Công văn 5703/BGDĐT-TTr năm 2013 về Hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra năm học 2013 - 2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 5703/BGDĐT-TTr |
Ngày ban hành | 20/08/2013 |
Ngày có hiệu lực | 20/08/2013 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Phạm Mạnh Hùng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5703 /BGDĐT-TTr |
Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2013 |
Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo
Căn cứ các văn bản pháp luật về thanh tra và Chỉ thị số 3004/CT-BGDĐT ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013 - 2014, Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) như sau:
I. NHIỆM VỤ CHUNG
1. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng, Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục và các văn bản pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng.
2. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục các cấp.
3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra; tăng cường thanh tra đối với hoạt động giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học theo phân cấp tại Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và các vấn đề bức xúc được nêu tại Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012; xử lý sai phạm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
4. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
5. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động thanh tra; triển khai hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Công tác kiện toàn tổ chức thanh tra
Sở GD&ĐT chủ động triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
a) Rà soát, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Sở GD&ĐT theo Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục và các quy định hiện hành;
b) Phối hợp với Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) trình Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND tỉnh) phê duyệt biên chế công chức Thanh tra Sở đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013; bổ nhiệm chánh thanh tra và phó chánh thanh tra, đề nghị bổ nhiệm thanh tra viên theo quy định; thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong Thanh tra Sở theo Thông tư số 1680/2009/TT-TTCP ngày 17/7/2009 của Thanh tra Chính phủ, khi thật cần thiết mới chuyển thanh tra viên khỏi ngạch thanh tra;
c) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục; cấp giấy chứng nhận cộng tác viên thanh tra giáo dục; xây dựng mạng lưới cộng tác viên thanh tra giáo dục đủ số lượng và chất lượng, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thanh tra.
2. Hoạt động thanh tra
2.1. Thanh tra hành chính
Thực hiện thanh tra hành chính theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 42/2013/NĐ-CP và hướng dẫn của Thanh tra tỉnh.
2.2. Thanh tra chuyên ngành
Thực hiện nội dung thanh tra chuyên ngành quy định tại Điều 14 Nghị định số 42/2013/NĐ-CP, trong đó cần tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:
a) Đối với Giáo dục mầm non
Thanh tra việc thành lập cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; việc chuyển đổi trường mầm non ngoài công lập sang công lập theo quy định tại Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT ngày 08/5/2009; việc thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015; việc xây dựng và công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; việc thực hiện các quy định về điều kiện cần thiết đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khoẻ, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; việc quản lý, sử dụng thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em; việc đánh giá theo chuẩn đối với giáo viên, hiệu trưởng;
b) Đối với Giáo dục phổ thông
Thanh tra việc thực hiện nội dung giáo dục linh hoạt, phù hợp với đối tượng, thực tế địa phương theo hướng dẫn của Bộ; việc triển khai Đề án Tiếng Anh trong giáo dục phổ thông; việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; việc triển khai xây dựng và phát triển trường trung học phổ thông chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dạy học có yếu tố nước ngoài; việc quản lý, sử dụng thiết bị dạy học; quy định về tuyển sinh, quản lý dạy thêm, học thêm, thu chi kinh phí ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh; việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện việc đánh giá theo chuẩn đối với giáo viên, hiệu trưởng; việc xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia;
c) Đối với Giáo dục thường xuyên
Thanh tra việc thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; việc thực hiện các chương trình, nội dung, cấp phát văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; việc xóa mù chữ cho người lớn, dạy học đáp ứng yêu cầu của người học; việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên; đánh giá theo chuẩn giám đốc trung tâm, chuẩn nghề nghiệp giáo viên;
d) Đối với Giáo dục chuyên nghiệp, đại học
Thanh tra việc thực hiện cam kết thành lập trường; mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo, liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài; việc thực hiện quy định công khai chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; việc thực hiện quy định về chỉ tiêu tuyển sinh; việc kiểm định chất lượng giáo dục; việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý tài chính, tài sản, cơ sở vật chất được giao theo quy định của pháp luật; việc thực hiện quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội;
e) Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo