Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Hướng dẫn 796/HD-BVHTTDL năm 2009 về nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày tổ chức giỗ tổ Hùng Vương (ngày 10-3 âm lịch) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 796/HD-BVHTTDL
Ngày ban hành 18/03/2009
Ngày có hiệu lực 18/03/2009
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Huỳnh Vĩnh Ái
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 796/HD-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2009

 

HƯỚNG DẪN

NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CÁC VUA HÙNG TRONG NGÀY TỔ CHỨC GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG (NGÀY 10-3 ÂM LỊCH)

Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết, là điểm hội tụ văn hoá tâm linh của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Cả nước tôn thờ một vị Quốc tổ, đó là một mỹ tục độc đáo, là nếp sống đầy bản sắc và bản lĩnh. Ngày 11/4/2007, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký lệnh công bố Luật sửa đổi bổ sung điều 73 Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ 01 ngày làm việc Giỗ tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch hàng năm).

Theo số liệu thống kê (năm 2005) của Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) cả nước có 1.417 các Di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam. Trong những năm qua, nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch hàng năm, để tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng một số địa phương có điểm thờ Vua Hùng như: Phú Thọ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hoà, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Để thống nhất việc tổ chức lễ hội và nghi lễ dâng hương tưởng niệm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc tổ chức nghi lễ dâng hương cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

Thông qua nghi lễ nhằm khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tôn vinh văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước. Ngày Quốc lễ là dịp nhân dân ta tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; giáo dục đạo lý "uống nước nhớ nguồn", củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương phải được tổ chức trọng thể, an toàn, tiết kiệm, nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng long trọng, tạo không khí tưởng niệm thiêng liêng, hướng về cội nguồn. Các hoạt động văn hóa trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương lành mạnh, phong phú, hấp dẫn, quy tụ được những sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc của các vùng văn hóa tiêu biểu, kết hợp được những nội dung truyền thống với văn hóa văn minh hiện đại, đáp ứng yêu cầu giáo dục và yêu cầu thẩm mỹ của thời đại mới.

Việc tổ chức lễ hội phải thực hiện theo Nghị định 11/2006/NĐ- CP ngày 18 tháng 1 năm 2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng và Quy chế tổ chức lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

II. NỘI DUNG TỔ CHỨC NGHI LỄ

1. Tên gọi: Giỗ Tổ Hùng Vương

2. Thời gian tổ chức: Giỗ chính ngày 10 tháng 3 âm lịch

Việc xác định năm chẵn, năm tròn, năm lẻ để tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tính theo năm dương lịch.

- "Năm chẵn" là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là "0";

- "Năm tròn" là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là "5";

- "Năm lẻ" là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng còn lại.

3. Địa điểm: Khu vực tổ chức lễ là khuôn viên nơi thờ tự hoặc nơi dâng hương tưởng niệm.

4. Trang trí:

a. Trên các tuyến đường chính dẫn đến khu vực tổ chức lễ treo các áp phích, cắm cờ hội và cờ trang trí.

b. Tại vị trí trang trọng ở phía trước hoặc trung tâm khu vực tổ chức buổi lễ, treo Quốc kỳ và cờ hội .

c. Biểu ngữ tại cổng chính dẫn vào khu vực lễ hội thống nhất chung tiêu đề "Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 - 3 (âm lịch)".

5. Nơi tổ chức dâng hương:

5.1. Đối với tỉnh Phú Thọ (nơi có di tích lịch sử Đền Hùng).

Nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương thực hiện theo Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài;

5.2. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

a. Đền thờ Vua Hùng

Nghi thức tổ chức theo hướng dẫn chung, lễ dâng hương do đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh làm chủ lễ.

b. Di tích có liên quan đến các vua Hùng (di tích thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân- Âu Cơ, thờ vợ con, tướng lĩnh, Hùng hậu, Hùng tướng của các Vua Hùng, các vị có công với dân, với nước thời Hùng Vương).

Nghi thức tổ chức theo nghi thức truyền thống của địa phương, nghi thức phải được tiến hành trang trọng, tránh sự cải biên mang tính áp đặt chủ quan biến dạng nghi lễ truyền thống đồng thời tránh rườm rà kéo dài.

[...]