Công văn 8991/BYT-KHTC năm 2016 thống nhất cách ghi tên hoạt chất, dạng bào chết, quy cách đóng gói thuốc trong kế họach lựa chọn nhà thầu do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 8991/BYT-KHTC |
Ngày ban hành | 20/12/2016 |
Ngày có hiệu lực | 20/12/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Phạm Lê Tuấn |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
BỘ
Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8991/BYT-KHTC |
Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2016 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Bộ Y tế nhận được Công văn số 2891/BHXH-DVT ngày 02/8/2016 về việc thống nhất các ghi tên hoạt chất, dạng bào chế, quy cách đóng gói của thuốc trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Công văn số 3101/BHXH-DVT ngày 17/8/2016 về việc xây dựng phương pháp tính giá thuốc trúng thầu trung bình của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.
Căn cứ kết quả cuộc họp ngày 21/11/2016 giữa Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, một số Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) và chuyên gia bào chế, Bộ Y tế có ý kiến như sau:
1. Về cách ghi tên hoạt chất, dạng bào chế, quy cách đóng gói của thuốc trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu
- Đối với một số thuốc kháng sinh: ngày 18/8/2015, Cục Quản lý Dược có Công văn số 15339/QLD-GT chỉ đạo các Sở Y tế, các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là đơn vị) về vấn đề này, trong đó thống nhất thực hiện như sau:
“Để đảm bảo thống nhất trong quá trình triển khai và thực hiện về đấu thầu thuốc, đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, đề nghị các đơn vị khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với nội dung tên hoạt chất chỉ ghi tên thành phần hoạt chất chính của thuốc, không ghi thêm bất cứ thành phần tá dược nào”.
- Đối với dạng bút tiêm Insulin: các đơn vị được phép ghi tách riêng dạng “bút tiêm”.
- Đối với dạng bột đông khô để pha tiêm: đề nghị các đơn vị không ghi đích danh dạng bào chế này. Trường hợp cần thiết, đề nghị các đơn vị có văn bản giải trình cụ thể về những ưu điểm, lợi ích và tính cần thiết trong điều trị của dạng bào chế đó để Hội đồng thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
- Đối với các trường hợp khác, đề nghị BHXH Việt Nam tổng hợp chi tiết để Bộ Y tế phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, lưu ý cần ưu tiên các thuốc sử dụng trong khoa hô hấp, hồi sức, cấp cứu tại các cơ sở KCB.
2. Về việc công khai giá thuốc trúng thầu trung bình theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 77 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ
a) Về nguyên tắc xác định, phương pháp xử lý dữ liệu và giá thuốc trúng thầu trung bình:
- Bộ Y tế tạm thời thống nhất với nguyên tắc xác định, phương pháp xử lý dữ liệu và giá trúng thầu trung bình năm 2016 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Bộ Y tế sẽ phối hợp BHXH Việt Nam để xem xét điều chỉnh.
- Để bảo đảm tính chặt chẽ, khách quan, minh bạch và thống nhất trong thực hiện, từ năm 2017, Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, thành lập Hội đồng tư vấn giá thuốc trúng thầu trung bình. Trong đó:
+ Thành phần của Hội đồng: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, một số Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh.
+ Nhiệm vụ của Hội đồng: Tư vấn, thống nhất nguyên tắc tính giá thuốc trúng thầu trung bình. Xem xét tính hợp lý của giá thuốc trúng thầu trung bình do BHXH Việt Nam tạm thời xác định.
b) Về việc sử dụng giá trúng thầu trung bình do BHXH Việt Nam công khai:
- Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập đã quy định rõ căn cứ để xây dựng giá gói thầu trong kế hoạch lựa trọn nhà thầu. Nội dung hướng dẫn tại Thông tư 11/2016/TT-BYT hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và được các bên tham gia xây dựng Thông tư trong đó có Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, BHXH Việt Nam thống nhất trước khi ban hành. Vì vậy, đề nghị BHXH Việt Nam không hướng dẫn ngoài nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật.
- Đối với các thuốc có giá trúng thầu cao bất hợp lý: đề nghị BHXH Việt Nam tổng hợp, cung cấp cho Bộ Y tế các thông tin liên quan đến các thuốc này. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ phối hợp BHXH Việt Nam, Sở Y tế, cơ sở KCB rà soát lại toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu để xác định nguyên nhân của việc giá thuốc trúng thầu cao bất hợp lý. Trường hợp phát hiện quá trình đấu thầu không thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành dẫn đến giá trúng thầu cao bất hợp lý thì chủ đầu tư có trách nhiệm làm việc với nhà thầu để điều chỉnh giá thuốc cho phù hợp với mặt bằng chung./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |