Công văn 8017/BCT-CNNg quy định việc đầu tư các dự án sản xuất gang, thép do Bộ Công thương ban hành
Số hiệu | 8017/BCT-CNNg |
Ngày ban hành | 18/08/2009 |
Ngày có hiệu lực | 18/08/2009 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Công thương |
Người ký | Lê Dương Quang |
Lĩnh vực | Đầu tư |
BỘ
CÔNG THƯƠNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8017/BCT-CNNg |
Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2009 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong những năm qua, năng lượng sản xuất thép trong nước ngày càng tăng về sản lượng và chủng loại sản phẩm, huy động được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép, góp phần bình ổn thị trường và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về thép cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc quản lý và cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án sản xuất gang, thép tại một số địa phương chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết về quy mô, công nghệ sản xuất, chủng loại sản phẩm, nguồn nguyên liệu đầu vào, hạ tầng cơ sở, đánh giá tác động môi trường vv…, dẫn đến tình trạng một số dự án đầu tư thiếu tính bền vững, mất cân đối giữa sản xuất thượng nguồn với hạ nguồn, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường, có tính rủi ro lớn vv…
Để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong việc quản lý các dự án đầu tư sản xuất gang, thép tại các địa phương, phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007- 2015, có xét đến 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 145/2007QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2007 và các quy định về đầu tư và quản lý dự án về đầu tư xây dựng công trình; trong khi chờ Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật- công nghệ áp dụng cho các dự án ngành Thép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương quy định tạm thời điều kiện đầu tư các dự án sản xuất gang, thép như sau:
1. Xin phép đầu tư:
- Đối với các dự án đã có trong quy hoạch: Chủ đầu tư lập dự án đầu tư xây dựng công trình và báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan thẩm quyền xem xét, cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định;
- Đối với các dự án chưa có trong quy hoạch: Chủ đầu tư phải báo cáo với Bộ Công thương để chủ trì xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào quy hoạch trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Sau khi có ý kiến chấp thuận bổ sung quy hoạch, chủ đầu tư tiến hành lập dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình phê duyệt theo quy định.
2. Các dự án xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện sau:
2.1. Công nghệ và thiết bị sử dụng:
a) Công nghệ lò cao:
- Đối với các khu vực không có nguồn quặng sắt tâp trung: Dung tích lò cao tối thiểu là 500 m3 (Không kể các lò cao chuyên dùng sản xuất gang đúc cơ khí);
- Đối với các khu vực có nguồn quặng sắt tâp trung: Dung tích lò cao tối thiểu là 700 m3;
- Đối với các dự án sử dụng quặng sắt nhập khẩu, bố trí tại khu vực ven biển: Dung tích lò cao tối thiểu là 1000 m3.
b) Công nghệ lò điện: Lò điện công suất tối thiểu 70 tấn/mẻ.
c) Công nghệ lò thổi ô xy: Công suất tối thiểu 70 tấn/mẻ.
Tất cả các dự án sử dụng các công nghệ nêu trên đều phải đảm bảo thiết bị đồng bộ, chế tạo mới, có các chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật (Đặc biệt là suất tiêu hao năng lượng) ở mức tiên tiến so với khu vực, đảm bảo các yêu cầu về chất thải, thân thiện với môi trường.
2.2. Nguyên liệu đầu vào:
- Đối với quặng sắt: Có nguồn cung cấp quặng sắt tin cậy, ổn định đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu tối thiểu trong 15 năm;
- Đối với sắt phế liệu: Có nguồn cung cấp sắt phế liệu (Trong nước và nhập khẩu).
2.3. Năng lượng và hạ tầng cơ sở:
- Năng lượng: Đối với các dự án sản xuất thép sử dụng lò điện phải có thỏa thuận của ngành Điện nơi đặt nhà máy luyện thép, đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho dự án;
- Hạ tầng cơ sở: Có thỏa thuận của cơ quan chức năng về địa điểm xây dựng dự án, khả năng đáp ứng về giao thông, cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, vị trí đặt bãi thải v..v…
2.4. Tài chính: Đảm bảo nguồn tài chính để đầu tư xây dựng theo tiến độ của dự án.
3. Thời gian áp dụng: Từ quý IV năm 2009.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế và các đơn vị liên quan thực hiện tốt các nội dung nêu trên. Trong quá trình thực hiện, nếu vướng mắc đề nghị phản ảnh về Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương (Điện thoại: 04.22202432) để giải quyết kịp thời./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |