Đề án 06/ĐA-UBND phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của thành phố Cần Thơ năm 2024

Số hiệu 06/ĐA-UBND
Ngày ban hành 21/08/2024
Ngày có hiệu lực 21/08/2024
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Dương Tấn Hiển
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/ĐA-UBND

Cần Thơ, ngày 21 tháng 8 năm 2024

 

ĐỀ ÁN

PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2024

Thực hiện Đề án huy động tài chính và tăng thu ngân sách thành phố Cần Thơ giai đoạn 2023 - 2025, trong đó với mục tiêu huy động thêm các nguồn lực như phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện đầu tư xây dựng công trình trọng điểm của thành phố và đầu tư dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Căn cứ nhu cầu đầu tư phát triển của thành phố cần thực hiện một số công trình, dự án bức xúc, trọng điểm theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong tình hình nguồn thu ngân sách của thành phố còn hạn chế chưa thể đáp ứng nhu cầu chi nêu trên của địa phương.

Căn cứ Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, trong đó tại khoản 1 Điều 3 quy định: “Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.”

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt công tác khai thác, quản lý và bồi dưỡng nguồn thu, tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong đó việc triển khai phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là giải pháp cần thiết để huy động nguồn lực kinh tế từ xã hội, đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách trên địa bàn thành phố.

1. Sự cần thiết phát hành trái phiếu chính quyền địa phương

1.1 Tồn quỹ ngân sách địa phương

Kết thúc niên độ ngân sách 2023, tính đến thời điểm ngày 18/6/2024 tồn quỹ ngân sách cấp thành phố năm 2023 là 5.212 tỷ đồng. Trong đó:

1.1.1. Các nguồn thu đã có nhiệm vụ chi tương ứng theo quy định: 3.194 tỷ đồng

Bao gồm: nguồn cải cách tiền lương năm 2022, bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương còn tồn, nguồn thu vượt sử dụng đất, xổ số kiến thiết, tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa...

1.1.2. Tăng thu ngân sách cấp thành phố năm 2022: 943 tỷ đồng

Thực hiện trích lập 70% nguồn CCTL năm 2023, 30% còn lại trích lập theo thứ tự ưu tiên tại khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước

1.1.3. Tiết kiệm chi: 1.074 tỷ đồng

Đã trình HĐND thành phố bố trí nhiệm vụ chi: 448 tỷ đồng

Còn lại dự kiến bố trí nguồn CCTL năm 2023 đang chờ Bộ Tài chính xác định: 626 tỷ đồng

Do đó toàn bộ tồn quỹ ngân sách địa phương đã được bố trí nhiệm vụ chi theo quy định, không đủ khả năng bố trí vốn cho các dự án cấp thiết dự kiến sử dụng nguồn trái phiếu chính quyền địa phương.

1.2 Tình hình sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi

Năm 2023, ngân sách cấp thành phố hụt thu 142 tỷ, do đó không bố trí sử dụng từ nguồn tăng thu năm 2023. Tình hình sử dụng tăng thu năm trước và tiết kiệm chi trong tồn quỹ ngân sách cấp thành phố năm 2023 đã được thể hiện nội dung phía trên.

1.3 Dự báo tình hình thu, chi ngân sách địa phương năm 2024

Ủy ban nhân dân thành phố có Báo cáo số 148/BC-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2024 báo cáo tình hình thực hiện ngân sách 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó:

Ước thu nội địa năm 2024 là 12.273 tỷ đồng đạt 101,59% dự toán Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân thành phố giao. Ước thu ngân sách địa phương được hưởng là 11.690 tỷ đồng đạt 100,91% dự toán Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân thành phố giao. Nếu loại trừ thu từ tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, ước thu cân đối ngân sách địa phương còn lại là 7.575 tỷ đồng, hụt thu 38 tỷ đồng so với dự toán được giao.

Ước chi ngân sách địa phương năm 2024 sau khi đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên dành để cải cách tiền lương theo quy định là 19.320 tỷ đồng, đạt 90,61% dự toán Bộ Tài chính giao.

Như vậy tình hình thu ngân sách nhà nước của địa phương năm 2024 gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện nhu cầu chi khá lớn đặc biệt là nhu cầu chi cho đầu tư phát triển các dự án nội bộ và liên vùng, cao tốc...Vì vậy việc huy động vốn trong nước chi cho đầu tư phát triển rất cần thiết trong điều kiện hiện nay.

1.4 Dự kiến giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

Dự kiến tổng số giải ngân trong năm 2024 đạt 9.846 tỷ đồng, đạt 94,06% dự toán Bộ Tài chính giao. Trong đó:

- Chi đầu tư XDCB từ nguồn cân đối ngân sách địa phương: 6.750 tỷ đồng, đạt 89,23% dự toán Bộ Tài chính giao.

- Chi đầu tư XDCB từ nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương: 2.882 tỷ đồng, đạt 99,29% dự toán Bộ Tài chính giao.

[...]