Công văn 6587/TCHQ-PC năm 2017 về trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại công văn 2047/PTM-VP do Tổng cục Hải quan ban hành
Số hiệu | 6587/TCHQ-PC |
Ngày ban hành | 09/10/2017 |
Ngày có hiệu lực | 09/10/2017 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Người ký | Vũ Ngọc Anh |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Xuất nhập khẩu |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6587/TCHQ-PC |
Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2017 |
Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Về việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 7 năm 2017 tại công văn số 2047/PTM-VP ngày 21/8/2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Thủ tướng Chính phủ, sau khi nghiên cứu, Tổng cục Hải quan trả lời 03 kiến nghị tại Phụ lục 1 kèm theo Công văn số 2047/PTM-VP và cập nhật các thông tin về việc xử lý một số công văn của Văn phòng Chính phủ tại Phụ lục 2 kèm Công văn số 2047/PTM-VP như sau:
I. Về các kiến nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp.
1. Kiến nghị số 1 về một số vướng mắc về thủ tục hải quan trong xuất khẩu than củi của Công ty CP Kinh đô Thăng Long (trang 2 Phụ lục 1 kèm theo Công văn số 2047/PTM-VP).
Liên quan đến nội dung này, ngày 04/7/2017, Công ty CP Kinh đô Thăng Long có công văn số 2617/CV-TLC đề xuất điều chỉnh tên hàng, mức giá tham chiếu của mặt hàng than củi để phù hợp với giá bán thực tế (nội dung như phản ánh nêu tại trang 2 Phụ lục 1 Công văn số 2047/PTM-VP ngày 21/8/2017).
Tuy nhiên, tại công văn số 2617/CV-TLC Công ty chưa cung cấp các tài liệu, chứng từ có liên quan, do vậy Tổng cục Hải quan (Cục Thuế xuất nhập khẩu) đã có công văn số 2738/TXNK-TGHQ ngày 26/7/2017 đề nghị Công ty cung cấp các chứng từ, tài liệu có liên quan đến tên hàng, giá bán mặt hàng than củi xuất khẩu để Tổng cục Hải quan (Cục Thuế xuất nhập khẩu) có cơ sở xem xét.
(Đính kèm công văn số 2617/CV-TLC và công văn số 2738/TXNK-TGHQ nêu trên).
2. Kiến nghị số 4 về cho phép được hoàn thuế tự vệ của 8 lô hàng thép nhập khẩu để sản xuất vật liệu hàn của Công ty cổ phần que hàn Việt Đức (trang 5 Phụ lục 1 kèm theo Công văn số 2047/PTM-VP).
Ngày 19/9/2017, Bộ Công Thương có công văn số 8676/BCT-PVTM gửi Tổng cục Hải quan trao đổi về vướng mắc trong việc miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ theo đó: Bộ Công Thương nhận thấy ý kiến của Tổng cục Hải quan là đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên... Bộ Công Thương đề nghị Quý Bộ xem xét lại hồ sơ và nếu có thể thì có phương án giải quyết cho Công ty.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đã kiểm tra lại hồ sơ xin hoàn thuế của Công ty CP que hàn Việt Đức. Căn cứ quy định tại Điều 1 Quyết định số 3914/QĐ-BCT; căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11; căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan số 54/2014/QH13; căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13; căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ; căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 39, khoản 1 Điều 49 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 thì các tờ khai nhập khẩu đối với mặt hàng thép hợp kim cán nóng dạng cuộn không đều, đường kính 6.5mm dùng làm lõi que hàn, tiêu chuẩn JISG 3503-2006 thuộc chương 98110000 (mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế tự vệ theo Quyết định số 2968/QĐ-BCT) không đứng tên Công ty CP Que hàn điện Việt Đức- công ty có tên trong danh sách được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ theo Quyết định 3914/QĐ-BCT (Công ty CP Que hàn điện Việt Đức ký hợp đồng mua lại mặt hàng này của các Công ty đứng tên trên tờ khai) nên cơ quan hải quan không có cơ sở hoàn thuế cho Công ty CP Que hàn điện Việt Đức.
Vì vậy, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục trình Bộ Tài chính dự thảo công văn trả lời theo hướng vẫn giữ nguyên quan điểm, không đủ cơ sở hoàn thuế như đã hướng dẫn tại công văn số 3410/TCHQ-TXNK ngày 23/5/2017; công văn 5313/TCHQ-TXNK ngày 10/8/2017.
3. Kiến nghị số 7 về việc Công ty TNHH Lê Quốc phản hồi Công văn số 4939/TCHQ-GSQL ngày 26/7/2017 của Tổng cục Hải quan (trang 9, 10 Phụ lục 1 kèm Công văn số 2047/PTM-VP).
Liên quan đến việc Công ty TNHH Lê Quốc phản ánh không được thực hiện tiếp nhận phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng rau quả Hùng Vương, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 4940/TCHQ-GSQL ngày 26/7/2017 gửi Văn phòng Chính phủ, công văn số 5671/TCHQ-GSQL ngày 28/8/2017 gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong đó đã báo cáo cụ thể như sau:
3.1. Đối với việc mở và công bố cảng biển:
Điều 79 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định: “Chính phủ quy định thẩm quyền, điều kiện, thủ tục công bố mở, đóng cảng biển, cầu cảng, bến cảng, bến phao, khu nước, vùng nước, vùng nước cảng biển, quản lý luồng hàng hải và hoạt động hàng hải tại cảng biển”.
Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ đã được thay thế bằng Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định: “Định kỳ 05 năm một lần vào quý I, Cục Hàng hải Việt Nam lập và trình Bộ Giao thông vận tải danh mục phân loại cảng biển Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công bố theo quy định”.
Điều 4 Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Bộ Giao thông Vận tải công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam vào tháng 01 hàng năm”. Qua rà soát, đối chiếu với Quyết định số 480/QĐ-BGTVT ngày 22/02/2017 của Bộ Giao thông Vận tải về công bố Danh mục bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam thì Cảng rau quả tổng hợp Hùng Vương của Công ty TNHH Lê Quốc không thuộc Danh mục bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải công bố theo quy định.
3.2. Về thực hiện thủ tục hải quan đối với phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu:
Điều 67 Luật Hải quan 2014 quy định: “Phương tiện vận tải nhập cảnh phải được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập đầu tiên. Phương tiện vận tải xuất cảnh phải được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu xuất cảnh cuối cùng”.
Điều 4 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định: “Căn cứ vào quy hoạch và công bố hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, mạng bưu chính công cộng cung ứng dịch vụ quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc tổ chức bộ máy và bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan”.
Như vậy, địa bàn hoạt động hải quan gồm cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch và công bố theo quy định; trên cơ sở đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan cho phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Luật Hải quan năm 2014; Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ hướng dẫn Luật Hải quan; căn cứ Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 của Chính phủ quy định phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan như đã viện dẫn trên, Cảng rau quả tổng hợp Hùng Vương không nằm trong Danh sách công bố bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam, không đủ điều kiện thực hiện giám sát, quản lý hải quan theo quy định của pháp luật, do đó, Cơ quan Hải quan không được thực hiện thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại đây.
3.3. Đối với việc Cục Hải quan TP. Hải Phòng cho thực hiện tiếp nhận phương tiện xuất nhập cảnh chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng rau quả tổng hợp Hùng Vương trong giai đoạn từ tháng 5/2017 trở về trước:
Tại các Quyết định công bố Danh mục bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam của Bộ Giao thông Vận tải hàng năm từ 2014 đến 2016 đều không có tên Cảng rau quả tổng hợp Hùng Vương, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng vận dụng công văn số 3194/CHHVN-CTHH ngày 11/8/2014 và công văn số 2927/CHHVN-CTHH ngày 21/7/2016 của Cục Hàng hải Việt Nam để tạo điều kiện cho Công ty TNHH Lê Quốc sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn trong khi chưa hoàn thành các hạng mục đầu tư xây dựng và hồ sơ trình Bộ Giao thông Vận tải công bố bến cảng biển là phù hợp với thực tế, nhưng chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đã chủ động rà soát những bến cảng thuộc thành phố Hải Phòng trong đó có Cảng rau quả tổng hợp Hùng Vương không đủ điều kiện thực hiện tiếp nhận, làm thủ tục cho phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu và giao cho Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng KV1 thông báo các bến cảng này không nằm trong địa bàn hoạt động hải quan.
3.4. Việc Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng KV1 thông báo, đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh cảng không được tiếp nhận tàu thuyền và phương tiện xuất nhập cảnh tại công văn số 3629/TB-HQKV1 ngày 23/6/2017:
Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng KV1 thông báo một số bến cảng không nằm trong địa bàn hoạt động hải quan là phù hợp với quy định. Tuy nhiên, tại điểm 2 văn bản có quy định nội dung chưa phù hợp về thẩm quyền, do đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản yêu cầu Cục Hải quan thành phố Hải Phòng thu hồi Công văn số 3629/TB-HQKV1 nêu trên, đồng thời có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh bến cảng hiện nay không đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật (trong đó có Công ty TNHH Lê Quốc), thông báo rõ: cơ quan hải quan không được làm thủ tục cho phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu tại các bến cảng không nằm trong Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam do Bộ Giao thông Vận tải công bố. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc trong việc ban hành văn bản, thông báo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; quán triệt cán bộ công chức hải quan trong thực hiện nhiệm vụ phải giải thích, hướng dẫn cho doanh nghiệp hiểu rõ việc thực hiện đầu tư xây dựng, hoàn thiện hồ sơ công bố bến cảng theo đúng quy định của pháp luật, tránh hiểu lầm, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
3.5. Ngoài ra tại công văn số 1869/CHHVN-CTHH ngày 17/5/2017 của Cục Hàng Hải Việt Nam đã nêu rõ “cầu cảng này không tiếp nhận tàu thuyền nước ngoài”. Vì vậy, công văn số 4939/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan viện dẫn ý kiến của Cục Hàng hải Việt Nam tại văn bản nêu trên là hoàn toàn chính xác, không có sự nhầm lẫn hay ngộ nhận ở đây.
(gửi kèm các Công văn)