BỘ
NGOẠI GIAO
*****
|
|
Số:
11/2004/LPQT
|
Hà
Nội, ngày 23 tháng 03 năm 2004
|
Hiệp định
giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Ô-man
về vận chuyển hàng không giữa và qua lãnh thổ hai nước có hiệu lực từ ngày 21
tháng 11 năm 2003./.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Hoàng Anh
|
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH
PHỦ VƯƠNG QUỐC Ô-MAN VỀ VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG GIỮA VÀ QUA LÃNH THỔ CỦA HAI NƯỚC.
Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Ô-man;
Là các bên của Công ước về Hàng
không dân dụng quốc tế được mở để ký tại Chicagô ngày bảy tháng Mười hai năm
1944;
Mong muốn ký kết một Hiệp định
bổ sung cho Công ước nói trên nhằm thiết lập các chuyến bay giữa và qua lãnh thổ
của hai nước;
Đã thoả thuận như sau:
Điều 1.
Định nghĩa
Dùng cho Hiệp định này, trừ khi
văn cảnh đòi hỏi khác:
a) thuật ngữ “Công ước” chỉ Công
ước về Hàng không dân dụng quốc tế được mở để ký tại Chicagô ngày bảy tháng Mười
hai năm 1944, và bao gồm bất cứ Phụ lục nào được thông qua theo Điều 90 của Công
ước này và bất cứ sửa đổi nào của các Phụ lục hoặc của Công ước theo các điều
90 và 94 của Công ước trong chừng mực các Phụ lục và sửa đổi đã có hiệu lực đối
với các Bên ký kết hoặc đã được cả hai Bên ký kết phê chuẩn;
b) thuật ngữ “nhà chức trách
hàng không” trong trường hợp Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ Cục
Hàng không Dân dụng Việt Nam và bất cứ người hoặc tổ chức nào được uỷ quyền
thực hiện bất cứ chức năng nào mà Cục hàng không dân dụng Việt Nam nói trên
đang đảm nhiệm hoặc các chức năng tương tự; và trong trường hợp Chính phủ Vương
quốc Ô-man chỉ Bộ Giao thông - Vận tải và bất cứ người hoặc tổ chức nào được uỷ
quyền thực hiện bất cứ chức năng nào mà Bộ Giao thông - Vận tải nói trên đang đảm
nhiệm hoặc các chức năng tương tự;
c) thuật ngữ “hãng hàng không
được chỉ định” chỉ một hãng hàng không được chỉ định và cấp được phép theo đúng
Điều 3 của Hiệp định này;
d) thuật ngữ “lãnh thổ” đối với
một Quốc gia chỉ vùng đất (đất liền và hải đảo), nội thuỷ và lãnh hải tiếp giáp
và vùng trời nằm trên vùng đất, nội thuỷ và lãnh hải thuộc chủ quyền của Quốc
gia đó;
e) thuật ngữ “chuyến bay”, “chuyến
bay quốc tế”, “hàng hàng không” và “dừng với mục đích phi thương mại” có các
nghĩa tương ứng được quy định tại Điều 96 của Công ước;
f) thuật ngữ “trọng tải” đối với
một tàu bay chỉ hệ số trọng tải của tàu bay này được sử dụng trên đường bay
hoặc trên một chặng của đường bay;
g) thuật ngữ “trọng tải” đối với
chuyến bay thoả thuận chỉ trọng tải của tàu bay được sử dụng cho chuyến bay này
nhân với tần suất được tàu bay đó khai thác trong một thời kỳ trên đường bay
hoặc trên một chặng của đường bay;
h) thuật ngữ “Bảng đường bay” chỉ
bảng các đường bay đính kèm thành phụ lục của Hiệp định này và bất cứ sửa đổi nào
của Hiệp định đó được thoả thuận theo đúng các quy định của Điều 17 của Hiệp
định này. Phụ lục đường bay sẽ tạo thành một bộ phận cấu thành của Hiệp định này;
i) thuật ngữ “giá cước” chỉ các
giá tiền phải trả cho việc chuyên chở hành khách và hàng hóa và các điều kiện
theo đó các giá tiền này được áp dụng, bao gồm cả các giá tiền và các điều kiện
đối với các dịch vụ đại lý và các dịch vụ phụ khác nhưng không bao gồm tiền công
hoặc các điều kiện đối với việc chuyên chở bưu kiện.
Điều 2.
Trao quyền
1. Mỗi Bên ký kết sẽ trao cho Bên
ký kết kia các quyền quy định trong Hiệp định này nhằm thiết lập và khai thác
các chuyến bay quốc tế thường lệ trên các đường bay được quy định tại Bảng
đường bay của Hiệp định này. Các chuyến bay và đường bay như vậy sau đây được lần
lượt gọi là “các chuyến bay thoả thuận” và “các đường bay quy định”. Hãng hàng
không do mỗi Bên ký kết chỉ định sẽ được hưởng các quyền sau đây khi khai thác
chuyến bay thoả thuận trên đường bay quy định:
a) bay không hạ cánh qua lãnh thổ
của Bên ký kết kia;
b) hạ cánh ở lãnh thổ nói trên với
mục đích phi thương mại; và
c) lấy lên và cho xuống hành khách,
hàng hóa và bưu kiện ở bất cứ điểm nào trên các đường bay quy định tùy thuộc vào
các quy định tại Bảng đường bay của Hiệp định này.
2. Không ý nào trong điểm 1 của
Điều này sẽ được coi là dành cho hãng hàng không được chỉ định của một Bên ký
kết quyền lấy lên tàu bay, ở lãnh thổ của Bên ký kết kia, hành khách, hàng hóa
hoặc bưu kiện, chuyên chở lấy tiền công hoặc tiền thuê và cho xuống một điểm khác
ở lãnh thổ của Bên ký kết kia.
Điều 3.
Chỉ định các hãng hàng không
1. Mỗi Bên ký kết sẽ có quyền chỉ
định bằng văn bản gửi cho Bên ký kết kia một hoặc nhiều hãng hàng không để khai
thác các chuyến bay thoả thuận trên các đường bay quy định.
2. Khi nhận được thông báo chỉ định
như vậy, Bên ký kết kia, tùy thuộc vào các quy định của điểm 3 và 4 của Điều này,
sẽ không chậm trễ cấp cho hãng hàng không được chỉ định đó giấy phép khai thác
thích hợp.
3. Nhà chức trách hàng không của
một Bên ký kết có thể yêu cầu một hãng hàng không do Bên ký kết kia chỉ định chứng
minh rằng hãng hàng không đó có đầy đủ khả năng để thực hiện các điều kiện quy
định theo pháp luật và các quy định được nhà chức trách này áp dụng bình thường
và hợp lý đối với việc khai thác các chuyến bay quốc tế phù hợp với các điều
khoản của Công ước.
4. Mỗi Bên ký kết sẽ có quyền từ
chối cấp giấy phép khai thác nói ở điểm 2 của Điều này, hoặc áp đặt các điều
kiện được coi là cần thiết đối với việc một hãng hàng không được chỉ định thực
hiện các quyền quy định ở Điều 2 của Hiệp định này trong bất cứ trường hợp nào
khi Bên ký kết nói trên không được thoả mãn rằng phần lớn sở hữu và quyền kiểm
soát hữu hiệu đối với hãng hàng không đó thuộc về Bên ký kết chỉ định hãng hàng
không đó hoặc thuộc về các công dân của Bên ký kết đó.
5. Khi một hãng hàng không đã
được chỉ định và được cấp phép như vậy thì hãng hàng không đó có thể bắt đầu
khai thác các chuyến bay thoả thuận vào bất cứ lúc nào, với điều kiện hãng hàng
không này tuân thủ các quy định hiện hành của Hiệp định này.
Điều 4.
Thu hồi hoặc đình chỉ giấy phép khai thác
1. Mỗi Bên ký kết sẽ có quyền
thu hồi giấy phép khai thác hoặc đình chỉ việc hãng hàng không được Bên ký kết
kia chỉ định thực hiện các quyền quy định tại Điều 2 của Hiệp định này hoặc áp đặt
các điều kiện thích hợp được coi là cần thiết đối với việc thực hiện các quyền
này:
a) trong bất kỳ trường hợp nào
khi Bên ký kết đó không được thoả mãn rằng phần lớn sở hữu và quyền kiểm soát hữu
hiệu đối với hãng hàng không này thuộc về Bên ký kết chỉ định hãng hàng không đó
hoặc thuộc về các công dân của Bên ký kết đó, hoặc
b) trong trường hợp hãng hàng
không này không tuân thủ luật pháp hoặc các quy định của Bên ký kết trao các quyền
đó, hoặc
c) trong trường hợp hãng hàng
không này khai thác không theo đúng các điều kiện được quy định trong Hiệp định
này.
2. Trừ khi việc thu hồi, đình chỉ
ngay lập tức, hoặc áp đặt các điều kiện nói ở điểm 1 của Điều này là cần thiết để
ngăn ngừa sự vi phạm thêm luật hoặc các quy định, quyền như vậy sẽ chỉ được
thực hiện sau khi trao đổi ý kiến với Bên ký kết kia.
3. Trong trường hợp một Bên ký
kết hành động theo điều này thì các quyền của Bên ký kết kia theo Điều 14 sẽ
không bị ảnh hưởng.
Điều 5.
Miễn thuế hải quan và các lệ phí khác
1. Tàu bay do hãng hàng không
được chỉ định của một Bên ký kết khai thác các chuyến bay quốc tế cũng như dự
trữ nhiên liệu, dầu mỡ, phụ tùng thay thế, các thiết bị thông thường của tàu
bay và các đồ dự trữ của tàu bay (bao gồm cả thức ăn, đồ uống và thuốc lá) được
đưa vào lãnh thổ của Bên ký kết kia, hoặc đưa lên tàu bay tại lãnh thổ của Bên
ký kết đó và chỉ được tàu bay đó sử dụng hoặc sử dụng trên tàu bay của hãng
hàng không đó sẽ được miễn thuế hải quan, phí kiểm tra hoặc các thuế hoặc lệ phí
tương tự tại lãnh thổ của Bên ký kết kia ngay cả khi các đồ dự trữ đó được tàu
bay này sử dụng cho các chuyến bay ở lãnh thổ đó.
2. Dự trữ nhiên liệu, dầu mỡ, phụ
tùng thay thế, thiết bị thông thường của tàu bay và đồ dự trữ của tàu bay (bao
gồm cả thức ăn, đồ uống và thuốc lá) để trên tàu bay của hãng hàng không được
chỉ định của Bên ký kết này sẽ được miễn thuế hải quan, phí kiểm tra hoặc các
thuế hoặc các lệ phí tương tự tại lãnh thổ của Bên ký kết kia, ngay cả khi các đồ
dự trữ này được tàu bay này sử dụng trên các chuyến bay ở lãnh thổ đó. Các hàng
hóa được miễn như vậy chỉ có thể được dỡ xuống với sự đồng ý của nhà chức trách
Hải quan của Bên ký kết kia. Các hàng hóa tái xuất này sẽ được giữ ở kho cho đến
khi tái xuất dưới sự giám sát của Hải quan.
3. Các lệ phí mà mỗi Bên ký kết
có thể thu hoặc cho phép thu đối với hãng hàng không được chỉ định của Bên ký
kết kia sử dụng các cảng hàng không và các phương tiện khác thuộc quyền kiểm
soát của Bên ký kết đó sẽ không cao hơn lệ phí mà hãng hàng không quốc gia của
Bên ký này khai thác các chuyến bay quốc tế tương tự phải trả cho việc sử dụng
các cảng hàng không và phương tiện như vậy.
Điều 6.
Áp dụng luật và các quy định
1. Luật và các quy định của mỗi
Bên ký kết sẽ được áp dụng đối với việc dẫn đường và khai thác tàu bay của hãng
hàng không do một Bên ký kết chỉ định trong khi vào, ở lại, đi khỏi và bay trên
lãnh thổ của Bên ký kết kia.
2. Luật và các quy định của mỗi
Bên ký kết liên quan đến việc hành khách, tổ bay và hàng hóa đến hoặc đi từ
lãnh thổ của Bên ký kết đó và đặc biệt là các quy định về thủ tục hộ chiếu, hải
quan, tiền tệ, y tế và kiểm dịch sẽ được áp dụng đối với hành khách, tổ bay và
hàng hóa đến hoặc đi từ lãnh thổ của Bên ký kết này trên tàu bay của hãng hàng
không do Bên ký kết kia chỉ định.
