Công văn 4057/BGDĐT-TTr năm 2016 hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra giáo dục năm học 2016-2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 4057/BGDĐT-TTr |
Ngày ban hành | 18/08/2016 |
Ngày có hiệu lực | 18/08/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Phạm Mạnh Hùng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4057/BGDĐT-TTr |
Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2016 |
Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo
Căn cứ Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục; Căn cứ Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT ngày 05/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra năm học 2016 - 2017 đối với sở GDĐT như sau:
I. NHIỆM VỤ CHUNG
1. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động thanh tra giáo dục theo Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục (Nghị định số 42/2013/NĐ-CP), Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT ngày 05/12/2013 của Bộ trưởng Bộ GDĐT Hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục (Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT), chuyển trọng tâm từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Tăng cường thanh tra đối với cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
2. Rà soát, bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ thanh tra sở, đảm bảo số lượng theo vị trí việc làm, chất lượng đáp ứng nhiệm vụ được giao. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên thanh tra giáo dục (CTVTTGD) theo Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-BGDĐT ngày 20/10/2014 của Bộ GDĐT quy định về CTVTTGD. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra, CTVTTGD, đáp ứng yêu cầu của hoạt động thanh tra.
3. Chuẩn hóa hoạt động thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo theo: Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra (Thông tư số 05/2014/TT-TTCP); Thông tư 06/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ Quy định quy trình tiếp công dân (Thông tư 06/2014/TT-TTCP); Thông tư 07/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ Quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh (Thông tư 07/2014/TT-TTCP); Thông tư 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ Quy định quy trình giải quyết tố cáo (Thông tư 06/2013/TT-TTCP); Thông tư 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ Quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính (Thông tư 07/2013/TT-TTCP) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Quán triệt, bổ sung văn bản hướng dẫn về công tác thanh tra
a) Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2011, Luật tiếp công dân 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và các đối tượng có liên quan tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống, nâng cao trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục.
b) Rà soát các văn bản hướng dẫn về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền. Ban hành văn bản hướng dẫn phòng GDĐT về công tác kiểm tra, hướng dẫn cơ sở giáo dục trực thuộc về công tác kiểm tra nội bộ.
2. Xây dựng Kế hoạch thanh tra
a) Xây dựng Kế hoạch thanh tra theo định hướng đổi mới, nội dung thanh tra gắn với yêu cầu công tác quản lý của ngành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý giáo dục của địa phương. Trong đó, tập trung thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục; việc thực hiện các quy định của tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục; việc triển khai chủ trương đổi mới của ngành; những vấn đề nóng, bức xúc trong dư luận (thực hiện quy chế chuyên môn, dạy thêm học thêm, thu chi tài chính, sử dụng sổ sách, tuyển sinh đầu cấp, liên kết đào tạo, cấp phát văn bằng chứng chỉ ...).
b) Kế hoạch thanh tra cần phân định rõ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành theo quy định tại Nghị định số 42/2013/NĐ-CP và Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT; thanh tra có trọng tâm, trọng Điểm, không dàn trải; có thể thanh tra nhiều nội dung tại một đơn vị hoặc thanh tra một số nội dung tại nhiều đơn vị.
c) Kế hoạch thanh tra thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra và mẫu kèm theo hướng dẫn này. Thực hiện gửi Kế hoạch thanh tra cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định tại Khoản 5 Điều 36 Luật Thanh tra.
3. Tổ chức hoạt động Thanh tra
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 và các văn bản pháp luật về thanh tra có liên quan; cần tập trung những nội dung sau đây:
a) Chuẩn bị thanh tra
- Khi cần thiết, tổ chức thu thập thông tin, tài liệu, tình hình để ban hành quyết định thanh tra sát thực tế.
- Tổ chức đoàn thanh tra và ban hành Quyết định thanh tra: mỗi Đoàn thanh tra bố trí số lượng thành viên phù hợp với nội dung và thời gian thanh tra; trưởng đoàn thanh tra là lãnh đạo Sở GDĐT hoặc lãnh đạo Thanh tra sở (trường hợp thanh tra chuyên ngành các đơn vị thuộc quyền quản lý của UBND cấp huyện thì trưởng đoàn thanh tra có thể là lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở GDĐT, lãnh đạo Phòng GDĐT); thành viên Đoàn thanh tra là thanh tra viên và CTVTTGD có năng lực, trình độ phù hợp với nội dung thanh tra.
- Ban hành Quyết định thanh tra theo Kế hoạch hoặc đột xuất theo Mẫu 04-TTr ban hành kèm theo Thông tư số 05/2014/TT-TTCP.
- Việc xây dựng và phê duyệt Kế hoạch tiến hành thanh tra được thực hiện theo Mẫu 05-TTr ban hành kèm theo Thông tư số 05/2014/TT-TTCP.
b) Tiến hành thanh tra: Bảo đảm thời gian và các bước theo quy định. Chú trọng thực hiện đúng quyền hạn thanh tra, không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.
c) Kết thúc thanh tra: Thực hiện đúng quy định về xây dựng báo cáo và xây dựng kết luận thanh tra. Các cuộc thanh tra phải có Kết luận. Nội dung Kết luận phải đúng pháp luật, phù hợp với thực tế khách quan. Các Kết luận phải kiến nghị cụ thể biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm (nếu có) gây nên; việc chấn chỉnh, xử lý; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có). Kết luận thanh tra thực hiện theo Mẫu 34-TTr ban hành kèm theo Thông tư số 05/2014/TT-TTCP. Căn cứ tính chất từng cuộc thanh tra để thực hiện công khai kết luận thanh tra theo quy định.
4. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra
Giám đốc sở GDĐT giao cho Chánh Thanh tra sở GDĐT chủ trì tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra, bảo đảm các Kết luận thanh tra được thực hiện trong thực tế.
5. Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo
a) Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
b) Tổ chức cập nhật thông tin phản ánh những sai phạm, tiêu cực trong công tác quản lý, công tác dạy và học trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc do Bộ GDĐT chuyển về. Tổ chức xác minh, xử lý và trả lời kịp thời theo thẩm quyền.