Hướng dẫn 711/HD-UBND năm 2022 thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bắc Kạn ban hành

Số hiệu 711/HD-UBND
Ngày ban hành 11/11/2022
Ngày có hiệu lực 11/11/2022
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Đỗ Thị Minh Hoa
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 711/HD-UBND

Bắc Kạn, ngày 11 tháng 11 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ HUYỆN NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Căn cứ hướng dẫn thực hiện các tiêu chí về huyện nông thôn mới của các Bộ, ngành Trung ương. UBND tỉnh tổng hợp, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, như sau:

1. TIÊU CHÍ SỐ 01 - QUY HOẠCH

1.1. Huyện đạt chuẩn tiêu chí về quy hoạch khi đáp ứng đủ 2 yêu cầu

- Có quy hoạch xây dựng vùng huyện1 được phê duyệt còn thời hạn hoặc được rà soát, điều chỉnh theo quy định, trong đó có quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn.

- Có ít nhất 01 công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu hoặc hạ tầng xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng vùng huyện đã được phê duyệt

1.2. Đánh giá thực hiện

1.2.1. Có quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt còn thời hạn hoặc được rà soát, điều chỉnh theo quy định, trong đó có quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn

Đánh giá thực hiện Hồ sơ quy hoạch xây dựng vùng huyện:

- Bản vẽ bao gồm:

+ Sơ đồ vị trí và liên hệ vùng: Vị trí, ranh giới của vùng, mối quan hệ về tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường có ảnh hưởng tới vùng quy hoạch. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình theo tỷ lệ thích hợp.

+ Các sơ đồ hiện trạng vùng: Điều kiện tự nhiên; hiện trạng phân bố dân cư và sử dụng đất; hiện trạng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường cấp vùng. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/100.000 hoặc 1/250.000 đối với vùng liên tỉnh và tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000 đối với các vùng khác.

+ Các sơ đồ về phân vùng và định hướng phát triển không gian vùng: Xác định các vùng phát triển, bảo tồn, hạn chế phát triển, vùng cấm phát triển; tổ chức hệ thống các đô thị, các khu vực dân cư nông thôn; phân bố, xác định quy mô các không gian phát triển công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp; các vùng nghỉ ngơi du lịch, khai thác, bảo vệ thiên nhiên, tôn tạo, các vùng di tích lịch sử văn hóa và các chức năng khác, phân bố cơ sở kinh tế - kỹ thuật cấp vùng. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/100.000 hoặc 1/250.000 đối với vùng liên tỉnh và tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000 đối với các vùng khác.

+ Các sơ đồ định hướng hạ tầng kỹ thuật cấp vùng: Giao thông, cao độ nền, thoát nước mặt, cung cấp năng lượng, viễn thông, cấp nước, quản lý chất thải và nghĩa trang. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/100.000 hoặc 1/250.000 đối với vùng liên tỉnh và tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000 đối với các vùng khác.

+ Các bản vẽ về đánh giá môi trường chiến lược. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình theo tỷ lệ thích hợp.

- Về thuyết minh:

+ Lý do và sự cần thiết lập quy hoạch xây dựng vùng; các căn cứ lập quy hoạch; quan điểm và mục tiêu phát triển của vùng.

+ Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, thực trạng kinh tế - xã hội vùng; hiện trạng phân bố đô thị và nông thôn, sự biến động về dân số trong vùng lập quy hoạch; hiện trạng sử dụng và quản lý đất đai; hiện trạng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật vùng; hiện trạng tài nguyên và môi trường vùng; hiện trạng các chương trình, dự án đầu tư phát triển đối với vùng lập quy hoạch; đánh giá công tác quản lý thực hiện các quy hoạch, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đối với các vùng liên tỉnh, liên huyện, vùng dọc tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế liên tỉnh: Đánh giá việc phối hợp, liên kết phát triển giữa các tỉnh, các huyện trong vùng; nêu rõ hiệu quả, bất cập trong triển khai việc liên kết phát triển đối với công tác quản lý thực hiện quy hoạch, làm cơ sở đề xuất các giải pháp trong đồ án quy hoạch.

Các nội dung trên yêu cầu trình bày mạch lạc, ngắn gọn, đủ ý, rõ ràng và phải kèm theo các sơ đồ, bảng biểu minh họa.

+ Xác định động lực và tiềm năng phát triển của vùng.

+ Dự báo về kinh tế - xã hội, dân số, lao động, tỷ lệ đô thị hóa, sử dụng đất, môi trường; các rủi ro về biến động, thảm họa thiên nhiên,…

+ Định hướng phát triển không gian theo mục tiêu và tính chất phát triển vùng. Nội dung cụ thể bao gồm: Phân vùng phát triển đô thị, công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, hạ tầng xã hội, bảo tồn (cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa lịch sử), nông thôn, sử dụng đất.

+ Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp vùng về giao thông, cao độ nền và thoát nước mặt, cung cấp năng lượng, viễn thông, cấp nước, quản lý chất thải và nghĩa trang.

+ Xác định danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bảo vệ môi trường; các dự án cần được nêu rõ quy mô đầu tư xây dựng, dự báo nhu cầu vốn và kiến nghị nguồn vốn thực hiện.

+ Đề xuất giải pháp thực hiện quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với vùng có phạm vi bao gồm nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh, cần kiến nghị mô hình, cơ chế quản lý và liên kết phát triển vùng liên tỉnh.

[...]