Kính gửi: Cục
Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tổng cục Thuế nhận được công số công văn số
99/CTTTH-TTHT ngày 25/01/2022 của Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế về chính sách
thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với khoản chi trả của doanh nghiệp Việt Nam
cho cá nhân nước ngoài thực hiện dịch vụ tại nước ngoài. Về vấn đề này, Tổng cục
Thuế có ý kiến như sau:
1. Về xác định NNT theo quy định
pháp luật thuế TNCN (nội luật)
- Khoản 1, Điều 2 Luật thuế thu nhập
cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội quy định:
“Điều 2. Đối tượng nộp thuế
1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá
nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật
này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu
nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh
trong lãnh thổ Việt Nam.”
- Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC
ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi bởi Điều 2
Thông tư 119/2014/TT-BTC) hướng dẫn:
“Điều 1. Người nộp thuế
Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân
không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân,
Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị định
số 65/2013/NĐ-CP), có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều
3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số
65/2013/NĐ-CP.
Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp
thuế như sau:
Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là
thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và
nhận thu nhập.”
- Khoản 2, Điều 2 Thông tư số
111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật
Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP,
các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
…
2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập
người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất
tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
...c) Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức
như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia
các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền
nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt
động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao;
tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.”
2. Về xác định NNT theo quy định
pháp luật thuế nhà thầu
- Khoản 2, Điều 5 Thông tư số
103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“Điều 5. Các loại thuế áp dụng
...2. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước
ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo hướng
dẫn tại Thông tư này, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo pháp luật về thuế
TNCN.”
- Khoản 2, Điều 2, Thông tư số
103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“Điều 2. Đối tượng không áp dụng
Hướng dẫn tại Thông tư này không áp dụng đối với:
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch
vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.
4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp
dịch vụ dưới đây cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở
nước ngoài:
- Sửa chữa phương tiện vận tải (tàu bay, động cơ
tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển), máy móc, thiết bị (kể cả đường cáp biển,
thiết bị truyền dẫn), có bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế
kèm theo;
- Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị
trên internet);
- Môi giới: bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước
ngoài;...”
- Khoản 1, Điều 6, Luật thương mại
số 36/2005/QH11 ngày 14/06/2005 quy định:
“Điều 6. Thương nhân
1. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được
thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên
và có đăng ký kinh doanh...”
- Căn cứ Khoản 1 Điều 3, Nghị định
90/2007/NĐ-CP ngày 31/5/2007 của Chính phủ quy định:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Thương nhân nước ngoài là thương nhân được
thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được
pháp luật nước ngoài công nhận”
- Khoản 1, Điều 2, Thông tư số
111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật
Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP,
các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
1. Thu nhập từ kinh doanh
Thu nhập từ kinh doanh là thu nhập có được từ hoạt
động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực sau:
a) Thu nhập từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch
vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật
như: sản xuất, kinh doanh hàng hóa; xây dựng; vận tải; kinh doanh ăn uống; kinh
doanh dịch vụ, kể cả dịch vụ cho thuê nhà, quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản
khác...”
3. Về xác định quyền đánh thuế
theo quy định của Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần
- Điều 30, Mục 10, Thông tư số
205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“Mục 10. THU NHẬP TỪ HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ CÁ NHÂN
PHỤ THUỘC
Điều 30. Định nghĩa thu nhập từ dịch vụ cá nhân
phụ thuộc
Theo quy định tại Hiệp định, thu nhập từ hoạt động
dịch vụ cá nhân phụ thuộc là thu nhập dưới hình thức tiền công do một cá nhân
là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam thu được từ hoạt động
làm công tại Việt Nam và ngược lại. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cá nhân phụ
thuộc không bao gồm thu nhập của các cá nhân với tư cách cá nhân hành nghề độc
lập (được quy định tại Điều khoản Dịch vụ ngành nghề độc lập), thành viên ban
giám đốc doanh nghiệp (được quy định tại Điều khoản Thù lao giám đốc), nghệ sĩ,
vận động viên (được quy định tại Điều khoản thu nhập của Nghệ sĩ và vận động
viên), nhân viên phục vụ cho Chính phủ nước ngoài (được quy định tại Điều khoản
thu nhập từ Phục vụ Chính phủ), và tiền công dưới hình thức tiền lương hưu (được
quy định tại Điều khoản Tiền lương hưu).”
- Điều 15, Hiệp định giữa Chính phủ
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Các Tiểu vương quốc A-rập
Thống nhất ngày 14/05/2010 về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn
lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập, cụ thể:
“ĐIỀU 15. DỊCH VỤ CÁ NHÂN PHỤ THUỘC
1. Thể theo quy định tại các Điều
16, 18 và 19, các khoản tiền lương, tiền công, và các khoản tiền thù lao
tương tự khác do một đối tượng cư trú của Nước ký kết thu được từ lao động làm
công sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước đó, trừ khi lao động làm công của đối
tượng đó được thực hiện tại Nước ký kết kia. Nếu lao động làm công được
thực hiện như vậy, số tiền công trả cho lao động làm công đó có thể bị đánh thuế
tại Nước ký kết kia.
2. Mặc dù có các quy định tại khoản 1, tiền công
do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công tại
Nước ký kết kia sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước thứ nhất nếu:
(a) người nhận tiền công hiện có mặt nước tại Nước
ký kết kia trong một khoảng thời gian hoặc nhiều thời gian gộp lại không quá
183 ngày trong bất cứ giai đoạn 12 tháng liên tục bắt đầu hoặc kết thúc trong
năm tài chính có liên quan, và
(b) chủ lao động hoặc đối tượng đại diện chủ lao
động trả tiền công lao động không phải là đối tượng cư trú tại Nước kia, và
(c) tiền thù lao không phải phát sinh từ một cơ
sở thường trú hoặc cơ sở cố định mà chủ lao động có tại Nước kia.”
- Điều 5, Hiệp định giữa Chính phủ
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Các Tiểu vương quốc A-rập
Thống nhất ngày 14/05/2010 về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn
lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập, cụ thể:
“ĐIỀU 5. CƠ SỞ THƯỜNG TRÚ
1. Theo nội dung của Hiệp định này, thuật ngữ “cơ
sở thường trú” có nghĩa là một địa điểm kinh doanh cố định mà qua đó doanh
nghiệp thực hiện toàn bộ hoặc một phần hoạt động kinh doanh của mình.”
- Điều 31, Mục 10, Thông tư số
205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“Điều 31. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập
từ dịch vụ cá nhân phụ thuộc
1. Theo quy định tại Hiệp định, một cá nhân là đối
tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có thu nhập từ hoạt động
làm công tại Việt Nam sẽ phải nộp thuế thu nhập đối với khoản thu nhập làm công
đó tại Việt Nam theo các quy định hiện hành về thuế thu nhập cá nhân của Việt
Nam.
2. Nếu cá nhân nêu tại Khoản 1 đồng thời thỏa
mãn cả 3 điều kiện sau đây, tiền công thu được từ công việc thực hiện tại Việt
Nam sẽ được miễn thuế thu nhập tại Việt Nam:
a) Cá nhân đó có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày
trong giai đoạn 12 tháng bắt đầu hoặc kết thúc trong năm tính thuế; và
b) Chủ lao động không phải là đối tượng cư trú của
Việt Nam bất kể tiền công đó được trả trực tiếp bởi chủ lao động hoặc thông qua
một đối tượng đại diện cho chủ lao động; và
c) Tiền công đó không do một cơ sở thường trú mà
chủ lao động có tại Việt Nam chịu và phải trả.
3. Khái niệm “chủ lao động” nêu tại Điểm 2.b)
dùng để chỉ đối tượng sử dụng lao động thực sự. Thông thường, một đối tượng được
coi là chủ lao động thực sự nếu có các quyền và nghĩa vụ sau:
a) Đối tượng đó có quyền đối với sản phẩm và dịch
vụ do người lao động tạo ra và chịu trách nhiệm cũng như rủi ro đối với lao động
đó;
b) Đối tượng đó đưa ra hướng dẫn và cung cấp
phương tiện lao động cho người lao động;
c) Đối tượng đó có quyền kiểm soát và chịu trách
nhiệm về địa điểm lao động.”
- Điều 62, Thông tư số
80/2020/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài Chính hướng dẫn:
“Điều 62. Thủ tục hồ sơ miễn thuế, giảm thuế
theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (Hiệp định thuế)
…
2. Đối với cá nhân nước ngoài:
a) Đối với cá nhân là đối tượng cư trú của nước
ngoài có thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ
đầu tư vốn, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu
nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập từ hoạt động
hành nghề độc lập và thu nhập khác thuộc đối tượng nộp thuế thông qua bên Việt
Nam ký hợp đồng hoặc chi trả thu nhập
a.1) Trong thời hạn 15 ngày trước khi thực hiện
hợp đồng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam: Cá nhân nước ngoài gửi cho bên Việt
Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập Hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế theo Hiệp
định thuế để nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của bên Việt Nam cùng với hồ
sơ khai thuế của lần khai thuế đầu tiên. Hồ sơ gồm:
a.1.1) Văn bản đề nghị theo mẫu số 01/HTQT ban
hành kèm theo phụ lục I Thông tư này;
a.1.2) Bản gốc (hoặc bản sao đã được chứng thực)
Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp ngay trước năm đề
nghị miễn, giảm thuế theo Hiệp định thuế đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
a.1.3) Bản sao Hợp đồng lao động với người sử dụng
lao động ở nước ngoài và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản sao đó (nếu
có);
a.1.4) Bản sao Hợp đồng lao động với người sử dụng
lao động tại Việt Nam (đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ
kinh doanh) hoặc bản sao giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc của khoản thu nhập
(đối với các loại thu nhập khác) và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản
sao đó;
a.1.5) Bản sao hộ chiếu sử dụng cho việc xuất nhập
cảnh tại Việt Nam và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản sao đó;
…
a.1.8) Bản sao hợp đồng ký kết với các tổ chức,
cá nhân tại Việt Nam có xác nhận của người nộp thuế. Cụ thể:
…
a.2) Trường hợp năm trước đó đã có hồ sơ đề nghị
miễn, giảm thuế theo Hiệp định thuế thì các năm tiếp theo chỉ cần gửi các bản
sao Hợp đồng lao động ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và nước
ngoài mới (nếu có)...”
Căn cứ các quy định của pháp luật thuế TNCN, pháp
luật thuế nhà thầu và Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn
lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất nêu trên, trường
hợp ông Rajashekar Patil là cá nhân không cư trú, phát sinh thu nhập cung cấp dịch
vụ kỹ thuật, chăm sóc khách hàng tại nước ngoài theo hợp đồng số
01/2021/HDTVKT/FPX ngày 02/01/2021 với Công ty cổ phần Frit Phú Xuân, Công ty tại
nước ngoài trong trường hợp này được xác định là chủ lao động thực sự của ông
Rajashekar Patil thì thu nhập của ông Rajashekar Patil sẽ chỉ bị đánh thuế tại Ả
Rập nên không chịu thuế tại Việt Nam.
Đối với các trường hợp doanh nghiệp chi trả cho cá
nhân được áp dụng miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Cục Thuế cần
quản lý theo rủi ro, thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định để đảm bảo người
nộp thuế tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế.
Tổng cục thuế thông báo để Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên
Huế được biết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCTr Đặng Ngọc Minh (để b/c);
- Vụ PC, CS, HTQT (TCT);
- Lưu: VT, DNNCN.
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ QLT DNNVV VÀ HKD, CN
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Tạ Thị Phương Lan
|