Kính gửi: Tổng
cục Hải quan
Trả lời văn bản số 5452/TCHQ-GSQL ngày 19 tháng 9
năm 2018 của Tổng cục Hải quan đề nghị hướng dẫn một số nội dung liên quan đến
Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm
2018 của Chính phủ, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
I. Một số vấn đề chung
1. Về thẩm quyền giải thích Luật
Tại văn bản của quý Tổng cục có đề nghị Bộ Công
Thương hướng dẫn để thống nhất cách hiểu, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
liên quan đến nội dung của một số văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương
xin lưu ý Quý Tổng cục như sau:
Điều 159 Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật quy định như sau:
“1. Chủ tịch nước, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của
Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung
ương của tổ chức thành viên của Mặt trận và đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Ủy
ban thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề
nghị của các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội quy định tại khoản 1 Điều này
quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.”
Do vậy, Bộ Công Thương không có thẩm quyền hướng dẫn,
giải thích các quy định đã có hiệu lực pháp luật.
2. Về Khu phi thuế quan
Theo quy định pháp luật hiện hành, khu phi thuế
quan thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, đề nghị Tổng cục
Hải quan báo cáo Bộ Tài chính để được hướng dẫn.
II. Về một số nội dung cụ thể
1. Về Khu hải quan riêng
Khoản 1 và Khoản 2 Điều 28 Luật
Thương mại quy định:
“1. Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa
ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt
Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
2. Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa
vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ
Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”
Khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại
thương quy định:
“Khu vực hải quan riêng là khu vực địa lý xác định
trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và
điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; có
quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là
quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.”
Để Quý Tổng cục nắm thêm thông tin, Bộ Công Thương
cung cấp một số nội dung liên quan tại các báo cáo Quốc hội về giải trình, tiếp
thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và
của Chính phủ theo Phụ lục gửi kèm văn bản này.
2. Áp dụng biện pháp quản lý
hàng hóa đối với khu hải quan riêng
Điều 56 và Điều 57 Luật quản lý ngoại
thương quy định như sau:
“Điều 56. Áp dụng biện pháp quản lý hàng hóa xuất
khẩu đối với khu vực hải quan riêng
1. Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với
hàng hóa được đưa từ khu vực hải quan riêng ra nước ngoài như đối với hàng hóa
được đưa từ nội địa ra nước ngoài.
2. Không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương
đối với hàng hóa đưa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng.
3. Chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý
hàng hóa xuất khẩu đối với khu vực hải quan riêng.
4. Hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều này phải
chịu sự giám sát của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan
và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 57. Áp dụng biện pháp quản lý hàng hóa nhập
khẩu đối với khu vực hải quan riêng
1. Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với
hàng hóa đưa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa như đối với hàng hóa đưa từ
nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
2. Không áp dụng biện pháp quản lý ngoại
thương, trừ biện pháp cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, biện pháp kiểm dịch đối
với hàng hóa được đưa từ nước ngoài vào khu vực hải quan riêng.
3. Chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý
hàng hóa nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng.
4. Hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều này phải
chịu sự giám sát của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan
và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Về các trường hợp cụ thể, căn cứ quy định nói trên
của Luật Quản lý ngoại thương, pháp luật hải quan và pháp luật có liên quan, đề
nghị cơ quan hải quan thực hiện theo đúng quy định.
Bộ Công Thương đã và đang xây dựng Thông tư để bãi
bỏ Thông tư số 42/2013/TT-BCT, Thông tư dự kiên ký ban hành trong tháng
11/2018.
3. Thực hiện quyền xuất khẩu của
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
3.1 Quyền xuất khẩu
Khoản 1 Điều 7 Nghị định
09/2018/NĐ-CP đã quy định như sau:
“1. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã
có quyền xuất khẩu, được xuất khẩu: Hàng hóa mua tại Việt Nam; hàng hóa do tổ
chức kinh tế đó đặt gia công tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu hợp pháp vào
Việt Nam ra nước ngoài và khu vực hải quan riêng, theo các điều kiện sau:
a) Hàng hóa xuất khẩu không thuộc danh mục hàng
hóa cấm xuất khẩu; danh mục hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu; danh mục hàng hóa
không được quyền xuất khẩu trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành
viên;
b) Đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc danh mục
hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép, theo điều kiện, tổ chức kinh tế có vốn đầu
tư nước ngoài phải có giấy phép hoặc đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của
pháp luật”
Điểm b khoản 2 Điều 5 và Khoản 1 Điều
39 Luật Quản lý ngoại thương quy định:
“b) Thực hiện quyền xuất khẩu thông qua mua hàng
hóa tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài dưới hình thức đứng tên trên tờ
khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên
quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua
gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu; ”
“Điều 39. Kinh doanh tạm nhập, tái xuất
1. Việc thương nhân mua hàng hóa từ một nước đưa
vào lãnh thổ Việt Nam hoặc từ khu vực hải quan riêng đưa vào nội địa và bản
chính hàng hóa đó sang nước, khu vực hải quan riêng khác được thực hiện như
sau:
a) Thương nhân phải có giấy phép kinh doanh tạm
nhập, tái xuất đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập
khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được
phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp
hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất
khẩu, nhập khẩu;
b) Thương nhân kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải
đáp ứng các điều kiện đã được quy định đối với hàng hóa thuộc ngành, nghề kinh
doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện;
c) Thương nhân kinh doanh tạm nhập, tái xuất chỉ
phải làm thủ tục tại cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa không thuộc quy
định tại điểm a, điểm b khoản này và Điều 40 của Luật này.”
Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP
quy định:
“1. Thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh tạm
nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh theo
các quy định sau:
a) Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều
kiện, thương nhân phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Mục 2 Chương này.
b) Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng
hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành,
sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất
khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu,
trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ
Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy
phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.
c) Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại
Điểm a, Điểm b Khoản này, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại
cơ quan hải quan.
2. Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước
ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15
Nghị định này, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất
hàng hóa.
3. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chịu sự
kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực
tái xuất ra khỏi Việt Nam. Không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ
trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu
sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên
giới theo quy định.
Trường hợp do yêu cầu vận chuyển cần phải thay đổi
hoặc chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ để tái xuất thì thực hiện
theo quy định của cơ quan hải quan.
4. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được
lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan
tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn
gửi Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần
không quá 30 ngày và không quả hai 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái
xuất.
Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất
hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì
thương nhân phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa và thuế.
5. Kinh doanh tạm nhập, tái xuất được thực hiện
trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu ký
với thương nhân nước xuất khẩu và nước nhập khẩu. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký
trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.
6. Việc thanh toán tiền hàng theo phương thức tạm
nhập, tái xuất phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. ”
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 3 Luật thuế
xuất khẩu, nhập khẩu quy định:
“Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng
hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập
khẩu, quyền phân phối” thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu.
Điểm d khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất
khẩu, thuế nhập khẩu quy định:
Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời
hạn tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn) được tổ chức tín dụng bảo
lãnh hoặc đã đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng
hóa tạm nhập, tái xuất” được miễn thuế và khoản 3 Điều 4
Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định:
“Trường hợp sử dụng hình thức đặt cọc tiền thuế
nhập khẩu đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập,
tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn), người nộp thuế phải nộp một khoản tiền
tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng hóa tạm nhập vào tài khoản tiền gửi
của cơ quan hải quan tại Kho bạc nhà nước.
Việc hoàn trả tiền đặt cọc thực hiện như quy định
về hoàn trả tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo quy định của pháp
luật về quản lý thuế.”
Như vậy, phạm vi, chính sách quản lý có liên quan của
hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất và thực hiện quyền xuất khẩu của doanh
nghiệp là độc lập theo quy định của pháp luật.
3,2 Về Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép kinh
doanh và công bố Danh mục hàng hóa, lộ trình thực hiện quyền xuất khẩu, quyền
nhập khẩu
a) Về Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép kinh doanh
Nghị định số 09/2018/NĐ-CP không có quy định tổ chức
kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài kê khai danh mục hàng hóa khi thực hiện quyền
xuất khẩu, quyền nhập khẩu.
Nghị định số 09/2018/NĐ-CP, không có quy định về hồ
sơ, thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước
ngoài.
Do đó, đề nghị Cơ quan hải quan căn cứ vào theo quy
định của pháp luật về hải quan để giải quyết thủ tục thống nhất cho nhà đầu tư,
tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập
khẩu theo quy định.
b) Về công bố danh mục hàng hóa và lộ trình thực hiện
quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu
Điểm a khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý
ngoại thương quy định:
“Bộ Công Thương công bố Danh mục hàng hóa, lộ
trình thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của điều ước quốc
tế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.”
Danh mục nói trên đã được ban hành tại Thông tư
34/2013/TT-BCT ngày 24 tháng 12 năm 2013 và đang có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình
ký kết, phê chuẩn một số điều ước quốc tế như CPTPP, EVFTA... việc ban hành văn
bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc văn bản quy phạm pháp luật mới sẽ
căn cứ vào tiến độ phê chuẩn của các điều ước quốc tế này.
4. Tiêu hủy phế liệu, phế phẩm
của hợp đồng gia công
Quy định tại khoản 4 Điều 44 Nghị định
số 69/2018/NĐ-CP quy định về việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải khi
kết thúc hợp đồng gia công được kế thừa hoàn toàn từ quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP. Quy định như trên
là nhằm mục tiêu bảo đảm quản lý nhà nước về hải quan, môi trường, hạn chế khả
năng lợi dụng để gian lận thương mại hoặc gây ô nhiễm môi trường trong quá
trình tiêu hủy phế liệu, phế phẩm sau khi kết thúc hợp đồng gia công của doanh
nghiệp. Do đó, việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải của hợp đồng gia công
đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.
Bộ Công Thương cung cấp một số quy định pháp luật
hiện hành có liên quan để Tổng cục Hải quan tham khảo, đề nghị Tổng cục Hải
quan căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành để thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ KH;
- Các Cục: XNK;HC.
- Lưu: VT,PC (2).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Quốc Khánh
|
PHỤ LỤC
NỘI DUNG GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT QUẢN
LÝ NGOẠI THƯƠNG VỀ KHU HẢI QUAN RIÊNG CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ CỦA
CHÍNH PHỦ
1. Báo cáo của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội
Tại Báo cáo số 133/BC-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội ngày 10 tháng 6 năm 2017 gửi Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh
lý dự án Luật Quản lý ngoại thương đã khẳng định:
“Quy định về áp dụng biện pháp quản lý hàng hóa
xuất khẩu đối với khu vực hải quan riêng đã được rà soát thống nhất với quy định
về thông quan hàng hóa theo quy định hiện hành, theo đó quy trình thực hiện làm
thủ tục hải quan không thay đổi, được thực hiện theo quy định của pháp luật về
hải quan. Dự thảo Luật không quy định các nội dung về quản lý thuế mà chỉ quy định
các nội dung liên quan đến các biện pháp quản lý ngoại thương theo quy định của
luật này.”
2. Báo cáo của Chính phủ
Tại Báo cáo 380/BC-CP ngày 7 tháng 10 năm 2016 của
Chính phủ gửi Quốc Hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đối với dự án Luật Quản lý ngoại thương, đã nêu:
“Khu hải quan riêng” đã được quy định tại Điều 28 Luật Thương mại 2005. Theo đó, “khu hải quan riêng” là
khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của
pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành
viên, có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại là quan hệ
xuất khẩu, nhập khẩu. Do các khu này có tính chất là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu
với lãnh thổ còn lại nên các biện pháp quản lý ngoại thương giữa các khu này và
nội địa được áp dụng không có gì khác biệt như giữa nước ngoài và nội địa.
Về thẩm quyền thành lập, chức năng, tên gọi,
chính sách đối với từng khu rất đa dạng, cụ thể như các Đặc khu kinh tế phải được
thành lập theo quyết định của Bộ Chính trị, Quốc hội, các khu khác (như khu chế
xuất, khu phi thuế quan, khu công nghệ cao,...) được thành lập theo Quyết định
của Thủ tướng Chính phủ hoặc các khu vực (như kho ngoại quan) được thành lập
theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan theo quy định của pháp luật
hải quan.
Như vậy, Dự án Luật không quy định thẩm quyền,
chức năng của các khu vực này do nội dung này đã có quy định của Đảng về quyết
định chủ trương, pháp luật của Nhà nước quy định về thẩm quyền thành lập. Dự án
Luật cũng tiếp cận hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa với khu vực này theo
khía cạnh quản lý hải quan đối với luồng hàng hóa vào, ra mà không liên quan đến
việc được hưởng ưu đãi thuế, miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Dự án Luật có quy định nội dung này nhằm mục
tiêu cơ chế quản lý hàng hóa thông thoáng, cải cách căn bản thủ tục hành chính,
chỉ áp dụng một lần đối với một biện pháp quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu,
nhập khẩu vào, ra các khu vực này. Tất cả các khu vực đáp ứng được tiêu chí về
quan hệ với nội địa là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu thì đều được hưởng chế độ
chính sách quản lý hàng hóa khác biệt tại Luật này. Đối với các khu vực đáp ứng
được các tiêu chí của khu phi thuế quan theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu thì được hưởng các ưu đãi về thuế.”