Công văn 5137/BTC-NSNN năm 2020 về rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2016-2019 do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 5137/BTC-NSNN |
Ngày ban hành | 27/04/2020 |
Ngày có hiệu lực | 27/04/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5137/BTC-NSNN |
Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2020 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại công văn số 1957/VPCP-KTTH ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) thời gian qua; nêu rõ tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục, bảo đảm sử dụng hiệu quả, không thất thoát, lãng phí; trên cơ sở đó, rà soát, hoàn thiện nội dung báo cáo đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2020, Bộ Tài chính đề nghị Quý Địa phương căn cứ chủ trương, định hướng; các đặc thù kinh tế - xã hội trên địa bàn; thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và phát triển CPĐT giai đoạn 2016-2019 của địa phương, có ý kiến đánh giá nội dung trên. Cụ thể như sau:
1. Về phạm vi đánh giá:
a. Phạm vi nhiệm vụ:
- Nhóm nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng CNTT, hạ tầng mạng.
- Nhóm nhiệm vụ xây dựng nền tảng của tỉnh.
- Nhóm nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL).
- Nhóm nhiệm vụ xây dựng, phát triển các ứng dụng phục vụ cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
- Nhóm nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin mạng
- Nhóm nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực
b. Phạm vi nguồn lực thực hiện:
- Từ nguồn tự cân đối trong dự toán chi thường xuyên được giao của đơn vị.
- Từ nguồn ngân sách được bố trí riêng.
- Từ nguồn Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020
2. Về nội dung đánh giá:
2.1. Đánh giá thể chế tài chính đối với từng nguồn, từng nhiệm vụ ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT: tính phù hợp, khả thi, chặt chẽ, đồng bộ, đáp ứng các đặc thù của nhiệm vụ ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT.
2.2 Đánh giá trong tổ chức thực hiện:
- Đánh giá công tác xác định nhiệm vụ, xác định các yêu cầu kỹ thuật, vấn đề thẩm định, phê duyệt, lập dự toán, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đề án ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT từ nguồn tự cân đối trong dự toán được giao; từ nguồn chương trình mục tiêu CNTT hoặc từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí riêng cho nhiệm vụ/chương trình/đề án.
- Đánh giá trong công tác kiểm soát chi: việc tuân thủ các quy định/chưa tuân thủ quy định (nếu có); những trường hợp bị Kho bạc Nhà nước từ chối chi (nếu có).
- Đánh giá quá trình nghiệm thu sản phẩm: việc thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT của địa phương theo đúng mục tiêu, thiết kế, tiến độ/các trường hợp phải điều chỉnh/phải dừng/không thực hiện được.
2.3 Đánh giá công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện, sử dụng kinh phí ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT:
- Thực tế và kết quả công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc bảo đảm các quy định chuyên môn đối với các nhiệm vụ về CNTT, phát triển CPĐT trong nội bộ địa phương và của cơ quan quản lý nhà nước (nếu có)?
- Thực tế và kết quả công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định tài chính đối với các nhiệm vụ về CNTT, phát triển CPĐT trong nội bộ địa phương và của cơ quan thanh tra, kiểm toán (nếu có)?
2.4 Đánh giá kết quả đạt được về ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT:
(i) Về thực trạng cơ sở vật chất CNTT, phát triển CPĐT đã được hình thành (như: trang thiết bị máy tính, phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu, ...): so với mục tiêu khi xây dựng nhiệm vụ/đề án; so với các chủ trương, định hướng, yêu cầu về ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT của cấp thẩm quyền (đề nghị chi tiết các chủ trương, định hướng,... về ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT của cấp thẩm quyền và thực trạng cơ sở vật chất CNTT, CPĐT hiện nay của địa phương);
(ii) Tác động tới việc thực hiện chức năng nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của địa phương (gồm cả nội bộ và dịch vụ công đối với xã hội).
(iii) Hiệu suất sử dụng các trang thiết bị, phần mềm, việc khai thác hệ thống CSDL... đã xây dựng so với tính năng/mục tiêu đề ra khi xây dựng (bao nhiêu % được sử dụng như thiết kế; bao nhiêu % sử dụng không như thiết kế, lý do; bao nhiêu % không sử dụng được, lý do).
(iv) Tính phù hợp của cơ sở hạ tầng, CSDL; tính bảo mật, thông suốt; tính kết nối, chia sẻ... so với Nghị quyết 17/NQ-CP đề ra.