Hướng dẫn 4421/HD-UBND năm 2014 thực hiện Nghị quyết 139/2014/NQ-HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ công, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Hà Giang

Số hiệu 4421/HD-UBND
Ngày ban hành 30/12/2014
Ngày có hiệu lực 30/12/2014
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Đàm Văn Bông
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4421/HD-UBND

Hà Giang, ngày 30 tháng 12 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 139/2014/NQ-HĐND CỦA HĐND TỈNH NGÀY 30/9/2014 VỀ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CHUYÊN TRÁCH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÁC CƠ QUAN ĐẢNG, MẶT TRẬN TỔ QUỐC, CÁC TỔ CHỨC ĐOÀN THỂ, CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG.

Căn cứ Nghị quyết số 139/2014/NQ-HĐND ngày 30 tháng 9 năm 2014 của HĐND tỉnh Hà Giang về việc ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin (sau đây viết tắt là CNTT) trong các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hà Giang;

Để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Giang thực hiện đúng các quy định của chính sách này. Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn một số nội dung cụ thể sau:

I. Giải thích từ ngữ.

1. Trang thông tin điện tử: Là trang thông tin hoặc một tập hợp trang thông tin trên môi trường mạng phục vụ cho việc cung cấp, trao đổi thông tin.

2. Cổng thông tin điện tử là điểm truy cập duy nhất của cơ quan trên môi trường mạng, liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và các ứng dụng mà qua đó người dùng có thể khai thác, sử dụng và cá nhân hóa việc hiển thị thông tin.

3. Dịch vụ hành chính công: Là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đó quản lý.

Mỗi dịch vụ hành chính công gắn liền với một thủ tục hành chính để giải quyết hoàn chỉnh một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân.

4. Dịch vụ công trực tuyến: Là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.

a) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: Là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.

b) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

c) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng, Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

d) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

5. Công chức, viên chức chuyên trách CNTT: Là người thuộc biên chế nhà nước, trực tiếp làm và chịu trách nhiệm về hoạt động máy tính và ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị. Công chức, viên chức chuyên trách CNTT do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương quyết định phân công.

6. Quản trị mạng: Là các công việc thiết lập, cấu hình, điều chỉnh hiệu năng, bảo trì, giám sát, vận hành, khắc phục sự cố, thực hiện các biện pháp bảo vệ hệ thống mạng của đơn vị mình công tác trước nguy cơ tấn công tin học từ bên ngoài;

7. Mạng nội bộ (viết tắt là mạng LAN): Là hệ thống mạng được thiết lập và duy trì hoạt động để phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phối hợp công tác trong một cơ quan, đơn vị.

8. Hệ thống thông tin: Là một tập hợp có cấu trúc các trang thiết bị phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và hệ thống mạng phục vụ cho một hoặc nhiều hoạt động kỹ thuật, nghiệp vụ.

9. Cơ sở dữ liệu: Là một tập hợp liên kết các dữ liệu, được lưu trữ trong các hệ quản trị cơ sở dữ liệu hoặc được lưu trữ dưới dạng tập hợp các tập tin trong hệ điều hành.

II. Đối tượng không được hỗ trợ.

1. Công chức, viên chức nhập thông tin, dữ liệu hoặc thuần túy sử dụng, ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý đã được quy định tại các văn bản khác; công chức, viên chức thuộc biên chế các cơ quan chuyên trách về CNTT nhưng không trực tiếp quản lý, điều hành việc ứng dụng CNTT.

2. Các đối tượng nêu tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 139/2014/NQ-HĐND ngày 30/9/2014 nếu đang thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Miễn nhiệm hoặc được thuyên chuyển, điều động sang các phòng, ban, bộ phận hoặc cơ quan khác mà không còn làm chuyên trách CNTT.

b) Trong thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4, Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ và lực lượng vũ trang.

c) Trong thời gian đi học trong nước từ 03 tháng liên tục trở lên.

d) Nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 01 tháng liên tục trở lên.

đ) Nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật hiện hành.

e) Trong thời gian bị tạm đình chỉ, đình chỉ công tác.

[...]