3. Hãng hàng không được chỉ định
của mỗi Bên ký kết sẽ được phép đặt tại lãnh thổ của Bên ký kết kia các đại diện
thương mại, hành chính và kỹ thuật đủ để thực hiện các chuyến bay. Các đại diện
này sẽ được thiết lập theo luật và các quy định hiện hành tại lãnh thổ của Bên
ký kết kia.
Điều 7.
Các nguyên tắc khai thác các chuyến bay thoả thuận
1. Các hãng hàng không được chỉ
định của cả hai Bên ký kết sẽ có cơ hội công bằng và ngang nhau và được hưởng
trọng tải cung ứng ngang bằng để khai thác các chuyến bay thỏa thuận trên các
đường bay quy định giữa lãnh thổ của hai Bên ký kết.
2. Khi khai thác các chuyến bay
thỏa thuận, hãng hàng không được chỉ định của mỗi Bên ký kết sẽ tính đến quyền
lợi của hãng hàng không của Bên ký kết kia sao cho không gây ảnh hưởng xấu đến
các chuyến bay mà hãng hàng không kia cung cấp trên toàn bộ hoặc một phần của cùng
một đường bay.
3. Các chuyến bay thỏa thuận do
các hãng hàng không được chỉ định của các Bên ký kết cung cấp sẽ có mối quan hệ
chặt chẽ với nhu cầu công cộng về vận tải trên các đường bay quy định và sẽ có
mục tiêu trước tiên là cung cấp, với hệ số ghế sử dụng hợp lý, tải cung ứng đáp
ứng nhu cầu hiện tại và nhu cầu dự đoán hợp lý về chuyên chở hành khách và hàng
hóa bao gồm cả bưu kiện giữa lãnh thổ của các Bên ký kết.
4. Tổng trọng tải do các hãng
hàng không được chỉ định của các Bên ký kết cung ứng cho các chuyến bay thỏa
thuận sẽ được nhà chức trách hàng không của các Bên ký kết cùng xác định theo
đúng các nguyên tắc nói trên trước khi thực hiện việc khai thác.
Điều 8.
Phê chuẩn lịch bay
Hãng hàng không được chỉ định
của mỗi Bên ký kết sẽ đệ trình lịch bay xin phê chuẩn bao gồm loại tàu bay sẽ
sử dụng lên Nhà chức trách hành không của Bên ký kết kia không muộn hơn ba mươi
(30) ngày trước khi bắt đầu các chuyến bay trên các đường bay quy định. Việc này
sẽ áp dụng như vậy đối với các thay đổi sau này. Trong các trường hợp đặc biệt,
giới hạn thời gian này có thể được rút ngắn tuỳ thuộc vào sự đồng ý của các nhà
chức trách nêu trên.
Điều 9.
Giá cước
1. Các giá cước do hãng hàng
không của một Bên ký kết thu đối với việc chuyên chở đến hoặc đi từ lãnh thổ
của Bên ký kết kia sẽ được thiết lập ở mức hợp lý, có tính đến tất cả các yếu tố
có liên quan, bao gồm cả chi phí khai thác, lợi nhuận hợp lý và các giá cước
của hãng hàng không khác.
2. Các giá cước quy định ở điểm
1 của Điều này, nếu có thể, sẽ được các hãng hàng không được chỉ định có liên
quan của cả hai Bên ký kết thỏa thuận sau khi trao đổi ý kiến với hãng hàng
không khác khai thác trên toàn bộ hoặc một phần đường bay, và thoả thuận như vậy,
nếu có thể, sẽ đạt được bằng việc sử dụng các thủ tục của Hiệp hội vận tải hàng
không quốc tế.
3. Các giá cước được thoả thuận
như vậy sẽ được đệ trình để các nhà chức trách hàng không của cả hai Bên ký kết
phê chuẩn ít nhất là bốn lăm (45) ngày trước ngày đề nghị áp dụng các giá cước.
Trong các trường hợp đặc biệt, thời hạn này có thể được rút ngắn, tuỳ thuộc vào
sự thỏa thuận của các nhà chức trách nói trên.
4. Việc phê chuẩn này có thể
được đưa ra một cách rõ ràng. Nếu một nhà chức trách hàng không không chuẩn y
trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày đệ trình, như quy định tại điểm 3 của
Điều này, thì các giá cước đó sẽ được coi đã được phê chuẩn. Trong trường hợp
thời hạn đệ trình được rút ngắn, như quy định tại điểm 3, thì các nhà chức trách
hàng không có thể thoả thuận rằng thời hạn phải thông báo bất cứ sự không phê
chuẩn nào sẽ dưới ba mươi (30) ngày.
5. Nếu một giá cước không thể thỏa
thuận được theo điểm 3 của Điều này, hoặc nếu, trong thời hạn áp dụng điểm 4
của Điều này, nhà chức trách hàng không này sẽ thông báo cho nhà chức trách hàng
không kia về việc mình không phê chuẩn một giá cước được thoả thuận theo các
quy định của điểm 3 của Điều này thì các nhà chức trách hàng không của cả hai
Bên ký kết sẽ cố gắng xác định giá cước bằng thoả thuận chung.
6. Nếu các nhà chức trách hàng
không không thể thoả thuận được về bất cứ giá cước nào được đệ trình theo điểm
3 của Điều này, hoặc về việc xác định giá cước theo điểm 5 của Điều này, thì
tranh chấp sẽ được giải quyết theo các quy định của Điều 14 của Hiệp định này.
7. Một giá cước được thiết lập
theo các quy định của Điều này sẽ có hiệu lực cho đến khi một giá cước mới được
thiết lập. Tuy nhiên, theo điểm này một giá cước sẽ không có hiệu lực kéo dài
quá mười hai (12) tháng sau ngày giá cước đó đáng nhẽ đã hết hiệu lực.
Điều 10.
Trao đổi thông tin
1. Mỗi Bên ký kết sẽ yêu cầu
hãng hàng không được chỉ định của mình cung cấp cho Nhà chức trách hàng không
của Bên ký kết kia, càng sớm càng tốt, các bản sao giá cước, lịch bay, bao gồm
cả bất cứ sửa đổi nào về giá cước, lịch bay và tất cả thông tin liên quan khác
về khai thác các chuyến bay thỏa thuận, bao gồm cả thông tin về trọng tải được
cung cấp đối với mỗi đường bay quy định và bất cứ thông tin bổ sung nào có thể
được yêu cầu để chứng minh cho Nhà chức trách hàng không của Bên ký kết kia
rằng các yêu cầu của Hiệp định này đang được tuân thủ một cách đúng đắn.
2. Mỗi Bên ký kết sẽ yêu cầu
hãng hàng không được chỉ định của mình cung cấp cho Nhà chức trách hàng không
của Bên ký kết kia các thống kê liên quan đến vận chuyển trên các chuyến bay thỏa
thuận chỉ rõ các điểm lấy và dỡ vận chuyển.
Điều 11.
Công nhận chứng chỉ và bằng
Các chứng chỉ khả phi, chứng chỉ
năng lực trình độ và các bằng được một Bên ký kết cấp, hoặc làm cho có hiệu lực
và chưa hết hạn sẽ được Bên ký kết kia công nhận có hiệu lực nhằm mục đích khai
thác các chuyến bay thỏa thuận trên đường bay quy định, với điều kiện là các chứng
chỉ hoặc các bằng như vậy đã được cấp, hoặc làm cho có hiệu lực theo đúng các
tiêu chuẩn được quy định theo Công ước. Tuy nhiên, mỗi Bên ký kết giữ quyền từ
chối công nhận chứng chỉ thẩm quyền và các bằng do Bên ký kết kia cấp cho các công
dân của mình đối với các chuyến bay trên lãnh thổ của mình.
Điều 12.
Chuyển thu nhập
1. Mỗi Bên ký kết sẽ trao cho
hãng hàng không được chỉ định của Bên ký kết kia quyền tự do chuyển các khoản
chuyên lệch thu chi do hãng hàng không này thu được ở lãnh thổ của Bên ký kết
thứ nhất do việc chuyên chở hành khách, bưu kiện và hàng hóa trên cơ sở tỷ giá
chuyển đổi chính thức đối với việc thanh toán hiện thời.
2. Nếu một Bên ký kết quy định
các hạn chế đối với việc chuyển các khoản chênh lệch thu chi do hãng hàng không
chỉ định của Bên ký kết kia nhận được thì Bên ký kết này sẽ có quyền quy định
các hạn chế có đi có lại đối với hãng hàng không được chỉ định của Bên ký kết
thứ nhất.
