ỦY BAN NHÂN DÂN
-
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
285/HD-UBND-LĐLĐ
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2022
|
HƯỚNG DẪN
VỀ VIỆC TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ HỘI NGHỊ NGƯỜI
LAO ĐỘNG NĂM 2023
Căn cứ Bộ luật Lao động năm 2019; Nghị
định 145/2020 ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ
luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Nghị định số
04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ “Về thực hiện dân chủ trong hoạt động
cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”;
Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ “Về việc quy định chi
tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động
của Ban Thanh tra nhân dân”;
Thực hiện Chương trình phối hợp công
tác số 163/CTr-UBND-LĐLĐ ngày 28/7/2020 giữa Ủy ban nhân dân Thành phố (UBND)
và Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội (LĐLĐ).
Ủy ban nhân dân Thành phố và Liên
đoàn Lao động thành phố Hà Nội hướng dẫn các Sở, cơ quan tương đương Sở, cơ
quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức đoàn thể và tổ chức chính trị - xã
hội, UBND các quận, huyện, thị xã, các Tổng công ty trực
thuộc Thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp trên địa bàn
Thành phố tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức (CB,CC,VC) và Hội nghị
người lao động (NLĐ) năm 2023, cụ thể như sau:
I. TỔ CHỨC HỘI NGHỊ
CÁN BỘ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Người đứng đầu
cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là
cơ quan, đơn vị) chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị
CB,CC,VC. Việc tổ chức hội nghị phải đảm bảo dân chủ, thiết thực, đúng trình tự,
nội dung, hình thức, thành phần quy định tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày
09/01/2015 của Chính phủ và Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ Nội
vụ.
1. Thời gian tổ chức:
- Hoàn thành trước ngày 30/01/2023.
- Riêng các đơn vị sự nghiệp là cơ sở
giáo dục đào tạo: tổ chức hội nghị vào cuối năm học 2022-2023, hoàn thành trước
ngày 15/10/2023.
2. Hình thức tổ chức:
Tổ chức mỗi năm một lần vào cuối năm.
Căn cứ tình hình thực tế, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thống nhất với Ban chấp
hành công đoàn về thành phần dự hội nghị bao gồm toàn thể hoặc
đại biểu.
3. Nội dung hội nghị:
Hội nghị CB,CC,VC bao gồm các nội
dung dược quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày
09/01/2015 của Chính phủ.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, cần
bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị gắn với việc thực hiện Nghị định số
60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ “Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự
nghiệp công lập”; Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày
28/12/2017 của Bộ GD&ĐT về việc Ban hành quy chế thực hiện công khai đối với
cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục Quốc dân.
4. Chương trình hội nghị:
- Chào cờ.
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu;
Giới thiệu Đoàn chủ tịch.
* Đoàn chủ tịch điều hành hội
nghị:
- Cử Thư ký hội nghị.
- Thông qua Chương trình hội nghị.
- Trình bày các văn bản, báo cáo theo
nội dung đã chuẩn bị.
- Đại biểu thảo luận.
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị và
Chủ tịch CĐCS giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của CB,CC,VC.
- Báo cáo kết quả hoạt động của Ban
Thanh tra nhân dân (TTND).
- Bầu Ban TTND (nếu
có).
- Thông qua quy chế chi tiêu nội bộ
và quy chế khác (nếu có).
- Tổ chức khen thưởng, phát động thi
đua, ký giao ước thi đua.
- Thông qua Nghị quyết và kết thúc hội
nghị.
5. Tổ chức thực hiện nghị quyết hội
nghị:
Người đứng đầu
cơ quan, đơn vị phối hợp với Công đoàn phổ biến, hướng dẫn,
đôn đốc việc thực hiện nghị quyết. Định kỳ 06 tháng một lần, tổ chức kiểm tra,
đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết hội nghị và thông báo kết quả kiểm tra,
đánh giá đến toàn thể CB,CC,VC.
II. TỔ CHỨC HỘI
NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG
Căn cứ Nghị định số 145/2020/NĐ-CP
ngày 14/12/2020 của Chính phủ; Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ ngày 11/11/2021 của Tổng
LĐLĐ Việt Nam về “Hướng dẫn Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế
dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc”, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phối hợp với
Công đoàn cơ sở (CĐCS) xây dựng quy chế và tổ chức hội nghị người lao động
(Doanh nghiệp có dưới 10 người lao động thì không bắt buộc phải tổ chức hội nghị).
1. Thời gian tổ chức:
Tổ chức mỗi năm 01 lần. Khuyến
khích tổ chức hội nghị vào quý I hàng năm để phát huy quyền dân
chủ của NLĐ trong việc đánh giá kết quả hoạt động của năm trước và đề xuất giải
pháp thực hiện nhiệm vụ năm công tác mới.
2. Hình thức tổ chức:
- Căn cứ điều kiện thực tế, NSDLĐ thống
nhất với CĐCS về thành phần dự hội nghị theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội
nghị đại biểu.
- Hình thức tổ chức,
nội dung, thành phần, thời gian, địa điểm, quy trình, trách nhiệm tổ chức thực
hiện và hình thức phổ biến kết quả hội nghị người lao động, thực hiện theo Quy
chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp (Quy chế dân chủ ở cơ sở
tại nơi làm việc thực hiện theo Điều 48 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày
14/12/2020 của Chính phủ).
3. Nội dung hội nghị:
Bao gồm các nội dung theo quy định tại
Điều 64 Bộ luật Lao động, trong đó tập trung thảo luận các nội dung về: Tình
hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa
ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm
việc; Điều kiện làm việc; Yêu cầu của NLĐ và công đoàn cơ sở đối với NSDLĐ; Các
nội dung khác mà hai bên quan tâm...
