Hiệp định Marrakesh số 204/WTO/VB về thành lập tổ chức Thương mại Thế giới

Số hiệu 204/WTO/VB
Ngày ban hành 15/04/1994
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản WTO_Văn bản
Cơ quan ban hành WTO
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại

HIỆP ĐỊNH MARRAKESH

THÀNH LẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

Các Bên Ký Kết Hiệp định này,

Thừa nhận rằng tất cả những mối quan hệ của họ trong lĩnh vực kinh tế và thương mại phải được thực hiện với mục tiêu nâng cao mức sống, bảo đảm đầy đủ việc làm và một khối lượng thu nhập và nhu cầu thực tế lớn và phát triển ổn định; mở rộng sản xuất, thương mại hàng hoá và dịch vụ, trong khi đó vẫn bảo đảm việc sử dụng tối ưu nguồn lực của thế giới theo đúng mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ và duy trì môi trường và nâng cao các biện pháp để thực hiện điều đó theo cách thức phù hợp với những nhu cầu và mối quan tâm riêng rẽ của mỗi bên ở các cấp độ phát triển kinh tế khác nhau,

Thừa nhận thêm rằng cần phải có nỗ lực tích cực để bảo đảm rằng các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia kém phát triển nhất, duy trì được tỷ phần tăng trưởng trong thương mại quốc tế tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế của các quốc gia đó,

Mong muốn đóng góp vào những mục tiêu này bằng cách tham gia vào những thoả thuận tương hỗ và cùng có lợi theo hướng giảm đáng kể thuế và các hàng rào cản trở thương mại khác và theo hướng loại bỏ sự phân biệt đối xử trong các mối quan hệ thương mại quốc tế,

Do đó, quyết tâm xây dựng một cơ chế thương mại đa biên chặt chẽ, ổn định, và khả thi hơn, bao gồm Hiệp định chung về thuế quan và thương mại, kết quả của những nỗ lực tự do hoá thương mại từ trước tới nay và toàn bộ kết quả của Vòng Uruguay về Đàm phán Thương mại Đa biên,

Quyết tâm duy trì những nguyên tắc cơ bản và tiếp tục theo đuổi những mục tiêu đang đặt ra cho cơ chế thương mại đa biên này,

Đã nhất trí như sau:

Điều 1:Thành lập Tổ chức

Thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (dưới đây được gọi tắt là “WTO”).

Điều 2: Phạm vi của WTO

1. WTO là một khuôn khổ định chế chung để điều chỉnh các mối quan hệ thương mại giữa các Thành viên của tổ chức về những vấn đề liên quan đến các Hiệp định và các văn bản pháp lý không tách rời gồm cả những Phụ lục của Hiệp định này.

2. Các Hiệp định và các văn bản pháp lý không tách rời gồm cả Phụ lục 1, 2 và 3 (dưới đâỵ được gọi là "Các Hiệp định Thương mại Đa biên") là những phần không thể tách rời Hiệp định này và ràng buộc tất cả các Thành viên.

3. Các Hiệp định và các văn bản pháp lý không tách rời trong Phụ lục 4 (dưới đâỵ được gọi là "Các Hiệp định Thương mại Nhiều bên") cũng là những phần không thể tách rời khỏi Hiệp định này và ràng buộc tất cả các Thành viên đã chấp nhận chúng. Các Hiệp định Thương mại Nhiều bên không tạo ra quyền hay nghĩa vụ gì đối với những nước Thành viên không chấp nhận chúng.

4. Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại năm 1994 được nêu cụ thể trong Phụ lục 1A (dưới đây được gọi là "GATT 1994") độc lập về mặt pháp lý đối với Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại ngày 30 tháng 10 năm 1947 (dưới đây được gọi là "GATT 1947") đã được chỉnh lý, sửa chữa hay thay đổi, là phụ lục của Văn kiện cuối cùng được thông qua tại buổi bế mạc phiên họp lần thứ hai Hội đồng Trù bị của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Việc làm.

Điều 3: Chức năng của WTO

1.     WTO tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi, quản lý và điều hành, những mục tiêu khác của Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên và cũng là một khuôn khổ cho việc thực thi, quản lý và điều hành các Hiệp định Thương mại Nhiều bên.

2.     WTO là một diễn đàn cho các cuộc đàm phán giữa các nước Thành viên về những mối quan hệ thương mại đa biên trong những vấn đề được điều chỉnh theo các thoả thuận qui định trong các Phụ lục của Hiệp định này. WTO có thể là một diễn đàn cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa các nước Thành viên về những mối quan hệ thương mại đa biên của họ và cũng là một cơ chế cho việc thực thi các kết quả của các cuộc đàm phán đó hay do Hội nghị Bộ trưởng quyết định.

3.     WTO sẽ theo dõi Bản Diễn giải về những Qui tắc và Thủ tục Giải quyết Tranh chấp (dưới đâỵ được gọi là "Bản Diễn giải về Giải quyết Tranh chấp” hay “DSU”) trong Phụ lục 2 của Hiệp định này.

4.     WTO sẽ theo dõi Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại (dưới đâỵ được gọi là "TPRM”) tại Phụ lục 3 của Hiệp định này.

