Hướng dẫn 143/HD-SNV năm 2013 về quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến do Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

Số hiệu 143/HD-SNV
Ngày ban hành 20/05/2013
Ngày có hiệu lực 20/05/2013
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Sầm Văn Mão
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
SỞ NỘI VỤ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 143/HD-SNV

Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 20 tháng 05 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

QUY TRÌNH, THỦ TỤC, HỒ SƠ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI THANH NIÊN XUNG PHONG ĐÃ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ TRONG KHÁNG CHIẾN

Căn cứ Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 08/6/2012 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg và văn bản số 720/BNV-CTTN ngày 01/3/2013 của Bộ Nội vụ về việc giải quyết chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến;

Thực hiện Kế hoạch số 7148/KH-UBND ngày 12/11/2012 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc triển khai thực hiện chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Nội vụ hướng dẫn về quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến (sau đây gọi tắt là TNXP), cụ thể như sau:

I. Những nội dung quy định về chế độ trợ cấp theo Quyết định số 40/2011/QD-TTg:

1. Đối tượng được hưởng trợ cấp:

Là TNXP tập trung tham gia kháng chiến từ ngày 15/7/1950 đến ngày 30/4/1975, đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mà không thuộc diện hưởng các chế độ hưu trí, mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

2. Đối tượng không được hưởng trợ cấp:

2.1. Đối tượng đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến;

2.2. Đối tượng đã được tính thời gian tham gia thanh niên xung phong để hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương và Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương;

2.3. TNXP đã được công nhận là Liệt sĩ;

2.4. Những người tính đến ngày 01/10/2011 (ngày có hiệu lực của Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg) đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo.

3. Các chế độ trợ cấp và mức hưởng:

3.1. Trợ cấp một lần:

a) Xác định thời gian tính hưởng trợ cấp:

TNXP tập trung tham gia kháng chiến kể từ ngày 15/7/1950 cho đến ngày hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương. Trường hợp thời gian tham gia không liên tục thì thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp là tổng thời gian thực tế của các lần tập trung tham gia kháng chiến.

Trường hợp TNXP khai ngày, tháng, năm tham gia TNXP trước năm 1950 thì thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp cho TNXP được tính từ ngày 15/7/1950 cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương (ngày 15/7/1950 là ngày thành lập lực lượng TNXP).

Nếu tổng số năm thực tế tham gia kháng chiến có số tháng lẻ, thì cứ đủ 6 tháng trở lên thì được tính tròn là 1 năm, dưới 6 tháng được tính là nửa (1/2) năm.

b) Mức trợ cấp:

- Từ đủ 2 năm trở xuống, mức hưởng trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng.

- Trên 2 năm, kể từ năm thứ 3 trở đi, cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.

Công thức tính:

Số tiền trợ cấp = 2.500.000 + [(tổng số năm tính hưởng trợ cấp - 2) X 800.000] (đồng).

c) Đối với TNXP không còn giấy tờ gốc, bản khai để hưởng chế độ chỉ khai được năm tham gia TNXP và năm trở về mà không nhớ được ngày, tháng tham gia TNXP. Căn cứ Khoản 2, Điều 2 Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH- BNV-BTC ngày 08/6/2012, nếu TNXP không còn giấy tờ gốc hoặc giấy tờ gốc không xác định được thời gian tập trung tham gia kháng chiến thì chỉ thực hiện trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng.

d) Trường hợp cựu TNXP đã từ trần trước ngày 01/6/2012 mà chưa được hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 hoặc Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì một trong những thân nhân của TNXP là: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần được hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 3.600.000 đồng. Trong trường hợp TNXP từ trần sau ngày 01/6/2012 trở đi thì cách tính hưởng trợ cấp một lần thực hiện theo như quy định đối với TNXP đang còn sống.

Người nuôi dưỡng hợp pháp cựu TNXP là người có trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cựu TNXP theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Tại Điều 48 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định, trong trường hợp không còn cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì anh, chị, em có nghĩa vụ và quyền đùm bọc nuôi dưỡng nhau.

3.2 Trợ cấp hàng tháng:

a) Tại Điều 3 Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định: TNXP tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa thì được xét trợ cấp hàng tháng. Như vậy, TNXP phải đủ cả 2 điều kiện là không còn khả năng lao động và hiện sống cô đơn không nơi nương tựa mới thuộc diện được hưởng trợ cấp hàng tháng, cụ thể như sau:

[...]