Điều 13.
Trao đổi ý kiến
1. Trên tinh thần hợp tác chặt
chẽ, Nhà chức trách hàng không của các Bên ký kết sẽ thường xuyên trao đổi ý kiến
để đảm bảo việc thực hiện và tuân thủ thoả đáng các quy định của Hiệp định này
và Bảng đường bay kèm theo và sẽ trao đổi ý kiến khi cần thiết đối với việc sửa
đổi Hiệp định.
2. Mỗi Bên ký kết có thể yêu cầu
trao đổi ý kiến bằng văn bản, việc trao đổi ý kiến sẽ bắt đầu trong vòng sáu mươi
(60) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ khi cả hai Bên ký kết thỏa thuận kéo
dài thời hạn này.
Điều 14.
Giải quyết tranh chấp
1. Nếu có bất kỳ tranh chấp nào
phát sinh giữa các Bên ký kết liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp
định này thì trước hết các Bên ký kết sẽ cố gắng giải quyết bằng thương lượng.
2. Nếu các Bên ký kết không giải
quyết được tranh chấp bằng thương lượng thì các Bên đó có thể thỏa thuận chuyển
tranh chấp cho một người hoặc tổ chức nào đó để giải quyết; nếu các Bên không
thoả thuận được như vậy thì theo yêu cầu của một Bên ký kết tranh chấp sẽ được đưa
ra toà trọng tài gồm ba (3) trọng tài viên giải quyết, mỗi Bên ký kết chỉ định
một trọng tài viên và trọng tài viên thứ ba do hai trọng tài viên này chỉ định.
Mỗi Bên ký kết sẽ chỉ định trọng tài viên trong vòng sáu mươi (60) ngày sau khi
một Bên ký kết nhận được thông báo của Bên ký kết kia thông qua đường ngoại
giao về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, trọng tài viên thứ ba sẽ được chỉ
định trong thời hạn sáu mươi (60) ngày tiếp theo. Nếu một Bên ký kết nào không
chỉ định được trọng tài viên trong thời hạn quy định, hoặc nếu trọng tài viên
thứ ba không được chỉ định trong thời hạn quy định thì theo yêu cầu của một Bên
ký kết Chủ tịch Hội đồng của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế có thể chỉ định
trọng tài viên hoặc các trọng tài viên theo từng trường hợp cụ thể. Trong các
trường hợp như vậy, trọng tài viên thứ ba sẽ là công dân của Quốc gia thứ ba và
sẽ làm Chủ tịch của tòa trọng tài.
3. Các Bên ký kết sẽ tuân thủ bất
cứ quyết định nào được đưa ra theo điểm (2) của Điều này.
Điều 15.
An ninh hàng không
1. Phù hợp với quyền và nghĩa vụ
theo luật quốc tế, các Bên ký kết xác nhận rằng nghĩa vụ đối với nhau để đảm bảo
an ninh hàng không dân dụng chống lại các hành vi can thiệp bất hợp pháp là một
bộ phận cấu thành của Hiệp định này. Không hạn chế tính chất chung của quyền và
nghĩa vụ của các Bên ký kết theo luật quốc tế, các Bên ký kết sẽ hành động theo
đúng các quy định của Công ước về sự phạm tội và các hành vi khác thực hiện trên
tàu bay ký tại Tôkyô ngày 14 tháng 09 năm 1963, Công ước về đấu tranh với hành
vi chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay ký tại Lahay ngày 16 tháng 12 năm 1970, Công
ước về đấu tranh với các hành vi bất hợp pháp chống lại sự an toàn của hàng không
dân dụng ký ngày 23 tháng 09 năm 1971.
2. Các Bên ký kết sẽ dành cho
nhau mọi sự giúp đỡ cần thiết theo yêu cầu để ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt
bất hợp pháp tàu bay dân dụng và các hành vi bất hợp pháp khác chống lại sự an
toàn của tàu bay như vậy, hành khách, tổ bay, cảng hàng không và các phương
tiện dẫn đường của các Bên ký kết và bất cứ sự đe doạ nào khác đối với an ninh
của hành không dân dụng.
