Hướng dẫn 37-HD/BTCTW năm 2015 nội dung trong tuyển dụng công, viên chức cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội do Ban Tổ chức Trung ương ban hành

Số hiệu 37-HD/BTCTW
Ngày ban hành 04/08/2015
Ngày có hiệu lực 04/08/2015
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức Trung ương
Người ký Nguyễn Hoàng Việt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TỔ CHỨC
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 37-HD/BTCTW

Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2015

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CƠ QUAN ĐẢNG, MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức;

- Căn cứ Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành 1;

Được sự đồng ý của Ban Bí thư, sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung trong tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan đảng, Mặt trận  Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội như sau:

1. Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức

Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức. Về việc xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức cần đảm bảo thêm điều kiện sau:

1.1. Cơ quan sử dụng công chức xác định rõ các điều kiện về chuyên ngành đào tạo, phẩm chất, kỹ năng, kinh nghiệm,… bảo đảm tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức ngạch công chức theo vị trí dự tuyển; báo cáo cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức (quy định tại Khoản 2.1.1 Mục 2 của Hướng dẫn này) xem xét, quyết định. Sau khi được sự đồng ý, cơ quan tuyển dụng công chức phải thông báo công khai trước khi thực hiện tuyển dụng.

1.2. Đối với vị trí việc làm là công chức làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng từ Trung ương đến cấp huyện, người đăng ký dự tuyển phải là đảng viên và không vi phạm các tiêu chuẩn chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ.

1.3. Đối với vị trí việc làm là công chức trong các cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thì các cơ quan sử dụng công chức có thể quy định thêm một số điều kiện cho phù hợp với chức năng, phương thức hoạt động của đoàn thể mình, báo cáo cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức xem xét, quyết định.

Ví dụ: Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có thể quy định thêm điều kiện độ tuổi tối đa của người đăng ký dự tuyển vào vị trí việc làm là công chức trong các cơ quan của đoàn thanh niên cho phù hợp với Quy chế cán bộ đoàn;…

2. Về thẩm quyền tuyển dụng và phân cấp thẩm quyền tuyển dụng

2.1. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức

2.1.1 Ở Trung ương.

a. Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Tổ chức Trung ương; Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban Đối ngoại Trung ương; Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; Hội đồng Lý luận Trung ương.

b. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.

c. Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

d. Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

e. Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy Ngoài nước.

2.1.2. Ở địa phương: tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

2.2. Phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức

2.2.1. Ở Trung ương:

a. Các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quy định tại Khoản 2.1.1 Mục 2 của Hướng dẫn này không phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.

b. Riêng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức cho các công đoàn ngành Trung ương trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chịu trách nhiệm về các nội dung phân cấp.

2.2.2. Ở địa phương: tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương không thực hiện phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức cho các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy cấp tỉnh; các huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh (thành) ủy và tương đương; các đảng ủy khối trực thuộc tỉnh (thành) ủy; cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.

2.3. Phân cấp thẩm quyền tuyển dụng viên chức

2.3.1. Ở Trung ương:

[...]