5.     Nhằm đạt được sự nhất quán cao hơn trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu, WTO, khi cần thiết, phải hợp tác với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển và các cơ quan trực thuộc của nó.

Điều 4: Cơ cấu của WTO

1.     Hội nghị Bộ trưởng sẽ họp hai năm một lần bao gồm đại diện của tất cả các Thành viên. Hội nghị Bộ trưởng sẽ thực hiện chức năng của WTO và đưa ra những hành động cần thiết để thực thi những chức năng này. Khi một Thành viên nào đó yêu cầu, Hội nghị Bộ trưởng có quyền đưa ra những quyết định về tất cả những vấn đề thuộc bất kỳ một Hiệp định Thương mại Đa biên nào theo đúng các yêu cầu cụ thể về cơ chế ra quyết định qui định trong Hiệp định này và Hiệp định Thương mại Đa biên có liên quan.

2.     Đại Hội đồng, gồm đại diện của tất cả các nước Thành viên, sẽ họp khi cần thiết. Trong thời gian giữa các khoá họp của Hội nghị Bộ trưởng, thì chức năng của Hội nghị Bộ trưởng sẽ do Đại Hội đồng đảm nhiệm. Đại Hội đồng cũng thực hiện những chức năng được qui định trong Hiệp định này. Đại Hội đồng sẽ thiết lập các quy tắc về thủ tục của mình và phê chuẩn những qui tắc về thủ tục cho các Ủy ban quy định tại khoản 7 Điều IV.

3.     Khi cần thiết Đại Hội đồng sẽ được triệu tập để đảm nhiệm phần trách nhiệm của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp được qui định tại Bản Diễn giải về giải quyết tranh chấp. Cơ quan giải quyết tranh chấp có thể có chủ tịch riêng và tự xây dựng ra những qui tắc về thủ tục mà cơ quan này cho là cần thiết để hoàn thành trách nhiệm của mình.

4.     Khi cần thiết Đại Hội đồng sẽ được triệu tập để đảm nhiệm trách nhiệm của Cơ quan Rà soát Chính sách Thương mại được qui định tại TPRM. Cơ quan Rà soát Chính sách Thương mại có thể có chủ tịch riêng và sẽ xây dựng những qui tắc về thủ tục mà cơ quan này cho là cần thiết để hoàn thành trách nhiệm của mình.

5.     Hội đồng Thương mại Hàng hoá, Hội đồng Thương mại Dịch vụ và Hội đồng về các khía cạnh của Quyền Sở hữu Trí tuệ liên quan đến Thương mại (dưới đây được gọi tắt là “Hội đồng TRIPS”), sẽ hoạt động theo chỉ đạo chung của Đại Hội đồng. Hội đồng Thương mại Hàng hoá sẽ giám sát việc thực hiện các Hiệp định Thương mại Đa biên trong Phụ lục 1A. Hội đồng về Thương mại Dịch vụ sẽ giám sát việc thực hiện Hiệp định Thương mại Dịch vụ (dưới đây được gọi tắt là “GATS”). Hội đồng về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ sẽ giám sát việc thực hiện Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ (dưới đây được gọi tắt là “Hiệp định TRIPS”). Tất cả các Hội đồng này sẽ đảm nhiệm những chức năng được qui định trong các Hiệp định riêng rẽ và do Đại Hội đồng giao phó. Các Hội đồng này sẽ tự xây dựng cho mình những qui tắc về thủ tục và phải được Đại Hội đồng thông qua. Tư cách thành viên của các Hội đồng này sẽ được rộng mở cho đại điện của các nước Thành viên. Khi cần thiết các Hội đồng này có thể nhóm họp để thực hiện các chức năng của mình.

6.     Hội đồng Thương mại Hàng hoá, Hội đồng Thương mại Dịch vụ và Hội đồng về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ liên quan sẽ thành lập ra các cơ quan cấp dưới theo yêu cầu. Các cơ quan cấp dưới này sẽ tự xây dựng cho mình những qui định về thủ tục và phải được Hội đồng cấp trên của mình thông qua.

7.     Hội nghị Bộ trưởng sẽ thành lập ra một Uỷ ban về Thương mại và Phát triển, Uỷ ban về các hạn chế đối với Cán cân Thanh toán Quốc tế và Uỷ ban về Ngân sách, Tài chính và Quản trị. Những Uỷ ban này sẽ đảm nhiệm các chức năng được qui định trong Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên, và bất kỳ một chức năng nào thêm khác do Đại Hội đồng giao cho. Hội nghị Bộ trưởng có thể thành lập thêm các Uỷ ban tương tự như vậy với chức năng tương ứng khi thấy cần thiết. Trong phạm vi chức năng của mình, Ủy ban về Thương mại và Phát triển sẽ định kỳ rà soát các quy định đặc biệt tại các Hiệp định Thương mại Đa biên dành cho các nước kém phát triển nhất và báo cáo lên Đại Hội đồng để có những quyết sách thích hợp. Tư cách thành viên của các Uỷ ban này sẽ được mở rộng cho đại điện của các nước Thành viên.

[...]