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, bổ sung nội dung tuyên truyền phòng, chống bệnh dịch động vật thủy sản trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để phổ biến rộng rãi đầy đủ các văn bản chỉ đạo của tỉnh ở từng giai đoạn, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống dịch.

[...]