3. Các Bên ký kết sẽ hành động
theo đúng các điều khoản về an ninh hành không do Tổ chức hàng không dân dụng
quốc tế thiết lập và quy định thành các Phụ lục của Công ước về hàng không dân
dụng quốc tế trong chừng mực các quy định về an ninh được áp dụng đối với các Bên;
các Bên ký kết sẽ yêu cầu các nhà khai thác tàu bay mang đăng ký của mình hoặc
các nhà khai thác tàu bay có nơi kinh doanh chính hoặc địa điểm thường trú trên
lãnh thổ của mình hành động phù hợp với các quy định như vậy về an ninh hàng
không.
4. Mỗi Bên ký kết nhất trí rằng
các nhà khai thác tàu bay đó có thể được yêu cầu tuân thủ các quy định về an
ninh hàng không nêu tại điểm (3) nêu trên do Bên ký kết kia yêu cầu đối với
việc vào, ra hoặc trong khi ở lại lãnh thổ của Bên ký kết kia. Mỗi Bên ký kết sẽ
đảm bảo áp dụng đầy đủ các biện pháp một cách hữu hiệu trong phạm vi lãnh thổ
của mình để bảo vệ tàu bay và kiểm tra hành khách, tổ bay, các vật dụng mang
theo người, hành lý, hàng hóa và đồ dự trữ của tàu bay trước khi và trong khi lên
và xuống tàu bay. Mỗi Bên ký kết cũng sẽ xem xét một cách thoả đáng đối với bất
cứ yêu cầu nào của Bên ký kết kia về các biện pháp an ninh đặc biệt hợp lý để đối
phó với một mối đe dọa đặc biệt nào đó.
5. Khi xảy ra sự vụ hoặc có mối đe
dọa xảy ra sự vụ cưỡng đoạt bất hợp pháp tàu bay dân dụng hoặc các hành vi bất
hợp pháp khác chống lại sự an toàn của tàu bay như vậy, hành khách và tổ bay, cảng
hàng không hoặc các phương tiện dẫn đường thì các Bên ký kết sẽ giúp đỡ lẫn
nhau bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho thông tin liên lạc và các biện pháp
thích hợp khác nhằm chấm dứt nhanh chóng và an toàn sự vụ hoặc mối đe doạ xảy
ra sự vụ như vậy.
Điều 16.
Các Công ước đa phương
Trong trường hợp ký kết một Công
ước hoặc Hiệp định đa phương về vận tải hàng không mà cả hai Bên ký kết đều
tham gia thì Hiệp định này sẽ được sửa đổi phù hợp với các quy định của Công ước
hoặc Hiệp định đó.
Điều 17.
Sửa đổi
1. Nếu một Bên ký kết mong muốn
sửa đổi bất cứ quy định nào của Hiệp định này bao gồm cả Bảng đường bay được
coi là một phần của Hiệp định thì Bên đó sẽ yêu cầu trao đổi ý kiến theo đúng
Điều 13 của Hiệp định này. Việc trao đổi ý kiến như vậy có thể tiến hành bằng
trao đổi thông tin.
2. Nếu sửa đổi liên quan đến các
quy định của Hiệp định không phải là của Bảng đường bay thì sửa đổi sẽ được mỗi
Bên ký kết phê chuẩn theo đúng quy định của hiến pháp của mình và sẽ có hiệu lực
khi được xác nhận bằng việc trao đổi Công hàm thông qua đường ngoại giao.
3. Nếu sửa đổi chỉ liên quan đến
các quy định của Bảng đường bay thì sửa đổi đó sẽ được thoả thuận giữa các nhà
chức trách hàng không của cả hai Bên ký kết.
Điều 18.
Đăng ký với Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế
Hiệp định này và bất cứ sửa đổi
nào của Hiệp định sẽ được đăng ký với Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.
Điều 19.
Chấm dứt Hiệp định
Mỗi Bên ký kết có thể vào bất cứ
lúc nào thông báo cho Bên ký kết kia về quyết định của mình chấm dứt Hiệp định
này; thông báo như vậy sẽ đồng thời được gửi cho Tổ chức hàng không dân dụng quốc
tế. Trong trường hợp như vậy Hiệp định này sẽ bị chấm dứt hiệu lực mười hai
(12) tháng sau ngày Bên ký kết kia nhận được thông báo, trừ khi thông báo chấm
dứt Hiệp định được thu hồi bằng sự thỏa thuận trước ngày hết thời hạn này.
Trong trường hợp Bên ký kết kia không xác nhận nhận được thông báo thì thông báo
đó sẽ được coi là đã nhận được sau khi Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế nhận
được thông báo mười bốn (14) ngày.
Điều 20.
Phụ lục
Các Phụ lục của Hiệp định này sẽ
được coi là một phần của Hiệp định và tất cả các dẫn chiếu đối với Hiệp định sẽ
bao gồm cả các dẫn chiếu đối với các Phụ lục, trừ khi quy định khác một cách rõ
ràng.
Điều 21.
Kiểm dịch động vật và thực vật
Hãng hàng không do mỗi Bên ký
kết chỉ định sẽ tuân thủ luật của Bên kia khi đưa động vật và thực vật vào,
hoặc ra khỏi lãnh thổ của Bên đó trong khi tàu bay vào, ở lại, hoặc ra khỏi
lãnh thổ của Bên ký kết này.
Điều 22.
Có hiệu lực
Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào
ngày các Bên ký kết thông báo cho nhau bằng văn bản thông qua đường ngoại giao
rằng các thủ tục pháp lý được yêu cầu đối với việc có hiệu lực của Hiệp định này
tại hai nước đã được tuân thủ.
Để làm chứng các đại diện toàn
quyền ký dưới đây được các Chính phủ của mình ủy quyền hợp pháp, đã ký Hiệp
định này.
Làm ngày 28/06/2003 tại Muxcat
thành hai bản bằng tiếng Việt, tiếng Ả Rập và tiếng Anh, tất cả các bản đều có
giá trị ngang nhau. Trong trường hợp có bất cứ sự tranh chấp nào đối với việc
giải thích và/hoặc áp dụng Hiệp định này thì bản tiếng Anh sẽ được đối chiếu./.
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ
VƯƠNG QUỐC Ô-MAN
|
PHỤ LỤC
BẢNG ĐƯỜNG BAY 1
1. Các đường bay do hãng hàng
không được chỉ định của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai thác:
Từ
(1)
Các
điểm tại CHXHCN Việt Nam
|
Đến
(2)
Muscat
Salalah
|
Các
điểm trung gian
(3)
Ba
điểm bất kỳ
|
Các
điểm quá
(4)
Ba
điểm bất kỳ
|
2. Hãng hàng không được chỉ định
của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể, đối với toàn bộ hoặc bất cứ chuyến
bay nào, bỏ bất cứ điểm nào ở các cột (3) và (4) trên đây, với điều kiện là các
chuyến bay thỏa thuận trên các đường bay này bắt đầu tại điểm ở cột (1).
3. Quyền của hãng hàng không
được chỉ định của mỗi Bên ký kết chuyên chở hành khách, hàng hóa và bưu kiện
giữa các điểm ở lãnh thổ của Bên ký kết kia và các điểm ở lãnh thổ của các Bên
thứ ba sẽ do các nhà chức trách hàng không của hai Bên ký kết thảo luận và thỏa
thuận.
PHỤ LỤC
BẢNG ĐƯỜNG BAY 2
1. Các đường bay do hãng hàng
không được chỉ định của Vương quốc Ô-man khai thác:
Từ
(1)
Các
điểm tại Vương quốc Ô-man
|
Đến
(2)
T/p
Hồ Chí Minh
Hà
Nội
|
Các
điểm trung gian
(3)
Ba
điểm bất kỳ
|
Các
điểm quá
(4)
Ba
điểm bất kỳ
|
2. Hãng hàng không được chỉ định
của Vương quốc Ô-man có thể, đối với toàn bộ hoặc bất cứ chuyến bay nào, bỏ bất
cứ điểm nào ở các cột (3) và (4) trên đây, với điều kiện là các chuyến bay thỏa
thuận trên các đường bay này bắt đầu tại điểm ở cột (1).
3. Quyền của hãng hàng không
được chỉ định của mỗi Bên ký kết chuyên chở hành khách, hàng hóa và bưu kiện
giữa các điểm ở lãnh thổ của Bên ký kết kia và các điểm ở lãnh thổ của các Bên
thứ ba sẽ do các nhà chức trách hàng không của hai Bên ký kết thảo luận và thỏa
thuận./.