4. Chương trình hội nghị (Hội nghị tổ chức khi có từ 2/3 số đại
biểu NSDLĐ triệu tập có mặt tham dự):
- Chào cờ (khuyến khích).
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
- Bầu chủ trì hội nghị; Chủ trì lên
điều hành hội nghị.
- Đại diện NSDLĐ và đại diện công
đoàn trình bày các báo cáo theo phân công.
- Đại biểu thảo luận, chất vấn tại hội
nghị.
- Mời lãnh đạo phát
biểu (nếu có).
- Chủ trì hội nghị tiếp thu ý kiến
góp ý và trả lời kiến nghị thuộc trách nhiệm; kết luận thông qua các báo cáo, nội
quy, quy chế nội bộ và TƯLĐTT (nếu có).
- Ký kết TƯLĐTT (nếu có).
- Công bố thành viên tham gia Tổ đối
thoại bên NLĐ và NSDLĐ (nếu có).
- Bầu Ban Thanh tra nhân dân đối với
doanh nghiệp nhà nước (nếu có).
- Khen thưởng, phát động thi đua, ký
kết giao ước thi đua (nếu có).
- Biểu quyết thông qua Nghị quyết hoặc
những nội dung chính của Biên bản hội nghị (viết chung là Nghị quyết).
- Bế mạc hội nghị.
5. Phổ biến, triển khai thực hiện
nghị quyết hội nghị:
NSDLĐ phối hợp với CĐCS phổ biến, đôn
đốc việc thực hiện nghị quyết hội nghị đến toàn thể NLĐ; Định kỳ 06 tháng một lần
phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết và kết quả thực
hiện kiến nghị của NLĐ.
III. TỔ CHỨC HOẠT
ĐỘNG BAN THANH TRA NHÂN DÂN
Ban Thanh tra nhân dân được thành lập tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công
lập, các doanh nghiệp nhà nước, với nhiệm kỳ 02 năm.
Căn cứ Nghị định 159/2016/NĐ-CP ngày
29/11/2016 của Chính phủ; Hướng dẫn số 1271/HD-TLĐ ngày 07/8/2017 của Tổng LĐLĐ
Việt Nam về hướng dẫn Công đoàn với việc tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra
nhân dân theo quy định tại Nghị định số 159/2016/NĐ-CP, Thủ trưởng cơ quan, đơn
vị phối hợp với Ban chấp hành công đoàn hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Ban
Thanh tra nhân dân.
IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Đối với Hội nghị CB,CC,VC:
- Các cơ quan, đơn vị Sở, cơ quan
tương đương Sở, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các Tổng Công
ty trực thuộc Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan nhà nước,
đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện: gửi báo cáo kết quả tổ chức Hội nghị
CB,CC,VC năm 2023 trước ngày 15/02/2023.
- Riêng các đơn vị sự nghiệp là cơ sở
giáo dục đào tạo: gửi báo cáo trước ngày 30/10/2023.
2. Đối với Hội nghị NLĐ: Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổng hợp, báo cáo định kỳ trước
ngày 30 hàng tháng.
3. Nơi nhận báo cáo: Ban Chính sách Pháp luật và Quan
hệ lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội (Số 51 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm,
Hà Nội).
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cấp Thành phố:
- UBND Thành phố và LĐLĐ thành phố Hà
Nội thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác phối hợp chỉ đạo, tổ
chức Hội nghị CB,CC,VC và Hội nghị NLĐ năm 2023 tại các cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp (có thông báo cụ thể sau).
- Tổ chức sơ kết công tác phối hợp giữa
UBND Thành phố và LĐLĐ thành phố trong công tác chỉ đạo, tổ chức Hội nghị CB,CC,VC
và Hội nghị NLĐ năm 2023 (dự kiến vào tháng 11/2023).
2. Đối với các Sở, cơ quan tương đương Sở, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các Tổng Công
ty trực thuộc Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp trên địa
bàn Thành phố:
- Chủ trì phối hợp với công đoàn cùng
cấp nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn của Tổng
LĐLĐ Việt Nam và tham khảo 03 Video clip của LĐLĐ Thành phố (đăng tải trên
báo điện tử Lao động Thủ đô, địa chỉ:
https://laodongthudo.vn/chuyen-de/huong-dan-to-chuc-hoi-nghi-cb-ccvc-hoi-nghi-nld-hoi-nghi-doi-thoai-voi-nld.topic)
để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức Hội nghị CB,CC,VC và Hội
nghị NLĐ năm 2023.
- Tổ chức sơ kết công tác phối hợp
trong việc chỉ đạo, tổ chức Hội nghị CB,CC,VC và Hội nghị NLĐ năm 2023, gửi về Ủy
ban nhân dân Thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trước ngày
30/10/2023.
Trên đây là Hướng dẫn tổ chức thực hiện
Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động năm 2023. Ủy
ban nhân dân Thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện đúng quy định pháp luật./.
TM. BAN THƯỜNG
VỤ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Đình Hùng
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Chử Xuân Dũng
|
Nơi nhận:
- Tổng LĐLĐ Việt Nam;
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Chủ tịch LĐLĐ Thành phố;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị Thành phố;
- Ban Dân vận Thành ủy;
- Các Sở, cơ quan tương đương Sở;
- UBND quận, huyện, thị xã; Các TCT trực thuộc Thành phố;
- Các CĐ ngành, CĐ Tổng công ty; CĐ cấp trên TT cơ sở;
- VP, Phòng KGVX, KT, TKBT UBND Thành phố;
- Lưu: LĐLĐTP, UBND (SNV).
|