Công văn số 497/BXD-KTQH về việc hướng dẫn một số vướng mắc trong công tác quản lý Quy hoạch, Kiến trúc của thành phố Hà Nội do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 497/BXD-KTQH
Ngày ban hành 27/03/2009
Ngày có hiệu lực 27/03/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Trần Ngọc Chính
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 497/BXD-KTQH
V/v: hướng dẫn một số vướng mắc trong công tác quản lý Quy hoạch, Kiến trúc của thành phố Hà Nội

Hà nội, ngày 27 tháng 3 năm 2009

 

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội

Bộ Xây dựng nhận được công văn số 340/UBND-GT ngày 14/01/2009 của UBND thành phố Hà Nội đề nghị hướng dẫn, giải quyết một số vướng mắc trong công tác quy hoạch – kiến trúc trên địa bàn thành phố. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Về điều chỉnh quy hoạch xây dựng (QHXD):

- Thống nhất với đề xuất của UBND thành phố Hà Nội về việc “Điều chỉnh QHXD được coi là điều chỉnh cục bộ khi phạm vi có điều chỉnh chiếm dưới 10% quy mô dân số hoặc dưới 10% diện tích quy hoạch của đồ án QHXD đã được phê duyệt”. Tuy nhiên, hiện nay đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đang được Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND Tp. Hà Nội thực hiện, Tư vấn nước ngoài bắt đầu nghiên cứu, đánh giá hiện trạng. Do đó, trong quá trình triển khai, thành phố cần lưu ý chỉ đạo nội dung điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải phù hợp Định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và phát triển đô thị bền vững.

- Về đề xuất giản tiện trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt khi lập hồ sơ điều chỉnh QHXD: Bộ Xây dựng đã có công văn số 2310/BXD-VP ngày 17/11/2008 cơ bản thống nhất với các đề xuất của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, lưu ý đồ án điều chỉnh quy hoạch phải có các bản vẽ về hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo sự kết nối đồng bộ khi triển khai, đặc biệt là bản vẽ quy hoạch giao thông, san nền và thoát nước mặt.

2. Về lấy ý kiến thoả thuận đối với quy hoạch xây dựng:

- Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của Tp. Hà Nội các trường hợp cần phải lấy ý kiến thoả thuận: đến cấp quận – huyện (Hội đồng nhân dân, UBND, Mặt trận Tổ quốc) trong phạm vi quy hoạch vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung đô thị; đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn và đại diện cộng đồng dân cư trong phạm vi quy hoạch chi tiết xây dựng.

- Các trường hợp không phải lấy ý kiến thoả thuận đối với quy hoạch chi tiết 1/500: thống nhất cơ bản với đề xuất của Tp. Hà Nội. Tuy nhiên, UBND Tp. Hà Nội cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm rõ các khái niệm, tiêu chí “không có điều chỉnh lớn so với QHCT 1/2000” để làm cơ sở áp dụng cho trường hợp không phải lấy ý kiến thoả thuận QHXD ở cấp phường, xã; tránh mập mờ, tạo kẽ hở hoặc tiêu cực trong quản lý ĐTXD sau quy hoạch.

- Việc lấy ý kiến thoả thuận của cơ quan chuyên ngành: UBND Tp. Hà Nội đề xuất trong quá trình lập QHXD chỉ cần xin ý kiến về an ninh quốc phòng, di tích lịch sử – văn hoá và đê điều, còn các cơ quan khác sẽ thực hiện ở bước lập dự án đầu tư. Về việc này, Bộ Xây dựng đề nghị UBND Tp. Hà Nội thực hiện đúng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2003, Nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch xây dựng. Việc tham gia ý kiến, thoả thuận về quy hoạch của các cơ quan chuyên môn, các bên liên quan tới đồ án quy hoạch xây dựng nhằm mục đích tạo sự phối hợp đồng bộ, tránh chồng chéo về quy hoạch (nếu có) của các ngành liên quan đến khu vực nghiên cứu, lập quy hoạch.

3. Về Thiết kế đô thị và Quy chế quản lý kiến trúc đô thị:

Về nội dung hồ sơ Thiết kế đô thị trong đồ án Quy hoạch chung và Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được qui định cụ thể tại các Điều 30, 31 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch xây dựng. Nội dung hồ sơ trình duyệt của đồ án Quy hoạch chung và Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được qui định tại các Điều 16, 17, 24, 26 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Khi có nhu cầu cần đưa ra các qui định cụ thể để quản lý phát triển đô thị cho những không gian như: khu phố cổ, phố cũ, quảng trường văn hóa… thành phố có thể tổ chức nghiên cứu, lập và phê duyệt Hồ sơ thiết kế đô thị tách riêng với đồ án quy hoạch chi tiết.

4. Về quy hoạch mạng lưới và quy hoạch chuyên ngành:

Về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ, tham gia của cộng đồng đối với các quy hoạch mạng lưới, quy hoạch chuyên ngành (như quy hoạch điện lực, quy hoạch đê điều…) cần tuân thủ theo các Luật và các Nghị định hướng dẫn của ngành đó. Nếu đồ án quy hoạch mạng lưới, quy hoạch chuyên ngành có liên quan tới bố trí công trình xây dựng trong không gian đô thị thì cần có ý kiến thoả thuận của Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương (Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng) đảm bảo phối hợp đồng bộ và không trùng chéo về quy hoạch.

Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Sở QHKT Hà Nội;
- Lưu VP, Vụ KTQH(NHL-02).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Ngọc Chính