Công văn 8256/BTC-CST năm 2016 điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng máy móc cơ khí do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 8256/BTC-CST |
Ngày ban hành | 17/06/2016 |
Ngày có hiệu lực | 17/06/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Vũ Thị Mai |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8256/BTC-CST |
Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2016 |
Kính gửi: |
- Bộ Công Thương; |
Bộ Tài chính nhận được công văn số 228/TTg-KTN ngày 04/02/2016 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Khoản 3 công văn số 228/TTg-KTN giao Bộ Tài chính: Nghiên cứu chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được, đặc biệt là các chính sách về thuế, phí nhằm thúc đẩy ngành cơ khí phát triển để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án đầu tư. Về vấn đề này, Bộ Tài chính xin trao đổi ý kiến với Quý đơn vị như sau:
Theo danh Mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam ban hành theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015 thì các mặt hàng cơ khí chủ yếu thuộc Chương 84. Nhằm triển khai yêu cầu tại Thông báo số 228/TTg-KTN hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị cơ khí trong nước đã sản xuất được nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, Bộ Tài chính đề xuất nguyên tắc rà soát, Điều chỉnh thuế suất (nếu có) như sau:
1. Nguyên tắc rà soát:
- Nếu mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) hiện hành đã được quy định bằng mức trần cam kết WTO thì giữ nguyên như mức thuế hiện hành.
- Nếu mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) hiện hành thấp hơn mức cam kết WTO thì thực hiện Điều chỉnh tăng bằng mức trần cam kết WTO.
- Mức thuế suất Điều chỉnh đảm bảo phù hợp khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, phù hợp nguyên tắc mức thuế suất linh kiện thấp hơn mức thuế suất của thành phẩm.
- Các mặt hàng máy móc, thiết bị cơ khí trong nước đã sản xuất được căn cứ theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Danh Mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được và các Quyết định của Bộ Công Thương về việc ban hành danh Mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.
2. Kết quả rà soát:
Qua rà soát tổng số có 1269 dòng thuế là các mặt hàng mặt hàng máy móc, thiết bị cơ khí thuộc các Chương 84. Căn cứ nguyên tắc rà soát nêu trên kết quả rà soát như sau:
Có 158 dòng hàng là linh kiện, phụ tùng thuộc danh Mục các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, trong đó: 104 dòng hàng đã có mức thuế suất MFN bằng mức cam kết WTO; 54 dòng hàng có mức thuế suất thấp hơn mức cam kết WTO thuộc đối tượng xem xét Điều chỉnh tăng thuế suất lên bằng WTO. Sau khi rà soát các mặt hàng này theo nguyên tắc nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến Điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu của 4 mặt hàng sau:
- Mặt hàng Máy sản xuất bia, mã hàng 8438.40.00: Khung thuế suất thuế nhập khẩu do UBTVQH quy định 0%-5%, cam kết WTO năm 2016 là 5%, thuế suất MFN hiện hành 3%; thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt các FTA năm 2016 hầu hết là 0% (trừ FTA Asean - Ấn Độ năm 2016 là 2%).
Theo số liệu của TCHQ thì KNNK năm 2015 của mã hàng 8438.40.00 là 14,3 triệu USD, nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm 36%) và châu Âu (chiếm 64%) và đều áp dụng thuế suất MFN (3%).
Theo Mục 134 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong nước đã sản xuất được “Dây chuyền sản xuất bia công suất 90 triệu lít/năm”. Mặt khác, mặt hàng bia hiện là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không khuyến khích tiêu dùng. Do đó, Bộ Tài chính dự kiến Điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu mặt hàng máy sản xuất bia mã hàng 8438.40.00 từ 3% lên 5%.
Về tác động thu NSNN: Theo KNNK năm 2015 là 14,3 triệu USD, trường hợp tăng thuế nhập khẩu từ 3% lên 5% thì số thu NS về thuế nhập khẩu tăng Khoảng 2,2 tỷ VNĐ.
