Công văn 5913/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 5913/BYT-VPB1
Ngày ban hành 30/09/2024
Ngày có hiệu lực 30/09/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đào Hồng Lan
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5913/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Bộ Y tế nhận được Công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre.

Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:

1. Vấn đề khám bệnh y tế học đường (bậc đại học) hiện nay còn bất cập, nhiều trường hợp sinh viên được nghỉ hè, đi thực tập theo lịch của Nhà trường, nếu có bệnh thì không được đi khám và điều trị ở các cơ sở khám chữa bệnh khác (do thẻ bảo hiểm y tế mua tại trường học, khác vùng nên không được thanh toán). Kiến nghị Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hướng dẫn thêm về những bất cập này.

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, sinh viên khi mua thẻ bảo hiểm y tế tại trường học, nếu trong thời gian nghỉ hè hoặc đi thực tập theo lịch của Nhà trường mà có bệnh phải cấp cứu, thì sinh viên được phép khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào. Để được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế, sinh viên cần xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ theo quy định trước khi ra viện. Trường hợp không phải cấp cứu, nếu sinh viên tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn chi trả với mức sau: (1) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện; (2) 100% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; (3) 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương.

Hiện nay, Bộ Y tế đang hoàn thiện Hồ sơ trình Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, trong đó có quy định khi người tham gia bảo hiểm y tế thay đổi nơi cư trú hoặc đi công tác, làm việc lưu động thì được phép khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở khám chữa bệnh phù hợp.

2. Hiện nay nhu cầu tiêm ngừa để bảo vệ sức khỏe trong Nhân dân rất cao, trong đó có người cao tuổi, cán bộ hưu trí (tiêm ngừa cúm, viêm phổi, viêm gan,...) Tuy nhiên giá vắc -xin để tiêm ngừa khá cao, trong khi người cao tuổi, cán bộ hưu trí lại có thu nhập thấp, khó tiếp cận các dịch vụ tiêm ngừa này. Kiến nghị Bộ Y tế tham mưu Chính phủ, Quốc hội có chính sách hỗ trợ tiêm vắc - xin được thanh toán bảo hiểm y tế để công tác phòng bệnh được tốt hơn.

Hiện nay, các loại vắc xin thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã được nhà nước chi trả thông qua ngân sách nhà nước giúp đảm bảo việc tiêm phòng cho trẻ em và một số nhóm đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, những loại vắc xin có chi phí lớn như tiêm ngừa cúm, viêm phổi, viêm gan, ... thì hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm y tế là quỹ ngắn hạn, được sử dụng để chi trả các chi phí liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh và chưa có quy định chi trả cho công tác phòng bệnh, bao gồm tiêm ngừa các loại vắc xin trên. Việc bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế là cần thiết, trong khi mức đóng bảo hiểm y tế hiện nay ở Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Do đó, để đảm bảo khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế, hiện nay chưa quy định chi trả bảo hiểm y tế cho các loại vắc xin như đã nêu ở trên.

3. Việc khám và chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế thời gian qua từng bước được nâng lên, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cơ sở khám chữa bệnh thiếu thuốc, hết thuốc, đề nghị người bệnh phải mua thuốc ở ngoài, cán bộ y tế giải thích thiếu thuốc là do lệ thuộc vào công tác đấu thầu. Cử tri kiến nghị ngành y tế quan tâm đảm bảo thuốc điều trị và khám bệnh để người dân an tâm, hài lòng khi tham gia bảo hiểm y tế. Đề nghị không đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế.

Trong thời gian vừa qua, có tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế do một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng hậu đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại Châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả tăng cao; bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan về cơ chế chính sách mua sắm còn chưa phù hợp, một số cơ sở y tế thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm...nên còn gây ra hiện tượng thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế cùng các Bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều giải pháp để giải quyết. Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu sửa đối với nhiều cơ chế tháo gỡ, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực y tế; ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về việc cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024[1]. Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2024 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Bộ Y tế đã tích cực rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, bao gồm: (1) Ban hành theo thẩm quyền: Thông tư số 03/2024/TT-BYT ngày 16/4/2024 ban hành danh mục thuốc có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp; Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định Danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định Danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập... (2) Tháo gỡ nguồn cung: Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành[2]. (3) Phối hợp với các tổ chức quốc tế: Tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để viện trợ một số loại thuốc rất hiếm. (4) Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cán bộ y tế tại các cơ sở và địa phương về quy trình đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, nhằm nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ y tế trong việc quản lý và đảm bảo nguồn cung ứng.

Đến nay, tình trạng này đã được tháo gỡ cơ bản. Bộ Y tế đang rà soát, tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách liên quan để tiếp tục giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; nắm bắt tình hình địa phương, đơn vị y tế; đảm bảo bệnh nhân được chữa trị kịp thời, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.

