Hướng dẫn 1931/HD-TLĐ năm 2014 xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và đánh giá chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 1931/HD-TLĐ
Ngày ban hành 27/12/2014
Ngày có hiệu lực 01/01/2015
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Trần Văn Lý
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1931/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

XÂY DỰNG CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ VỮNG MẠNH VÀ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ

Căn cứ Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI; nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn (sau đây gọi chung là CĐCS), theo tinh thần Nghị quyết số 6a/NQ-TLĐ ngày 06 tháng 01 năm 2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS”, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và đánh giá chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, như sau:

Phần thứ nhất

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.

1. Đánh giá chất lượng hoạt động của CĐCS nhằm đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; làm cơ sở cho công tác bình xét thi đua, khen thưởng để xây dựng CĐCS vững mạnh.

2. Nội dung xây dựng CĐCS vững mạnh và phương pháp đánh giá, xếp loại CĐCS phải gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn ở cơ sở và phải được thống nhất quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thẩm định.

3. Việc đánh giá, xếp loại CĐCS phải đảm bảo dân chủ, khách quan; khắc phục tính hình thức trong đánh giá, xếp loại CĐCS.

II. ĐỐI TƯỢNG, CĂN CỨ ĐỂ ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI.

1. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động CĐCS được thực hiện hàng năm. Đối với các CĐCS được thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam cần có thời gian hoạt động từ mười hai tháng trở lên (CĐCS trường học tính theo năm học).

2. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động CĐCS phải căn cứ vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để chấm điểm theo từng nội dung tiêu chuẩn.

III. NGUYÊN TẮC ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI.

1. Xác định rõ nhiệm vụ của mỗi loại hình CĐCS theo quy định của Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam để xây dựng tiêu chuẩn nội dung hoạt động và tiêu chí đánh giá chất lượng CĐCS cho phù hợp.

2. Lượng hóa kết quả hoạt động theo các nội dung tiêu chuẩn của Hướng dẫn này để làm căn cứ chấm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của CĐCS.

Phần thứ hai

NỘI DUNG XÂY DỰNG CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ VỮNG MẠNH

I. CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC.

1. Tiêu chuẩn 1. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tham gia quản lý

1.1. Đại diện cho tập thể người lao động (NLĐ) thương lượng tập thể có hiệu quả với người sử dụng lao động (NSDLĐ) nhằm xác lập các điều kiện lao động mới làm căn cứ ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) đạt được những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật, được công đoàn cấp trên đánh giá đạt chất lượng theo quy định của Tổng Liên đoàn; giám sát thực hiện có hiệu quả nội dung TƯLĐTT.

1.2. Tham gia với NSDLĐ xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung và thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp; thực hiện công khai những việc NLĐ được biết theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc và tổ chức hội nghị NLĐ hàng năm đúng quy trình, đạt hiệu quả.

1.3. Tham gia với NSDLĐ xây dựng và giám sát thực hiện các nội quy, quy định; định mức lao động; đơn giá tiền lương; quy chế trả lương, thưởng; quy chế khen thưởng, kỷ luật.

1.4. Tham gia giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc nhằm nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách với NLĐ theo quy định của pháp luật.

1.5. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động giữa ban chấp hành (BCH) công đoàn và NSDLĐ. Phát động, tổ chức các phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực (có nội dung và kết quả cụ thể).

1.6. Giám sát thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) và hướng dẫn, tư vấn cho NLĐ giao kết và chấm dứt hợp đồng lao động với NSDLĐ đúng quy định của pháp luật; có 100% lao động làm việc tại doanh nghiệp được giao kết HĐLĐ bằng văn bản (không tính số lao động làm công việc tạm thời có thời hạn dưới ba tháng).

1.7. Phối hợp với NSDLĐ thực hiện và giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, không để xảy ra tai nạn lao động nặng do lỗi chủ quan của NLĐ và NSDLĐ.

1.8. Tham gia giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động; không để xảy ra ngừng việc tập thể trái pháp luật; không để xảy ra đơn thư vượt cấp; Tổ chức và lãnh đạo đình công (nếu có) đúng pháp luật.

2. Tiêu chuẩn 2. Xây dựng tổ chức công đoàn:

[...]