- Mặt hàng Máy để sản xuất giấy hoặc bìa – mã hàng 8439.20.00: Khung thuế suất thuế nhập khẩu do UBTVQH quy định 0% - 5%, cam kết WTO 5%, thuế suất MFN hiện hành 2%; thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt các FTA năm 2016 hầu hết là 0% (trừ FTA Asean - Ấn Độ là 3%).
Theo số liệu của TCHQ thì KNNK năm 2015 của mã hàng 8439.20.00 là 68,4 triệu USD, trong đó nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu..
Theo Mục 141 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong nước đã sản xuất được Dây chuyền sản xuất giấy bao bì, vàng mã (Krap), dây chuyền sản xuất giấy vệ sinh, máy sản xuất tấm làm mát đoạn nhiệt. Do đó, để khuyến khích các doanh nghiệp cơ khí đã sản xuất được các mặt hàng này, Bộ Tài chính dự kiến Điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu Mặt hàng máy để sản xuất giấy hoặc bìa, mã hàng 8439.20.00 từ 2% lên 5%.
Về tác động thu NSNN: trường hợp tăng thuế nhập khẩu từ 2% lên 5% thì số thu NS về thuế nhập khẩu tăng Khoảng 15,8 tỷ VNĐ.
- Mặt hàng bộ phận của máy giặt – mã hàng 8450.90.10 và 8450.90.20: Khung thuế suất thuế nhập khẩu do UBTVQH quy định 0% - 36%, cam kết WTO 25%, thuế suất MFN hiện hành 3%; thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt các FTA năm 2016: ATIGA là 5%, Việt – Nhật là 1%, Asean - Ấn Độ là 5%, Asean – Hàn Quốc là 10%.
Theo số liệu của TCHQ thì KNNK năm 2015 của mã hàng 8450.90.10 và 8450.90.20 gần 13,4 triệu USD, nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean, Ấn Độ và chủ yếu áp dụng mức thuế suất MFN 3%.
Theo Mục 385 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong nước đã sản xuất được các bộ phận của máy giặt. Mặt khác, thuế suất thuế nhập khẩu của máy giặt nguyên chiếc như sau: MFN là 25%, ATIGA là 5%, ACFTA là 15%. Do đó để góp phần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất các bộ phận của máy giặt và vẫn đảm bảo nguyên tắc thuế suất bộ phận không cao hơn thuế suất của sản phẩm nguyên chiếc, Bộ Tài chính dự kiến Điều chỉnh tăng thuế suất mặt hàng này từ 3% lên 5%.
Về tác động thu NSNN: Theo KNNK năm 2015 là 13,4 triệu USD, trường hợp tăng thuế nhập khẩu từ 3% lên 5% thì số thu NS về thuế nhập khẩu tăng Khoảng 0,09 triệu USD (13,4 triệu USD x 0,35 x 0,02), tương đương 5,8 tỷ VNĐ.
- Mặt hàng Máy xát vỏ cà phê, mã hàng 8438.80.11: Khung thuế suất thuế nhập khẩu do UBTVQH quy định 0% - 5%, cam kết WTO 5%, thuế suất MFN hiện hành 2%; thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt các FTA năm 2016: ATIGA là 0%, Việt – Nhật là 0%, Asean - Ấn Độ là 2%, Asean – Hàn Quốc là 0%.
Theo số liệu của TCHQ thì KNNK năm 2015 của mã hàng 8438.80.11 là 225 ngàn USD, nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Malaixia, Tây Ban Nha, Đài Loan...
Theo Mục 135 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong nước đã sản xuất được Máy xát cà phê, quả tươi, quả khô. Do đó để góp phần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất được, Bộ Tài chính dự kiến Điều chỉnh tăng thuế suất mặt hàng này từ 3% lên 5%.
Về tác động thu NSNN: Theo KNNK năm 2015 là 225 ngàn USD, trường hợp tăng thuế nhập khẩu từ 3% lên 5% thì số thu NS về thuế nhập khẩu tăng Khoảng 35 triệu VNĐ.