Hướng dẫn 29-HD/VPTW năm 2017 tổ chức xác định giá trị tài liệu ở các cơ quan, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội do do Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 29-HD/VPTW
Ngày ban hành 12/09/2017
Ngày có hiệu lực 12/09/2017
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Bùi Văn Thạch
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
VĂN PHÒNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số 29-HD/VPTW

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2017

 

HƯỚNG DẪN

TỔ CHỨC XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ TÀI LIỆU Ở CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC ĐẢNG, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

Thực hiện Quy định số 270-QĐ/TW, ngày 06/12/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng hướng dẫn tổ chức xác định giá trị tài liệu ở các cơ quan, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội như sau:

1- HƯỚNG DẪN CHUNG

1.1- Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

- Văn bản này hướng dẫn về Hội đồng Xác định giá trị tài liệu, Hội đồng Thẩm tra xác định giá trị tài liệu; về nguyên tắc, phương pháp, tiêu chuẩn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác định giá trị tài liệu; về quy trình, thủ tục xét hủy tài liệu hết giá trị.

- Văn bản này áp dụng đối với tài liệu hành chính (tài liệu giấy) và được vận dụng để xác định giá trị đối với các loại hình tài liệu khác (phim, ảnh, băng, đĩa ghi âm, ghi hình, phim điện ảnh, microfilm, tài liệu khoa học - kỹ thuật, tài liệu điện tử...) ở các cơ quan, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở (sau đây viết gọn là cơ quan, tổ chức).

1.2- Yêu cầu

- Toàn bộ tài liệu ở các cơ quan, tổ chức phải được xác định giá trị thực tiễn, giá trị khoa học và giá trị lịch sử.

- Những tài liệu có giá trị phải được định thời hạn bảo quản, những tài liệu hết giá trị phải được xem xét loại hủy.

- Việc xét hủy tài liệu hết giá trị phải tiến hành thận trọng, bảo đảm chính xác, đúng quy trình, thủ tục.

1.3- Giải thích từ ngữ

Trong Hướng dẫn này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Xác định giá trị tài liệu: Là việc đánh giá giá trị tài liệu theo những nguyên tắc, phương pháp, tiêu chuẩn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền để xác định những tài liệu có giá trị lưu trữ, thời hạn bảo quản và tài liệu hết giá trị.

- Thời hạn bảo quản tài liệu: Là khoảng thời gian cần thiết để lưu giữ hồ sơ, tài liệu tính từ năm công việc kết thúc.

- Tài liệu bảo quản vĩnh viễn là tài liệu có ý nghĩa và giá trị không phụ thuộc vào thời gian, bao gồm tài liệu về đường lối, chủ trương, chính sách, cương lĩnh, chiến lược; đề án, dự án, chương trình, mục tiêu trọng điểm quốc gia; về nhà đất và các tài liệu khác.

- Tài liệu bảo quản có thời hạn là tài liệu không thuộc trường hợp trên và được xác định thời hạn bảo quản dưới 70 năm.

- Tài liệu hết giá trị cần loại ra để hủy là tài liệu có thông tin trùng lặp hoặc đã hết thời hạn bảo quản theo quy định và không còn cần thiết cho hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử.

2- HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

2.1- Hội đồng Xác định giá trị tài liệu và Hội đồng Thẩm tra xác định giá trị tài liệu

2.1.1- Hội đồng Xác định giá trị tài liệu

- Hội đồng Xác định giá trị tài liệu được thành lập để tham mưu cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc xác định thời hạn bảo quản, lựa chọn tài liệu để giao nộp vào lưu trữ cơ quan, lựa chọn tài liệu lưu trữ của lưu trữ cơ quan để giao nộp vào Lưu trữ lịch sử và loại tài liệu hết giá trị.

- Hội đồng Xác định giá trị tài liệu do người đứng đầu cơ quan, tổ chức thành lập, bao gồm:

+ Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức: Chủ tịch Hội đồng.

+ Đại diện lãnh đạo văn phòng cơ quan, tổ chức: Phó Chủ tịch Hội đồng.

+ Đại diện lãnh đạo đơn vị có tài liệu: Ủy viên.

+ Người am hiểu về ngành, lĩnh vực của tài liệu: Ủy viên.

+ Người làm lưu trữ của cơ quan, tổ chức: Thư ký Hội đồng.

[...]