Công văn 4904/BGDĐT-TTr năm 2014 hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra năm học 2014 - 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 4904/BGDĐT-TTr
Ngày ban hành 10/09/2014
Ngày có hiệu lực 10/09/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Mạnh Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4904/BGDĐT-TTr
V/v Hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra năm học 2014 - 2015

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2014

 

Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo

Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 3008/CT-BGDĐT ngày 18/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2014 - 2015, Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra năm học 2014 - 2015 đối với sở GD&ĐT như sau:

I. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng chống tham nhũng; trong đó tập trung vào Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục (Nghị định số 42), Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT ngày 05/12/2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục (Thông tư số 39).

2. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế Thanh tra sở trên cơ sở Nghị định số 42, đảm bảo số lượng và cơ cấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao; nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục.

3. Đổi mới mạnh mẽ hoạt động thanh tra theo Nghị định số 42, Thông tư số 39, tập trung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; đổi mới thanh tra thi tốt nghiệp trung học phổ thông; tăng cường thanh tra các vấn đề bức xúc trong dư luận, hoạt động giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học theo phân cấp tại Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; xử lý sai phạm (nếu có) kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

4. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

5. Phối hợp giữa thanh tra và kiểm tra; phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động thanh tra; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Công tác kiện toàn tổ chức thanh tra

a) Rà soát, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Sở GD&ĐT theo Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật tiếp công dân và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của các luật trên; Nghị định số 42 và các quy định khác có liên quan;

b) Phối hợp với Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) trình Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phê duyệt biên chế công chức Thanh tra sở đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 42; bổ nhiệm, nâng ngạch các chức danh thanh tra theo quy định; thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong Thanh tra sở theo Thông tư số 1680/2009/TT-TTCP ngày 17/7/2009 của Thanh tra Chính phủ. Hạn chế việc chuyển thanh tra viên khỏi ngạch thanh tra;

c) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục (CTVTT); công nhận và cấp thẻ CTVTT; xây dựng mạng lưới CTVTT đủ tiêu chuẩn theo quy định, đảm bảo chất lượng (không xây dựng cơ cấu CTVTT theo môn học).

2. Hoạt động thanh tra

a) Thanh tra hành chính

Thực hiện theo hướng dẫn của Thanh tra tỉnh, thanh tra hành chính đối với các đơn vị trực thuộc sở theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 42. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như sau:

- Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về giáo dục, pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, tiếp công dân, phòng chống tham nhũng;

- Việc thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, người học;

- Công tác xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất; công tác quản lý tài chính, tài sản; thực hiện các quy định về công khai trong các cơ sở giáo dục.

b) Thanh tra chuyên ngành

Đối tượng thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 42Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 39.

Nội dung thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 42 Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 39.

Trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:

- Thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020;

- Công tác quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non và việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi;

- Việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy chế đào tạo, quy chế tuyển sinh, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục;

- Công tác mua sắm, sử dụng, bảo quản thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông;

- Công tác quản lý dạy thêm học thêm; các khoản thu, chi phục vụ người học trong năm học;

[...]