Kính gửi:
|
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND quận, huyện, thị xã.
|
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định
số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “phát triển
ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số
quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm ứng dụng cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư để phục vụ cải cách hành chính, phục vụ người dân, làm giảm
chi phí xã hội, giảm phiền hà cho người dân; tiếp tục phát triển ứng dụng cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư trong phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ người dân,
phấn đấu đưa Việt Nam đứng thứ 50 các quốc gia trên thế giới ứng dụng công nghệ
thông tin trong chuyển đổi số, mang lại 20% GDP cho nền kinh tế đến năm 2025 và
30% tính đến năm 2030; tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm các đơn vị trong
việc thực hiện chức năng thường trực Đề án 06 và đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng,
đủ, sạch, sống”.
UBND Thành phố chỉ đạo như sau:
1. Các Sở, ban, ngành; UBND các
quận, huyện, thị xã
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn tại
đơn vị và địa phương, Thủ trưởng các đơn vị tổ chức đăng ký mô hình điểm về đảm
bảo dữ liệu dân cư, đúng, đủ, sạch, sống và Đề án 06 đảm bảo 100 % các đơn vị,
địa phương đều đăng ký mô hình điểm (có dự thảo các mô hình gửi kèm theo),
hoàn thành trước ngày 20/4/2023.
- Thường xuyên theo sát quá trình thực hiện, tập hợp
khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Báo cáo kết quả đăng ký mô hình
về UBND Thành phố (qua Công an Thành phố Hà Nội - Phòng Tham mưu) để tập
hợp báo cáo Thư ký Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ.
2. Công an thành phố Hà Nội:
- Là đầu mối tập hợp chung; tham mưu UBND Thành phố
tổng hợp mô hình điểm của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã để đăng
ký mô hình điểm của Thành phố gửi về Thư ký Tổ công tác triển khai Đề án 06
Chính phủ.
- Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực
hiện của các đơn vị. Thường xuyên cập nhật tiến độ thực hiện, báo cáo kết quả,
khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
UBND Thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các
quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- BCĐ Đề án 06 Thành phố;
- VP UBND TP: CVP, PCVP C.N.Trang.
Các phòng: KSTTHC, HCTC, TH, HCTC, Trung tâm THCB;
- Lưu: VP, KSTTHC, Công an TP (PV01, PC06).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Hồng Sơn
|
PHỤ LỤC
MẪU CÁC MÔ HÌNH ĐIỂM
(Kèm theo văn bản số: 933/UBND-KSTTHC ngày 03 tháng 4 năm 2023 của UBND
Thành phố)
I. Mô hình 1: Triển khai dịch vụ
công
1. Mục tiêu: Người dân tiếp cận dễ
dàng dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi.
2. Phạm vi triển khai:
- Địa điểm đông người (Chung cư; phố đi bộ, trường
học, bệnh viện ...).
- Phối hợp với các tổ chức, tổ chức chính trị xã hội,
đoàn, hội, hội phật giáo để triển khai mô hình dịch vụ công.
3. Yêu cầu:
- 100% cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, lực
lượng vũ trang thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công; 50% gia
đình, thân nhân của họ tham gia.
- 70% dịch vụ công trực tuyến trong 25 dịch vụ công
thiết yếu phấn đấu có tỷ lệ trên 50% như: đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn,
xóa đăng ký thường trú, gia hạn tạm trú... trong đó một số dịch vụ công không
yêu cầu đính kèm nhiều giấy tờ, tài liệu, đạt 100% như: thông báo lưu trú, xác
nhận chứng minh nhân dân 9 số khi đã có thẻ CCCD...
- Sinh viên, học sinh trên địa bàn được đào tạo, tập
huấn sử dụng dịch vụ công để làm tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ người dân
tham gia dịch vụ công. Thúc đẩy thành phong trào đoàn viên, thanh niên, hội phụ
nữ...
- Triển khai tháng thanh niên tình nguyện, lực lượng
Đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tham gia hướng dẫn người dân
sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn cài đặt ứng dụng và kích hoạt tài
khoản định danh điện tử VNelD.
- Mỗi người dân là một tuyên truyền viên và hướng dẫn
dịch vụ công; tổ công tác triển khai đề án 06 cấp xã sinh hoạt định kỳ, hướng dẫn
hàng tuần; 100% chung cư có ban quản trị là hướng dẫn viên và có xã hội hóa máy
tính để người dân triển khai; 100% cơ sở tôn giáo là điểm hướng dẫn và triển
khai.
4. Về điều kiện triển khai:
Vận dụng các nguồn khác nhau để đầu tư, trang thiết
bị (máy tính, máy in, máy scan có kết nối internet) để thực hiện dịch vụ
công.
II. Mô hình 2: Công dân số
1. Mục tiêu: Đảm bảo công dân đủ điều
kiện được trang bị các công cụ thiết yếu: Thẻ CCCD gắn chip điện tử; ứng dụng
VNelD để tham gia trên môi trường điện tử.
2. Phạm vi triển khai: Công an xã,
phường, Công an huyện, các trường học, cơ quan, doanh nghiệp.
3. Yêu cầu:
- 100% cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức được
cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử; ứng dụng VNelD; 70% công dân cài VNelD mức 1 và
50%/70% mức 2.
- Sinh viên, học sinh trên địa bàn được đào tạo, tập
huấn sử dụng dịch vụ công để làm tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ người dân
tham gia dịch vụ công. Thúc đẩy thành phong trào đoàn viên, thanh niên, hội phụ
nữ...
- Các đơn vị, địa phương rà soát, thực hiện đảm bảo
toàn bộ công dân được cấp tài khoản định danh điện tử thực hiện đăng ký và sử dụng
chữ ký số.
- 100% công dân phản ánh tố giác, tin báo về tội phạm
qua VNelD.
4. Về điều kiện triển khai: Công dân đủ điều
kiện đến cơ quan Công an cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử và ứng dụng VNelD (mức 1
hoặc mức 2).
III. Mô hình 3: Mô hình thanh
toán không dùng tiền mặt
1. Mục tiêu: 100% các cơ sở giáo dục, y tế
thực hiện.
2. Phạm vi triển khai: Toàn bộ các cơ sở
trên địa bàn.
3. Yêu cầu:
Các cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn tỉnh phối hợp
với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán triển khai việc thu
học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán
không dùng tiền mặt thân thiện với người dùng trên internet, thiết bị di động,
đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, làm chủ dữ liệu và bảo mật thông tin riêng
tư, qua các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích của ngân hàng
4. Về điều kiện triển khai: Ngân hàng, tổ chức
tín dụng trên địa phối hợp với các đơn vị đảm bảo tài khoản thanh toán, đa dạng
các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
IV. Mô hình 4: An sinh xã hội
1. Mục tiêu: 100% các đối tượng hưởng trợ cấp
an sinh xã hội trên địa bàn nhận hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt thông qua
tài khoản ngân hàng, tài khoản viễn thông (mobile money), các hình thức khác.
2. Phạm vi triển khai: Trên địa bàn các xã,
phường.
3. Yêu cầu: Đảm bảo dữ liệu về an sinh xã hội
“đúng, đủ, sạch, sống”, mỗi công dân có tài khoản thanh toán/tài khoản viễn
thông thanh toán (mobile money) để nhận trợ cấp thuộc diện trợ cấp ASXH và các
nguồn trợ cấp khác từ địa phương.
4. Về điều kiện triển khai: Sở Lao động
Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với lực lượng Công
an đảm bảo dữ liệu được xác thực đúng đối tượng và thanh toán không dùng tiền mặt.
V. Mô hình 5: Khám chữa bệnh sử
dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử và ứng dụng VNelD
1. Mục tiêu: 100% các cơ sở khám chữa bệnh
trên địa bàn sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử, ứng dụng VNeID thay thế thẻ
BHYT, ứng dụng VSSID khi khám chữa bệnh. 100% công dân sử dụng thẻ CCCD gắn
chip để khám chữa bệnh, trong đó có 70% số lượng công dân sử dụng CCCD đi khám,
chữa bệnh có thông tin bảo hiểm trả về.
