Công văn 491/BYT-TT-KT về hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông y tế năm 2021 do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 491/BYT-TT-KT
Ngày ban hành 21/01/2021
Ngày có hiệu lực 21/01/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đỗ Xuân Tuyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 491/BYT-TT-KT
V/v hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông y tế năm 2021

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Vụ, Cục, Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhưng được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, công tác y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đạt được các chỉ tiêu của Quốc hội, của Chính phủ giao như (1) số giường bệnh trên vạn dân giao 28, đạt 28; (2) tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế giao 90,7%, đạt 90,85%; (3) đạt 6/7 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020.

Cùng với công tác phòng chống dịch COVID-19 đã kiểm soát tốt các dịch bệnh khác, đặc biệt là bệnh bạch hầu ở khu vực Tây nguyên, không để xảy ra "dịch chồng dịch". Quản lý an toàn thực phẩm, môi trường y tế tiếp tục có kết quả tích cực. Năng lực mạng lưới y tế cơ sở được nâng lên, y tế cơ sở đã phát huy vai trò chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng để giảm lưu lượng người đến khám bệnh tại các bệnh viện, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là tư vấn khám chữa bệnh từ xa, hồ sơ sức khỏe cá nhân kết hợp với bệnh án điện tử. Đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại; đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế; tiếp tục duy trì 14 năm liên tiếp đạt mức sinh thay thế (ước đạt 2,09 con/phụ nữ năm 2020), kiểm soát tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế trong nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc cho công tác dự phòng, điều trị với chất lượng và giá hợp lý, sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, máy thở đáp ứng nhu cầu điều trị phòng, chống dịch COVID-19. Phân cấp mạnh trong đấu thầu, mua sắm; trao quyền tự chủ cho các đơn vị nhưng có kiểm soát về các dịch vụ theo yêu cầu, nhân lực làm việc tại các cơ sở xã hội hóa. Đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia và địa phương được đẩy mạnh; ban hành hướng dẫn đấu thầu trang thiết bị y tế trong các cơ sở y tế; xây dựng và vận hành Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT); chuẩn bị các phương án, điều kiện để thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT; đổi mới phương thức thanh toán bảo hiểm y tế. Công tác hợp tác quốc tế được chú trọng, đẩy mạnh song phương, đa phương, vận động sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, nâng cao vị thế y học Việt Nam trên khu vực và thế giới.

Truyền thông y tế luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, phổ biến kiến thức để người dân thay đổi các hành vi có lợi cho sức khoẻ, chủ động phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khoẻ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp trên toàn cầu, công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 luôn luôn chủ động, sử dụng nhiều hình thức, kịp thời cung cấp thông tin, góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa, kiểm soát dịch COVID-19 tại Việt Nam, được Chính phủ và nhân dân Việt Nam ghi nhận; đồng thời góp phần tạo được uy tín của Việt Nam đối với dư luận quốc tế.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và nhiều kế hoạch, chiến lược quan trọng khác. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế giai đoạn tới; Bộ Y tế hướng dẫn các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế các ngành (sau đây gọi là các đơn vị) triển khai công tác truyền thông y tế năm 2021 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ

A. Mục tiêu

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác y tế đến cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể nhân dân để tạo môi trường xã hội đồng thuận trong việc thực thi các quy định; đồng thời bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về dịch bệnh, bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đặc biệt về đại dịch COVID-19 để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khoẻ và chủ động phòng ngừa.

B. Nhiệm vụ

1. Chủ động, tích cực truyền thông vận động để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách, đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân và phòng, chống dịch COVID-19. Truyền thông về các Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII: Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; truyền thông về các văn kiện, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác y tế.

Phối hợp các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền truyền thông về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

2. Triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 theo nguyên tắc CHỦ ĐỘNG, MINH BẠCH, ĐỒNG BỘ, KỊP THỜI, CHÍNH XÁC, HIỆU QUẢ nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch, các hoạt động ứng phó của Việt Nam; kêu gọi, huy động sự chủ động, tích cực tham gia của mỗi người dân Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; khuyến cáo nhanh chóng, chính xác các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đến người dân và toàn xã hội, chú trọng Thông điệp 5K phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường truyền thông về vắc xin COVID -19: hiệu quả, tính an toàn, khả năng sản xuất, cung ứng vắc xin COVID-19 của Việt Nam, kế hoạch triển khai tiêm vắc xin tại Việt Nam và các khuyến cáo về vắc xin COVID-19 đến người dân và toàn xã hội; truyền thông về các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam.

3. Truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe để mỗi người dân và cộng đồng chủ động phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch, bệnh khác, thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, tham gia bảo hiểm y tế toàn dân, ủng hộ và tham gia hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, giảm quá tải bệnh viện, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng dân số giảm mất cân bằng giới tính khi sinh…

4. Truyền thông 11 nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành y tế như: xây dựng, chính sách pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; phòng, chống dịch COVID-19, phòng chống dịch bệnh khác; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác y tế (phòng, chống dịch COVID-19, Đề án khám, chữa bệnh từ xa, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, cổng công khai y tế, mạng kết nối y tế…); nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính, giảm quá tải bệnh viện; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp; tính đúng giá dịch vụ y tế; nâng cao chất lượng y tế cơ sở ; bảo hiểm y tế toàn dân; quản lý và phòng chống yếu tố nguy cơ các bệnh không lây nhiễm; an toàn tiêm chủng; phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; an toàn thực phẩm; hạn chế tai biến y khoa; ứng dụng kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh và thành tựu công tác y tế và các lĩnh vực y tế khác.

5. Chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời, minh bạch, chính xác cho các cơ quan báo chí, tập huấn chia sẻ thông tin và mời tham gia các hoạt động y tế đối với đội ngũ phóng viên theo dõi công tác y tế, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ của dư luận xã hội, của hệ thống truyền thông và mỗi người dân đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các lĩnh vực công tác bảo vệ, chăm sóc và năng cao sức khỏe nhân dân.

6. Truyền thông giáo dục y đức, y nghiệp, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, rèn luyện y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, nhân viên y tế trong các cơ sở y tế và sinh viên các trường y, dược. Tổ chức các cuộc thi cho nhân viên y tế cơ sở, sinh viên các trường y, dược. Tổ chức các hoạt động tôn vinh nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2 năm 2021. Biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt, các mô hình hiệu quả và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là những tấm gương Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

7. Giới thiệu, quảng bá thành tựu, tiến bộ y học của ngành y tế đến nhân dân cả nước và trên thế giới, tạo niềm tin của nhân dân, của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của y tế Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

8. Quản lý thông tin y tế, phối hợp xử lý khủng hoảng truyền thông, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời khi xảy ra các sự cố, tai biến trong công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, các lĩnh vực quản lý của ngành y tế; quản lý và phối hợp các cơ quan có trách nhiệm xử lý tin đồn, tin giả liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

9. Trang bị các kỹ năng truyền thông y tế cho cán bộ, nhân viên y tế, chú trọng tập huấn kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe, truyền thông nguy cơ, makerting bệnh viện. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong toàn ngành y tế Quyết định số 02/QĐ-BYT ngày 02/01/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể truyền thông nguy cơ sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030.

10. Ban hành, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế để thực hiện Nghị định 09/2017/NĐ- CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ. Tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án quy hoạch các cơ quan báo chí ngành y tế đến năm 2025, tầm nhìn 2030; trình phê duyệt ban hành Đề án hoạt động Báo Sức khỏe và Đời sống và thực hiện các thủ tục cấp Giấy phép hoạt động cho Báo Sức khỏe và Đời sống (mới) theo quy định; thực hiện quy hoạch đối với các tạp chí, bản tin y tế.

II. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục quán triệt và cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII: Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới và Chương trình hành động của Chính phủ, của Bộ Y tế triển khai thực hiện 02 Nghị quyết; truyền thông mạnh mẽ, đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, lồng ghép truyền thông mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân với các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của các ngành, địa phương.

2. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể, giữa Trung ương và địa phương, giữa các ban, ngành, đoàn thể trên cùng một địa bàn, với vai trò chủ yếu là ngành y tế để chia sẻ thông tin, thúc đẩy truyền thông nhằm tạo được sự đồng thuận cao, sự thống nhất trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 20-NQ/TW, Nghị quyết 21-NQ/TW và các mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; công tác phòng, chống dịch COVID-19.

3. Triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin được quy định tại Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 ngày 06/4/2016 của Quốc hội khóa 13; Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 ngày 12/6/2018 của Quốc hội khóa 14; Nghị định 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, Quyết định số 4445/QĐ-BYT ngày 05/11/2013 của Bộ Y tế về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế, Chỉ thị số 07/CT-BYT ngày 19/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế. Giám sát việc phân công người phát ngôn và triển khai thực hiện quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin y tế tại các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ và kênh thông tin phản hồi giữa các cơ quan quản lý y tế, cơ sở y tế với các cơ quan truyền thông đại chúng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để định hướng thông tin và dư luận; tạo ra sự đồng thuận và quyết tâm của xã hội trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và đặc biệt là công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

5. Đổi mới phương thức truyền thông y tế, sử dụng đồng bộ các loại hình truyền thông với phương châm phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, kết hợp giữa truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên mạng xã hội với truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, chú trọng phát triển các loại hình truyền thông mới có hiệu quả cao (trên nền tảng Internet và mạng điện thoại di động) để lan toả, chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; phổ biến kiến thức, thực hành chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe đến các nhóm đối tượng đích, đến từng người dân.

6. Thực hiện truyền thông nguy cơ với nguyên tắc CHỦ ĐỘNG, MINH BẠCH, ĐỒNG BỘ, KỊP THỜI, CHÍNH XÁC, HIỆU QUẢ trong truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 để thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến tình hình dịch bệnh và các hoạt động ứng phó của Việt Nam, khuyến cáo nhanh chóng, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến tất cả các nhóm đối tượng đích, trên mọi loại hình truyền thông truyền thống và truyền thông hiện đại, trên mạng xã hội; tăng cường truyền thông về vắc xin COVID -19: hiệu quả, tính an toàn, khả năng sản xuất, cung ứng vắc xin COVID-19 của Việt Nam, kế hoạch triển khai tiêm vắc xin tại Việt Nam và các khuyến cáo về vắc xin COVID-19 đến người dân và toàn xã hội; truyền thông về các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam; kêu gọi, huy động sự chủ động, tích cực tham gia của mỗi người dân Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

7. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và phân công nhân lực, bộ phận/đơn vị thực hiện chức năng truyền thông y tế tại Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố. Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện truyền thông nguy cơ, truyền thông GDSK cho cán bộ truyền thông các cấp; tiếp tục đào tạo kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin y tế cho đội ngũ lãnh đạo và nhân viên y tế, chú trọng cán bộ trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

[...]