Tuyên bố 256/WTO/VB về sự Đóng góp của Tổ chức Thương mại Thế giới vào việc Đạt được sự Nhất quán hơn trong Hoạch định Chính sách Kinh tế Toàn cầu

Số hiệu 256/WTO/VB
Ngày ban hành 01/01/1990
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản WTO_Văn bản
Cơ quan ban hành WTO
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại

TUYÊN BỐ

VỀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI VÀO VIỆC ĐẠT ĐƯỢC SỰ NHẤT QUÁN HƠN TRONG HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH KINH TẾ TOÀN CẦU

1. Các Bộ trưởng thừa nhận rằng toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đã dẫn tới sự tương tác ngày càng tăng giữa các chính sách kinh tế riêng của mỗi nước, kể cả sự tương tác giữa các khía cạnh về cấu trúc, kinh tế vĩ mô, thương mại, tài chính và khía cạnh phát triển của việc hoạch định chính sách kinh tế. Nhiệm vụ trong việc đạt được sự hài hoà giữa các chính sách này trước tiên thuộc về các chính phủ ở tầm quốc gia, nhưng sự nhất quán trên phương diện quốc tế là yếu tố quan trọng và có giá trị làm tăng hiệu quả của những chính sách này ở tầm quốc gia.

 Những Hiệp định đạt được tại Vòng Uruguay cho thấy rằng tất cả các chính phủ tham gia thừa nhận sự đóng góp của các chính sách thương mại thông thóang với sự tăng trưởng và phát triển lành mạnh nền kinh tế của chính mình và nền kinh tế thế giới nói chung.

2. Sự hợp tác thành công trong lĩnh vực chính sách kinh tế sẽ đóng góp vào sự tiến bộ của những lĩnh vực khác. Sự ổn định hơn của tỉ giá hối đoái, dựa trên các điều kiện kinh tế và tài chính có trật tự hơn, sẽ góp phần vào việc mở rộng thương mại, tăng trưởng và phát triển bền vững, và điều chỉnh sự mất cân bằng đối ngoại. Cũng còn có nhu cầu về đầu tư tài chính có ưu đãi và không ưu đãi, thích hợp và đúng lúc và với nguồn đầu tư thực tế cho các nước đang phát triển và nhu cầu tiếp tục cố gắng để giải quyết vấn đề nợ, để góp phần đảm bảo tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Tự do hóa thương mại tạo nên nhân tố ngày càng quan trọng trong sự thành công của những chương trình điều chỉnh đang được nhiều nước thực hiện, thường làm phát sinh chi phí xã hội chuyển đổi lớn. Ngoài ra, các Bộ trưởng ghi nhận vai trò của Ngân hàng Thế giới và Quĩ tiền tệ quốc tế trong việc hỗ trợ sự điều chỉnh hướng tới tự do hóa thương mại, bao gồm cả việc hỗ trợ các nước đang phát triển thuần nhập khẩu lương thực đang phải đối mặt với các chi phí ngắn hạn phát sinh từ các cải cách thương mại trong nông nghiệp.

3. Kết quả tích cực của Vòng đàm phán Uruguay là đóng góp quan trọng cho sự nhất quán và hoàn thiện hơn nữa các chính sách kinh tế quốc tế. Các kết quả của Vòng Uruguay đảm bảo mở rộng việc tiếp cận thị trường có lợi cho tất cả các nước, cũng như đảm bảo có một khung khổ vững mạnh hơn của các nguyên tắc thương mại đa biên.

Các kết quả đó cũng đảm bảo rằng chính sách thương mại sẽ được tiến hành một cách minh bạch hơn và cùng với nhận thức rõ hơn các lợi ích của một môi trường thương mại mở với năng lực cạnh tranh quốc nội. Hệ thống thương mại đa biên vững mạnh hơn xuất hiện từ Vòng Uruguay có khả năng tạo ra một diễn đàn tốt hơn cho tiến trình tự do hóa, góp phần giám sát có hiệu quả hơn, và đảm bảo sự tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc và các qui tắc đa biên đã được thoả thuận. Những cải thiện này có nghĩa là trong tương lai chính sách thương mại có thể đóng một vai trò quan trọng hơn nữa trong việc đảm bảo sự nhất quán của việc hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu.

4. Tuy nhiên, các Bộ trưởng thừa nhận rằng những khó khăn có nguồn gốc nằm ngoài lĩnh vực thương mại không thể giải quyết được thông qua các biện pháp được thực hiện trong lĩnh vực thương mại mà thôi. Điều này làm giảm tầm quan trọng của các nỗ lực nhằm cải thiện các yếu tố khác của việc hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu để bổ xung cho việc thực hiện hữu hiệu những kết quả đã đạt được tại Vòng đàm phán Uruguay.

5. Mối liên hệ giữa các khía cạch khác nhau của chính sách kinh tế đòi hỏi các thiết chế quốc tế có trách nhiệm trong mỗi lĩnh vực cần tuân theo các chính sách nhất quán và tương hỗ. Do đó, Tổ chức Thương mại Thế giới nên theo đuổi và phát triển sự hợp tác với các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính và tiền tệ, trong khi phải tôn trọng thẩm quyền, những yêu cầu về giữ bí mật và quyền tự chủ cần thiết trong thủ tục ban hành quyết định của mỗi tổ chức, và tránh áp đặt với các chính phủ các điều kiện chéo và điều kiện bổ xung.

 Các Bộ trưởng mời Tổng Giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới cùng với Giám đốc Điều hành của Quĩ tiền tệ quốc tế và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, rà soát về trách nhiệm của Tổ chức Thương mại Thế giới đối với sự hợp tác với các thiết chế thuộc hệ thống Bretton Wood, cũng như hình thức hợp tác cần tiến hành đó, nhằm mục đích đạt được sự nhất quán hơn nữa trong hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu.