Công văn 481/BHXH-CSXH hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội
Số hiệu | 481/BHXH-CSXH |
Ngày ban hành | 29/01/2013 |
Ngày có hiệu lực | 29/01/2013 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Người ký | Đỗ Thị Xuân Phương |
Lĩnh vực | Bảo hiểm |
BẢO HIỂM XÃ HỘI
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2013 |
Kính gửi: |
Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương; |
Căn cứ Thông tư số 23/2012/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Thông tư số 23/2012/TT-BLĐTBXH) sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và để thống nhất một số nội dung về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 4810/LĐTBXH-BHXH ngày 20/12/2012, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn như sau:
I. Về thực hiện Thông tư số 23/2012/TT-BLĐTBXH
1. Trường hợp người lao động hoặc con dưới bảy tuổi của người lao động khám, chữa bệnh tại nước ngoài thì hồ sơ hưởng chế độ ốm đau gồm sổ BHXH; Giấy khám, chữa bệnh do cơ sở y tế nước ngoài cấp và Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do người sử dụng lao động lập theo mẫu quy định.
2. Trường hợp người lao động đã có thời gian đóng BHXH, sau đó gián đoạn (kể cả đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc) rồi trở lại làm việc mà bị ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ngay trong tháng đầu trở lại làm việc và đóng BHXH thì mức tiền lương, tiền công làm cơ sở tính hưởng chế độ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH của chính tháng đó.
3. Giải quyết hưởng lương hưu
3.1. Xác định thời điểm hưởng lương hưu: Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điểm 9a, 9b Khoản 6 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 9 năm 2008 được sửa đổi tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 23/2012/TT-BLĐTBXH, được hưởng lương hưu theo thời điểm hưởng lương hưu ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập hoặc trong đơn đề nghị của người lao động. Trường hợp thời điểm hưởng lương hưu trong quyết định nghỉ việc hoặc trong đơn đề nghị ghi trước thời điểm người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu (kể cả trường hợp đơn đề nghị của người lao động không ghi thời điểm hưởng lương hưu), thì thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.
Ví dụ 1: Bà K sinh ngày 21/01/1958, có thời gian đóng BHXH là 27 năm, đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định từ ngày 01/02/2013. Nếu thời điểm hưởng lương hưu ghi trong quyết định nghỉ việc (hoặc trong đơn đề nghị) của bà K là ngày 01/5/2013 thì thời điểm hưởng lương hưu của bà K là ngày 01/5/2013; nếu thời điểm hưởng lương hưu ghi trong quyết định nghỉ việc (hoặc trong đơn đề nghị) của bà K là ngày 01/01/2013 thì thời điểm hưởng lương hưu của bà K là ngày 01/02/2013; trường hợp nộp hồ sơ trước thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu mà trong đơn đề nghị của bà K không ghi thời điểm hưởng lương hưu thì giải quyết hưởng lương hưu đối với bà K kể từ ngày 01/02/2013.
Đối với người chấp hành xong hình phạt tù giam, người xuất cảnh trái phép trở về nước định cư hợp pháp, người được Tòa án tuyên bố mất tích trở về đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định thì thời gian chấp hành hình phạt tù giam hoặc thời gian bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc thời gian xuất cảnh trái phép không được hưởng lương hưu.
Ví dụ 2: Ông H sinh ngày 15/4/1952, có thời gian đóng BHXH là 31 năm, đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định từ ngày 01/5/2012; thời điểm hưởng lương hưu ghi trong đơn đề nghị của ông H là ngày 01/5/2012; ngày 24/6/2013, ông H mới nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ hưu trí do phải thi hành án phạt tù giam. Nếu ông H phải thi hành án phạt tù giam từ ngày 20/4/2012 đến ngày 19/4/2013 thì thời điểm hưởng lương hưu đối với ông H trong trường hợp này là ngày 01/5/2013. Nếu ông H phải thi hành án phạt tù giam từ ngày 20/7/2012 đến ngày 19/4/2013 thì thời điểm hưởng lương hưu đối với ông H là ngày 01/5/2012 (các tháng từ tháng 8/2012 đến tháng 4/2013 không được hưởng lương hưu).
3.2. Giải quyết hưởng lương hưu đối với trường hợp nộp hồ sơ chậm
- Trường hợp nộp hồ sơ chậm so với quy định thì có thêm văn bản giải trình của người sử dụng lao động (đối với người lao động đang đóng BHXH bắt buộc) hoặc của người lao động (đối với người tự đóng BHXH bắt buộc, người bảo lưu thời gian đóng BHXH và người đang tham gia BHXH tự nguyện). Nội dung văn bản giải trình cần nêu rõ trong thời gian nộp hồ sơ chậm người lao động cư trú ở đâu, có bị phạt tù giam hoặc xuất cảnh trái phép hoặc bị Tòa án tuyên bố là mất tích không; đồng thời cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung giải trình;
- Trường hợp nộp hồ sơ chậm do người lao động phải thi hành án tù giam hoặc xuất cảnh trái phép hoặc bị Tòa án tuyên bố là mất tích thì cần bổ sung hồ sơ theo quy định tại Khoản 2, Điều 22 Quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 777/QĐ-BHXH ngày 17/5/2010 của BHXH Việt Nam để làm căn cứ xác định thời điểm hưởng lương hưu;
- Lương hưu của người lao động trong thời gian nộp hồ sơ chậm được giải quyết truy lĩnh theo mức quy định của chính sách từng thời kỳ, không bao gồm tiền lãi.
Đối với các trường hợp hồ sơ hưởng lương hưu nộp chậm kể từ ngày 01/12/2012, hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động bổ sung văn bản giải trình về lý do nộp chậm để có đầy đủ hồ sơ làm căn cứ giải quyết chế độ. Trường hợp người lao động nộp hồ sơ chậm so với thời điểm được hưởng lương hưu từ 6 tháng trở lên thì BHXH tỉnh hoặc BHXH huyện (theo phân cấp tiếp nhận hồ sơ) phải tổ chức xác minh làm rõ trong thời gian nộp hồ sơ chậm người lao động có bị phạt tù giam hoặc xuất cảnh trái phép hoặc bị Tòa án tuyên bố là mất tích không để giải quyết chế độ hưu trí theo đúng quy định (trừ trường hợp hồ sơ đã có giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù hoặc quyết định trở về nước định cư hợp pháp hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố là mất tích trở về).
II. Một số nội dung thống nhất thực hiện
1.1. Trường hợp cả người cha và người mẹ cùng tham gia BHXH mà trong cùng khoảng thời gian có từ 02 con trở lên bị ốm đau, nếu cả người cha và người mẹ cùng nghỉ việc để chăm sóc các con ốm đau và giấy tờ khám bệnh của con có ghi tên người cha hoặc người mẹ nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau, thì giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động có tên trong giấy tờ khám bệnh của mỗi con theo quy định của Điều 24 Luật BHXH.
1.2. Lao động nữ bị sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu và người lao động khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì thời gian tính hưởng chế độ BHXH theo số ngày thực tế người lao động nghỉ việc, nhưng không quá số ngày được nghỉ theo quy định của Luật BHXH.
1.3. Trường hợp người lao động sinh con, nhận nuôi con nuôi, khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai từ ngày thứ 15 trở đi của tháng mà tháng đó có đóng BHXH thì bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH tính hưởng trợ cấp thai sản gồm cả tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng đó.
1.4. Thời gian tính hưởng chế độ thai sản của người lao động khi sinh con, nhận nuôi con nuôi được tính kể từ ngày người lao động thực tế nghỉ việc để sinh con theo quy định của Bộ luật Lao động hoặc từ ngày nhận nuôi con nuôi (trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi sau khi người lao động đã nghỉ việc chấm dứt quan hệ lao động thì thời gian tính hưởng kể từ ngày sinh con, nhận nuôi con nuôi).
1.5. Trường hợp có thời gian nghỉ hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm người lao động đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
1.6. Hạ sỹ quan, chiến sỹ hưởng sinh hoạt phí từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2006, chỉ được tính thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chế độ tử tuất; trường hợp chuyển sang đối tượng hưởng lương và đã truy đóng BHXH đủ cho 5 chế độ BHXH trong thời gian là hạ sỹ quan, chiến sỹ thì thời gian này được tính để hưởng cả 5 chế độ BHXH bắt buộc.
1.7. Thời gian công tác trong quân đội thuộc đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 6, Điều 8 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010, nếu được cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi trợ cấp theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội với thời gian giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP để tính hưởng BHXH (theo quy định tại Công văn số 2773/BQP-CT ngày 11/10/2011 của Bộ Quốc phòng).
1.8. Đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng có phụ cấp khu vực hàng tháng mà bị tạm dừng hưởng do chấp hành hình phạt tù giam hoặc do bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc do xuất cảnh trái phép, nay trở về cư trú tại nơi có hộ khẩu thường trú, tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại chính địa bàn đã tạm dừng hưởng trước đó mà địa bàn này vẫn thuộc danh mục hưởng phụ cấp khu vực thì được giải quyết hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bao gồm cả phụ cấp khu vực theo quy định.
2.1. Đối với trường hợp người lao động phải nghỉ việc chăm sóc con ốm đau, cơ sở y tế có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (C65-HD) hoặc giấy tờ khám chữa bệnh mà có ghi đầy đủ thông tin về họ tên của người mẹ hoặc người cha; tên, tuổi của con, số ngày cần nghỉ chăm sóc con thì các giấy tờ này được thay cho Sổ y bạ của con để làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ ốm đau.