2. Phạm vi triển khai: Các cơ sở khám chữa bệnh
trang bị thiết bị đầu đọc thẻ CCCD gắn chip điện tử để thực hiện.
3. Yêu cầu: Các cơ sở khám chữa bệnh hạn chế
người dân xuất trình thẻ BHYT giấy, ứng dụng VSSID để khám chữa bệnh. Trang bị
đầu đọc thẻ Qrcode theo quy chuẩn của Bộ Thông tin và truyền thông.
4. Về điều kiện triển khai: Dữ liệu dân cư
và dữ liệu bảo hiểm y tế đã đảm bảo đồng bộ, làm sạch để phục vụ khám chữa bệnh.
VI. Mô hình 6: Đào tạo Online
cho cán bộ, công chức
1. Mục tiêu: Khuyến khích các địa phương thực
hiện đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên chức sử dụng phần mềm đào tạo
Edtech.
2. Phạm vi triển khai: Tất cả các đơn vị đều
triển khai áp dụng mô hình này trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ,
chiến sĩ.
3. Yêu cầu: Phối hợp với Sở Nội vụ, C06 triển
khai đào tạo miễn phí.
4. Về điều kiện triển khai: Đã sẵn sàng triển
khai. Các đơn vị chủ động xây dựng học liệu, giáo trình để đưa vào hệ thống và
tổ chức đào tạo.
VII. Mô hình 7: Triển khai phần
mềm lưu trú
1. Mục tiêu
- 100% các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn
triển khai sử dụng phần mềm lưu trú ASM (là phần mềm của Trung tâm nghiên cứu
ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phát triển, hỗ trợ công tác quản lý tại
các cơ sở kinh doanh lưu trú và thông báo tự động đến Công an cấp xã để thực hiện
nghiệp vụ cư trú, công dân đến lưu trú không cần xuất trình giấy tờ, sử dụng mã
Qrcode trên ứng dụng VNelD, CCCD để thực hiện).
- Đảm bảo 50% các bến xe, đơn vị vận chuyển thực hiện
khai báo lưu trú cho hành khách di chuyển trên các chuyến xe đường dài thông
qua phần mềm lưu trú ASM.
2. Phạm vi triển khai: Các cơ sở lưu trú từ
3 sao trở xuống sử dụng phần mềm để ứng dụng.
3. Yêu cầu: Công an các địa phương phối hợp
C06 triển khai theo nhu cầu của các cơ sở kinh doanh tại địa phương.
4. Về điều kiện triển khai: Đã sẵn sàng triển
khai.
VIII. Mô hình 8: Mô hình tuyên
truyền
1. Mục tiêu: Tuyên truyền, kết quả thực hiện
Đề án 06, nhất là các tiện ích người dân, doanh nghiệp được hưởng dưới nhiều
hình thức, cụ thể:
- 50% bộ phận một cửa các cấp có video hướng dẫn
người dân thực hiện dịch vụ công.
- 100% bộ phận một cửa các cấp có pano, ap pich
tuyên truyền tiện ích của Đề án 06.
2. Phạm vi triển khai: Trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Yêu cầu: Công an các địa phương tham mưu
UBND tỉnh/thành phố sử dụng mọi hình thức tuyên truyền sẵn có, xây dựng thành
các chương trình, phong trào toàn dân trong địa bàn. Sở Văn hóa thể thao và du
lịch khảo sát, tham mưu thực hiện, triển khai.
XI. Mô Hình 9: Mô hình tuyên
truyền
1. Mục tiêu: 100% cán bộ, công chức, viên chức
làm thủ tục hành chính cho người dân sử dụng dữ liệu khi tra cứu vào cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng dữ liệu của người dân tại VNelD mức 2.
2. Phạm vi triển khai: Trên địa bàn toàn xã,
huyện, tỉnh
3. Yêu cầu: Tập huấn cho 100% cán bộ, công
chức, viên chức, và tuyên truyền người dân thực hiện.
X. Mô hình 10: Mô hình tại bộ
phận một cửa
1. Mục tiêu: 100% các địa điểm, trụ sở Công
an cấp xã, hệ thống 1 cửa 3 cấp có cán bộ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ
công trực tuyến.
- 100% địa điểm tại bưu điện, VNPT, Viettel là địa
điểm hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến.
2. Phạm vi triển khai: Trên địa bàn toàn xã,
huyện, tỉnh
3. Yêu cầu: Tập huấn cho 100% cán bộ, công
chức, viên chức cách thức đăng nhập, quy trình nghiệp vụ để nắm vững, hướng dẫn
được người dân thực hiện, không làm hộ người dân.
Có văn bản đề nghị bưu điện, VNPT, Viettel phối hợp
triển khai.
XI. Mô hình 11: Mô hình triển
khai tại các nhà cho thuê khu công nghiệp
1. Mục tiêu: 100% cơ sở có nhà cho thuê có
công dân đăng ký tạm trú trên VNelD.
100% công nhân tại các khu công nghiệp đăng ký tạm
trú trên VNelD.
2. Phạm vi triển khai: Tại khu công nghiệp,
tại các nhà cho thuê có điều kiện, khả năng thực hiện (internet, diện
tích...)
3. Yêu cầu: Hướng dẫn công nhân, người thuê
nhà cài đặt VNelD và sử dụng chức năng thông báo lưu trú trên VNelD
XII. Mô hình 12: Mô hình triển
khai lưu trú tại các bệnh viện
1. Mục tiêu: 100% bệnh nhân tại các bệnh viện,
cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện khai báo lưu trú trên ứng dụng
VNelD.
2. Phạm vi triển khai: Tại các bệnh viện
trên địa bàn toàn xã, huyện, tỉnh
3. Yêu cầu: Hướng dẫn các bệnh nhân cài đặt
VNelD và sử dụng chức năng thông báo lưu trú trên VNelD.
XIII. Mô hình 13: Mô hình triển
khai tại các nhà ga, bến tầu, khu di tích, các địa điểm đình, đền, chùa
1. Mục tiêu: 100% các khu di tích, địa điểm
thăm quan du lịch trang bị thiết bị quét mã Qrcode trên thẻ CCCD, trên VNelD để
thực hiện truy xuất ra, vào của các cá nhân, phục vụ thống kê, báo cáo khi cần
thiết, phục vụ công tác quản lý nhà nước, kiểm soát được lượng khách đến thăm
quan ....
2. Phạm vi triển khai: các khu di tích, địa
điểm thăm quan du lịch trên địa bàn xã, huyện, tỉnh.
3. Yêu cầu: Đối với công dân phải trang bị
thẻ CCCD gắn chip hoặc có tài khoản định danh điện tử mức 2.
Sở Văn hóa Thể thao và du lịch khảo sát, phối hợp với
C06 để mua sắm trang thiết bị phục vụ kiểm soát
XIV. Mô hình 14: Mô hình triển
khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện
1. Mục tiêu: 100% các cơ sở kinh doanh có điều
kiện trang bị thiết bị xác minh di động, ứng dụng để xác định chính xác danh
tính công dân, tính hợp lệ của thẻ CCCD.
2. Phạm vi triển khai: Các Cơ sở kinh doanh
3. Yêu cầu: Đối với công dân phải trang bị thẻ
CCCD gắn chip hoặc có tài khoản định danh điện tử mức 2.
Đối với các cơ sở kinh doanh có nhu cầu sử dụng
trang thiết bị (xác minh di động), ứng dụng xác thực thẻ CCCD, VNelD phối hợp
C06 mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh.
XV. Mô hình 15: Mô hình triển
khai tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn
1. Mục tiêu: 100% các nhà hàng, khách sạn có
nhu cầu sử dụng thiết bị đọc mã Qrcode, chip tự động điền form hóa đơn, kết nối
với phần mềm của cơ quan thuế để thực hiện khai báo thuế tự động.
2. Phạm vi triển khai: Các cơ sở kinh doanh
nhà hàng, khách sạn trên địa bàn.
3. Yêu cầu: Đối với công dân phải trang bị
thẻ CCCD gắn chip hoặc có tài khoản định danh điện tử mức 2.
Đối với các cơ sở kinh doanh có nhu cầu phải trang bị
thiết bị. Phần mềm phải tích hợp với cơ quan thuế.