Công văn 5078/BNN-TCLN năm 2020 về áp mã HS đối với ván ghép thanh khi xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 5078/BNN-TCLN
Ngày ban hành 31/07/2020
Ngày có hiệu lực 31/07/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hà Công Tuấn
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5078/BNN-TCLN
V/v áp mã HS đối với ván ghép thanh khi xuất khẩu

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2020

 

Kính gửi: Bộ Tài chính

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được các Văn bản số 56/2020/CV-VIFOREST ngày 10/7/2020 và Văn bản số 59-2020/CV-VIFOREST ngày 14/7/2020 của Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị không áp mã HS 4407 với thuế xuất khẩu 25% đối với sản phẩm ván ghép thanh khi xuất khẩu theo Thông báo số 4250/TB-TCHQ ngày 24/6/2020 của Tổng cục Hải quan; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

1. Theo Phụ lục I, ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam thì: mã HS 4407 là gỗ đã được cưa hoặc xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc, đã hoặc chưa bào, chà nhám hoặc ghép nối ngọn, có chiều dày trên 6 mm. Tại Văn bản số 9365/BTC ngày 1/7/2009 của Bộ Tài Chính về xuất khẩu tấm gỗ ghép thanh thành tấm đã nêu: các loại gỗ như mô tả tại nhóm 44.07 được tiếp tục được ghép theo chiều ngang thành các tấm lớn.... thuộc các nhóm từ 4418 đến 4421, thuế suất thuế xuất khẩu bằng 0%.

2. Về quy trình sản xuất ván ghép thanh: Để sản xuất ván ghép thanh, bắt buộc phải qua hai giai đoạn, cụ thể:

- Giai đoạn 1: Tạo thanh cơ sở, gồm các công đoạn để tạo ra thanh gỗ xẻ (thuộc sản phẩm của mã 4407), là nguyên liệu đầu vào của giai đoạn sản xuất ván ghép thanh.

- Giai đoạn 2. Tạo ván ghép thanh thực hiện theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới. Giai đoạn này gồm 9 công đoạn để tiếp tục chế biến thanh gỗ xẻ cơ sở: Tẩm sấy, bào hai mặt, bào 4 mặt, tạo mộng ghép, ghép dọc bằng keo tạo thanh dài, bào 4 mặt thanh dài đã ghép, ghép tạo chiều rộng bằng keo, chà nhám, đánh bóng sản phẩm và sơn bảo quản hoàn thiện sản phẩm. Như vậy, quá trình sản xuất sản phẩm ván ghép thanh đã làm thay đổi hoàn toàn kết cấu của thanh gỗ xẻ cơ sở ban đầu (mã hàng 4407) thông qua các công đoạn chế biến sâu tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Từ những ý kiến nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thấy rằng việc Tổng cục Hải quan áp dụng mã hàng hóa của ván ghép thanh theo mã HS 4407 là không phù hợp với Thông tư 65 cũng như ý kiến của Bộ Tài Chính tại Văn bản số 9365/BTC ngày 1/7/2009 nêu trên.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan không điều chỉnh mà vẫn áp mã hàng xuất khẩu 4418 đối với ván ghép thanh và các sản phẩm đồ mộc có sử dụng ván ghép thanh như hiện nay theo đề nghị của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- BT Nguyễn Xuân Cường (để báo cáo);
- Tổng cục Hải quan;
- Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn