Công văn 7023/BTC-ĐT năm 2014 sử dụng vốn dư của dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để bố trí vốn cho các dự án khác của đường Hồ Chí Minh do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 7023/BTC-ĐT
Ngày ban hành 28/05/2014
Ngày có hiệu lực 28/05/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Sỹ Danh
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7023/BTC-ĐT
V/v sử dụng vốn dư của các dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để bố trí vốn cho các dự án khác của đường Hồ Chí Minh

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2014

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Trả lời các công văn số 3104/VPCP-KTN ngày 5/3/2014 và số 3271/VPCP-KTTH ngày 9/5/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng vốn dư của các dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để bố trí vốn cho các dự án khác của đường Hồ Chí Minh (theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại công văn số 4934/BGTVT-KHĐT ngày 29/4/2014 và của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn tại công văn số 1078/UBND-XDCB ngày 21/4/2014), Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về việc dư vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 của các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên:

Tại Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội về phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016, giai đoạn 2014-2016 tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên được đầu tư 7 dự án với tổng mức vốn TPCP bố trí là 10.980 tỷ đồng.

Đến nay, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, với số vốn được giao nêu trên dự kiến sẽ dư là 2.891 tỷ đồng/10.980 tỷ đồng, tương đương 26,3% kế hoạch giao. Đây là số dư lớn, do vậy đề nghị Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm rà soát và báo cáo cụ thể, trong đó báo cáo rõ về lý do dư vốn nêu trên. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị việc tính toán giảm tổng mức đầu tư các dự án cần được cân nhắc và nghiên cứu kỹ trên cơ sở phải đảm bảo không sai lệch với mục tiêu đầu tư ban đầu của các dự án như đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và đảm bảo tính ổn định và khai thác bền vững tuyến đường Hồ Chí Minh sau khi các dự án hoàn thành. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về hiệu quả đầu tư các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

2. Về việc sử dụng số vốn dư của các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên:

Tại Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội về phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016, Quốc hội đã chấp thuận bố trí 61.680 tỷ đồng để đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Hiện nay, cùng với các dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A cũng đang được triển khai tích cực, trong khi đó việc thừa thiếu vốn của các dự án này hiện còn chưa được Bộ Giao thông vận tải báo cáo cụ thể, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ có công văn số 523/TTg-KTTH ngày 21/4/2014 chấp thuận chủ trương tạm ứng và hỗ trợ kinh phí từ dự án để các địa phương khó khăn xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng của các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Căn cứ tình hình trên, để đảm bảo đủ vốn hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo chỉ đạo của Quốc hội, trường hợp số trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 bố trí cho các dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên còn dư vốn, Bộ Tài chính đề nghị ưu tiên trước hết để bù đắp cho phần thiếu của các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A (nếu có).

Hiện nay, trong các dự án Bộ Giao thông vận tải đề nghị sử dụng vốn dư, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa là dự án phải giãn tiến độ trong danh mục trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, các dự án còn lại có tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2016-2018 theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11.

Để đảm bảo mục tiêu nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh đến năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc Hội, Bộ Tài chính thống nhất tính cần thiết phải triển khai sớm các dự án trên do đây là các dự án cấp bách nhằm đảm bảo nhu cầu lưu thông ngày càng tăng cao và đảm bảo an toàn giao thông. Trường hợp số trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 bố trí cho các dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên còn dư vốn sau khi đã cân đối với tổng thể nhu cầu vốn của các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A như đã nêu ở trên, Bộ Tài chính thống nhất nguyên tắc ưu tiên sử dụng nguồn vốn dư cho các dự án nhằm đầu tư đồng bộ tuyến đường Hồ Chí Minh như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại công văn nêu trên. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn cho danh mục các dự án đường Hồ Chí Minh phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Mặt khác, do hiện nay các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên mới được triển khai, vì vậy để tránh việc phát sinh thiếu vốn khi triển khai các dự án mới Bộ Tài chính đề nghị chỉ đặt vấn đề sử dụng nguồn vốn dư của các dự án này sau khi các dự án đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành. Trường hợp cấp bách để xử lý vốn ngay cho các dự án như Bộ Giao thông vận tải đề xuất, đề nghị xem xét phương án ứng trước ngân sách nhà nước để triển khai, trường hợp sau khi hoàn thành các dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên còn dư vốn sẽ sử dụng số dư này để hoàn ứng ngân sách nhà nước.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ nghiên cứu tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn;
- Lưu: VT, Vụ ĐT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Sỹ Danh