Công văn 5452/TCHQ-GSQL năm 2018 vướng mắc Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 69/2018/NĐ-CP do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 5452/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 19/09/2018
Ngày có hiệu lực 19/09/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Mai Xuân Thành
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5452/TCHQ-GSQL
V/v vướng mắc Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2018

 

Kính gửi: Bộ Công Thương.

Trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Tổng cục Hải quan có nhận được các vướng mắc của Cục Hải quan tỉnh, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến quy định tại Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 và các văn bản hướng dẫn, cụ thể như sau:

1. Vướng mắc về khái niệm khu vực hải quan riêng:

a. Nội dung vướng mắc

Qua rà soát văn bản quy phạm pháp luật: Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016 quy định khái niệm về khu phi thuế quan, Luật Quản lý ngoại thương số 05/2018/QH14 quy định khái niệm về khu vực hải quan riêng. Theo giải thích tại 02 văn bản quy phạm pháp luật này thì quan hệ trao đổi, mua bán hàng hóa giữa khu phi thuế quan/khu vực hải quan riêng với nội địa/phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất nhập khẩu.

Tại khoản 1 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu.

Theo quy định tại Luật Hải quan, Nghị định 82/2018/NĐ-CP còn có quy định về kho ngoại quan, các loại khu kinh tế, kho bảo thuế... các khu, kho này đều được thành lập theo quy định của pháp luật có liên quan, đáp ứng quy định về khu phi thuế quan. Như vậy, quy định về khu vực hải quan riêng có áp dụng với các loại kho, khu đáp ứng quy định về khu phi thuế quan không thì hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể.

b. Kiến nghị

Để thống nhất cách hiểu, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Hải quan đề nghị Quý cơ quan là đơn vị chủ trì được giao xây dựng Luật Quản lý ngoại thương có hướng dẫn thống nhất rõ: khu phi thuế quan theo quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 có được áp dụng quy định về khu vực hải quan riêng theo Luật Quản lý ngoại thương số 05/2018/QH14 không?

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 có được áp dụng quy định về khu vực hải quan riêng theo Luật Quản lý ngoại thương số 05/2018/QH14 không?

2. Vướng mắc về việc áp dụng chính sách đối với khu vực hải quan riêng

a. Nội dung vướng mắc:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 thì chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý hàng hóa xuất khẩu đối với khu vực hải quan riêng và khoản 3 Điều 57 Luật này quy định chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý hàng hóa nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng.

Trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ nội địa vào khu vực ngoại quan riêng, từ khu vực ngoại quan riêng vào nội địa có phát sinh vướng mắc như sau:

Trường hợp 1: Doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu máy vi tính từ nước ngoài để phục vụ hoạt động của DNCX, tại thời điểm nhập khẩu máy vi tính là hàng mới 100%. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng DNCX có nhu cầu thanh lý máy vi tính vào nội địa (bán, biếu, tặng), tại thời điểm làm thủ tục hải quan thanh lý máy vi tính là hàng đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu theo Thông tư số 31/2015/TT-BTTTT ngày 29/10/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Khi thực hiện thủ tục hải quan cơ quan hải quan căn cứ quy định tại quy định nêu trên của Luật Quản lý ngoại thương, khoản 5 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định “Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản; khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định “...thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.”.

Như vậy, khi áp dụng các quy định này cơ quan hải quan có vướng mắc như sau:

+ Quan điểm 1: Tại thời điểm nhập khẩu máy vi tính là hàng mới đã đáp ứng quy định được phép nhập khẩu, nên khi thực hiện thủ tục thay đổi mục đích sử dụng áp dụng quy định tại Điều 56 Luật Quản lý ngoại thương thì máy vi tính đã qua sử dụng không thuộc danh mục hàng hóa cấm. Do đó, DNCX được thực hiện thủ tục xuất khẩu máy vi tính vào nội địa và doanh nghiệp nội địa được nhập khẩu máy vi tính không bị điều chỉnh bởi danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

+ Quan điểm 2: Căn cứ quy định Điều 56, Điều 57 Luật Quản lý ngoại thương biện pháp quản lý ngoại thương chỉ áp dụng một lần đối với khu vực hải quan riêng, do đó trường hợp này khi doanh nghiệp nội địa nhập khẩu máy vi tính đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu nên không được phép nhập khẩu.

+ Quan điểm 3: Tại thời điểm nhập khẩu máy vi tính từ nước ngoài vào DNCX không phát sinh chính sách quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu. Khi thanh lý vào nội địa phát sinh chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, do đó khi thanh lý phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền.

Trường hợp 2: Doanh nghiệp nội địa nhập khẩu hóa chất là tiền chất từ nước ngoài, tại thời điểm nhập khẩu đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất. Sau đó, doanh nghiệp này bán hóa chất là tiền chất đã nhập khẩu nêu trên cho doanh nghiệp chế xuất. Theo quy định khoản 3 Điều 9 Thông tư số 42/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 thì “Tổ chức, cá nhân trong khu chế xuất khi nhập khẩu tiền chất từ các doanh nghiệp nội địa phải có giấy phép của Bộ Công Thương. Tổ chức, cá nhân khi xuất khẩu tiền chất từ nội địa vào khu chế xuất không phải xin giấy phép của Bộ Công Thương”. Như vậy, DNCX (trong khu chế xuất hoặc ngoài khu chế xuất) khi nhập khẩu tiền chất có nguồn gốc nhập khẩu từ doanh nghiệp nội địa có phải xin Giấy phép nhập khẩu tiền chất của Bộ Công Thương theo quy định nêu trên không hay áp dụng khoản 3 Điều 57 Luật Quản lý ngoại thương thì không phải xin giấy phép trong trường hợp này.

b. Kiến nghị: Qua rà soát các văn bản hướng dẫn Luật quản lý ngoại thương như Nghị định số 69/2018/NĐ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất cách hiểu, áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 56 và khoản 3 Điều 57 về việc chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý ngoại thương đối với khu vực hải quan riêng. Do đó, để có cơ sở thống nhất áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện, Tổng cục Hải quan đề nghị Quý cơ quan có ý kiến đối với các vướng mắc nêu trên và hướng dẫn cách hiểu, áp dụng quy định tại Điều 56, Điều 57 Luật quản lý ngoại thương.

3. Vướng mắc về việc thực hiện quyền xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

3.1. Vướng mắc 1

a. Nội dung vướng mắc

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ thì:

“...2. Quyền xuất khẩu là quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu...

3. Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu... ”

[...]