4. Dân số Việt Nam hiện nay có chiều hướng bị già hóa. Kiến nghị cần có những chính sách mạnh hơn để hỗ trợ, khuyến khách người dân sinh đủ 02 con, nhất là sinh bé gái để đảm bảo cân bằng giới tính giữa nam và nữ.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 với mục tiêu “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước”, trong đó, có nhiệm vụ, giải pháp “Ở những địa phương đã có mức sinh dưới mức sinh thay thế thí điểm, mở rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con”.

Thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2324/QĐ-BYT ngày 05/6/2020 về Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 588/QĐ-TTg; ban hành văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn triển khai Quyết định số 588/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn chuyên môn. Ngày 25/01/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.

Tại các địa phương: Thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, trên cơ sở thực trạng và xu hướng mức sinh của địa phương, các tỉnh/thành phố cũng đã ban hành theo thẩm quyền các chương trình, kế hoạch... để thực hiện với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Một số tỉnh, thành phố vùng mức sinh thấp và mức sinh thay thế cũng đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ hai con đối với tập thể, cá nhân như: hỗ trợ tiền hoặc hiện vật; hỗ trợ các chi phí y tế 1 lần (sinh con) đối với phụ nữ sinh đủ 02 con trước 35 tuổi; hỗ trợ giảm học phí từ bậc học mầm non đến bậc trung học phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; khen và thưởng tiền cho các xã, phường, thị trấn đạt và vượt tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. Một số tỉnh đã triển khai, mở rộng các mô hình[3] “Nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 02 con trước 35 tuổi”, “xã, phường, thị trấn đạt chuẩn sinh đủ 2 con” ...

Trong thời gian qua, Bộ Y tế hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của mất cân bằng giới tính khi sinh cụ thể: (1) Tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa VII về công tác dân số trong tình hình mới với mục tiêu: “Đến năm 2030 tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”; (2) Tại Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030: “Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên...Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”; (3) Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025.

Nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Các can thiệp đều hướng đến việc thay đổi nhận thức, hành vi của người dân thực hiện việc sinh con trai, con gái theo quy luật tự nhiên; bao gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; các chuẩn mực, giá trị xã hội phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả bình đẳng giới. Nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế trong thực hiện Đề án.

Để xử lý căn cơ các vấn đề hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 02 con, nhất là sinh bé gái để đảm bảo cân bằng giới tính giữa nam và nữ, Bộ Y tế đang xây dựng:

(1) Năm 2023, Bộ Y tế đã xây dựng, trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Dân số, Chính phủ có Tờ trình số 47/TTr-CP ngày 28/02/2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Căn cứ ý kiến thẩm tra, Bộ Y tế được giao tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Dân số, báo cáo Chính phủ tháng 12/2024; dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025.

(2) Nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỉ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 12/2024; xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ năm 2025 (theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc).

5. Khi tăng lương thì tăng mức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện (cá nhân, hộ gia đình) tăng theo. Cử tri thắc mắc việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế như vậy thì mức điều trị và khám bệnh có tăng hay không.

6. Kiến nghị cần ổn định giá mua Bảo hiểm y tế (hiện nay giá Bảo hiểm y tế tăng lên 30%), tăng như vậy rất cao sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân nhất là nhiều gia đình kinh tế khó khăn.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng được tính dựa trên mức lương cơ sở và các yếu tố kinh tế - xã hội. Việc điều chỉnh giá bảo hiểm y tế không phải là tăng chi phí riêng lẻ mà phụ thuộc vào sự điều chỉnh mức lương cơ sở nhằm đảm bảo tương ứng với sự phát triển kinh tế và nhu cầu cải thiện quyền lợi chăm sóc sức khỏe của người dân.

Hiện nay, Chính phủ đã điều chỉnh chính sách tiền lương mới với mức lương cơ sở tăng thêm 30%. Điều này dẫn đến mức đóng bảo hiểm y tế của hầu hết các nhóm đối tượng đều tăng theo. Việc tăng mức đóng không chỉ nhằm đáp ứng sự điều chỉnh của lương cơ sở, mà còn giúp tăng thu cho Quỹ Bảo hiểm y tế, từ đó tăng khả năng chi trả cho các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây cũng là cơ sở để Bộ Y tế tiến hành điều chỉnh giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân và giảm bớt chi phí người dân phải bỏ tiền túi khi đi khám chữa bệnh[4].

Ngoài ra, chính sách và chế độ bảo hiểm y tế được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Đây là cơ chế tài chính quan trọng để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong bối cảnh quỹ bảo hiểm y tế cần được duy trì và cân đối lâu dài. Đặc biệt, những đối tượng gặp khó khăn về kinh tế như người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sống tại vùng khó khăn đều được Nhà nước hỗ trợ từ 30% đến 100% mức đóng bảo hiểm y tế, tùy theo điều kiện cụ thể của từng nhóm.

[...]