Báo cáo 993/BC-VPCP năm 2020 về kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai thực hiện trong năm 2019

Số hiệu 993/BC-VPCP
Ngày ban hành 10/02/2020
Ngày có hiệu lực 10/02/2020
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 993/BC-VPCP

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2020

 

BÁO CÁO

MỘT SỐ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GẮN KẾT VỚI XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ DO VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ CHỦ TRÌ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TRONG NĂM 2019

Kính gửi:

- Thủ tướng Chính phủ,
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;

Chuẩn bị cho Hội nghị của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ xin báo cáo một số kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai thực hiện trong năm 2019 như sau:

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI

Trong năm 2019, công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì đã có những kết quả tích cực trên tất cả các mặt xây dựng thể chế, thiết lập, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước.

Công tác xây dựng, rà soát thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã đạt được những kết quả thiết thực. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã đi vào nền nếp, cả nước đến nay đã có 55/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt tỷ lệ 95.8%. Các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã được rà soát, đã cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh của hầu hết các bộ, ngành; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa vào khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Tổ công tác, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã có những đóng góp thiết thực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc tổ chức họp, hội nghị đối thoại để cùng các bộ, ngành tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 06 cuộc kiểm tra việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; 04 cuộc kiểm tra 22 bộ, cơ quan, 17 địa phương về thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và việc triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử.

Đối với các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ cùng với các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và đã được những kết quả tích cực trong thiết lập, triển khai các hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống thành chính nhà nước, Hệ thống họp của Chính phủ. Các hệ thống này đều được bình chọn là những sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu trong năm 2019 và trong thời gian ngắn đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Cụ thể:

1. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao chất lượng phục vụ thông qua thiết lập và vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia.

Từ đầu nhiệm kỳ, với quan điểm nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật và có các chỉ đạo điều hành sát sao để thúc đẩy nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần cải thiện mối quan hệ giữa chính phủ và người dân, doanh nghiệp. Trong đó có thể kể đến như Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia và quy hoạch lại các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng mỗi bộ, mỗi địa phương chỉ có 1 cổng dịch vụ công.

Văn phòng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia trở thành đầu mối kết nối với công dịch vụ công của bộ, địa phương để cung cấp thông tin và dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống này cũng được tích hợp chức năng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị để kịp thời nắm bắt những vấn đề nảy sinh, tồn tại trong quá trình phục vụ.

Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (09/12/2019) đến ngày 09/02/2020, đã có hơn 44.200 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13.4 triệu lượt truy cập; hơn 854.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 6.900 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công; tiếp nhận, xử lý 4.150 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ 3.900 cuộc gọi qua Tổng đài hỗ trợ (18001096). Những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ.

100% Bộ, ngành, địa phương cũng đã cam kết đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ trong quá trình triển khai, vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến thời điểm này, đã có 09/22 Bộ, cơ quan1 và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ tích hợp, cung cấp hầu hết các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của bộ, cơ quan trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Bộ Tài chính cũng đã tích hợp, cung cấp dịch vụ cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách, hủy tờ khai hải quan và khai bổ sung hồ sơ hải quan theo đúng tiến độ.

Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 08 nhóm dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công thương, Công an, Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế ... để tiếp tục tích hợp các dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong quá trình này, cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để rà soát, nâng cấp, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa việc thực hiện trước khi tích hợp lên Cổng. Đây là một trong những điểm khác biệt lớn để tạo ra hiệu quả so với các dịch vụ công đang vận hành, nâng cao hiệu quả, khả năng tiếp cận của người dân doanh nghiệp với các dịch vụ công trực tuyến và nâng số lượng hồ sơ làm trực tuyến.

Không chỉ hướng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, Cổng dịch vụ công quốc gia còn là công cụ giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch trong quá trình thực hiện, từ đó giảm các vấn đề tiêu cực, tình trạng tham nhũng vặt nảy sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Sau 2 tháng vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã có 4 văn bản chỉ đạo điều hành, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức 29 cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương, có 07 văn bản đôn đốc việc kết nối, tích hợp và 02 văn bản đề nghị một số địa phương kiểm tra, xử lý đối với tình trạng không thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến hoặc tiếp nhận, xử lý còn chậm hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ, văn bản giấy khi cá nhân, tổ chức đã nộp văn bản ký số hay yêu cầu, bổ sung hồ sơ không đúng quy định.

Cổng dịch vụ công quốc gia với một số các nền tảng dùng chung như hệ thống định danh, xác thực thông qua nhiều giải pháp bảo đảm mức độ an toàn; nền tảng thanh toán trực tuyến tập trung để chia sẻ với các Bộ, ngành sử dụng, từ đó tiết kiệm rất lớn cho đầu tư công nghệ thông tin trong giai đoạn tới.

2. Nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới Chính phủ không giấy tờ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin

a) Thúc đẩy việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia (khai trương ngày 12/3/2019)

- Triển khai gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là bước đi quan trọng để thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường mạng, góp phần giảm đáng kể chi phí, thời gian gửi, nhận văn bản, thời gian xử lý công việc (ước tính sơ bộ tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian...), nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Do vậy, việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi nhận văn bản điện tử được đánh giá là một trong những sự kiện tiêu biểu trong xây dựng Chính phủ điện tử năm 2019.

Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông với 95/952 bộ, ngành, địa phương (100%) và Văn phòng Trung ương Đảng phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử ở 02 cấp chính quyền. Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương Hệ thống đến ngày 10/02/2020, đã có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận3 qua Trục liên thông văn bản quốc gia, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên khi vận hành đã tăng gấp 02 lần.

Văn phòng Chính phủ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và ban hành 02 văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo4 đẩy mạnh việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý văn bản trên môi trường mạng và 07 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai; tổ chức 02 Hội nghị (sơ kết 6 tháng và 01 năm) và 35 buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá quá trình triển khai, thu thập ý kiến góp ý và hướng dẫn, thúc đẩy việc triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg. Văn phòng Chính phủ đã đề xuất tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 05 Bộ, cơ quan5 và 10 địa phương6 triển khai tốt công tác này.

Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang triển khai kết nối với Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và triển khai thử nghiệm kết nối tới các doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định7.

- Về xử lý công việc trên môi trường mạng, một số cơ quan đã triển khai từ rất sớm, áp dụng đối với tất cả đơn vị trực thuộc và có hiệu quả như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam... Hiện nay, 100% các cơ quan cấp Bộ và 100% các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, tuy nhiên các hệ thống chỉ tập trung giải quyết phần gửi, nhận văn bản điện tử, hầu hết chưa hỗ trợ quy trình nghiệp vụ cũng như giải quyết công việc trên môi trường mạng.

b) Đưa Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vào khai thác, sử dụng hướng tới Chính phủ không giấy tờ, theo dõi tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống e-Cabinet đã được đưa vào vận hành, giúp việc tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả trên môi trường mạng và góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí in ấn, sao chụp tài liệu giấy các cuộc họp của Chính phủ.

Từ ngày khai trương (24/6/2019) đến ngày 09/02/2020, Hệ thống e-Cabinet đã phục vụ 12 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (các đại biểu sử dụng tài liệu điện tử thay thế việc in ấn, sao chụp 42.276 tài liệu giấy) và thực hiện xử lý 229 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành 6.183 phiếu giấy và 28.161 hồ sơ, tài liệu giấy kèm theo.

Hệ thống đã được tích hợp chức năng hỗ trợ các Thành viên Chính phủ theo dõi tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên Hệ thống e-Cabinet. Hiện nay, hệ thống đang được tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên môi trường mạng.

[...]