Công văn 4718/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2010-2011 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 4718/BGDĐT-GDTrH
Ngày ban hành 11/08/2010
Ngày có hiệu lực 11/08/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 4718/BGDĐT-GDTrH
V/v: Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ  GDTrH năm học 2010-2011

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2010

 

Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo

Căn cứ Chỉ thị của Bộ trư­ởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2010-2011, Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2010-2011 như sau:

A. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Phát huy kết quả 4 năm thực hiện cuộc vận động "Hai không", đưa hoạt động này trở thành hoạt động thường xuyên trong các quan quản lý và các cơ sở giáo dục trung học.

2. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục:

2.1. Tiếp tục tập trung chỉ đạo và thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, dạy học phân hoá trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông; tạo ra sự chuyển biến cơ bản về đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.

2.2. Tổ chức đánh giá một năm triển khai thực hiện chủ trương “Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tỉnh có một chương trình đổi mới phương pháp dạy học” đối với từng cấp học; Xây dựng và nhân rộng mô hình nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá tích cực và hiệu quả ở từng cấp học, từng địa phương.

2.3. Tiếp tục tăng cường kỷ cương, nền nếp trong quản lý dạy học, kiểm tra đánh giá, thi cử. Tăng cường vai trò của các sở GDĐT, phòng GDĐT, trường THCS, THPT trong việc quản lý việc thực hiện chương trình giáo dục, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá.

2.4. Tiếp tục đổi mới phương thức giáo dục đạo đức, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp theo tinh thần lồng ghép và tích hợp; chú trọng giáo dục giá trị, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

3. Triển khai có hiệu quả việc đánh giá cán bộ quản lý các trường học theo chuẩn hiệu trưởng; đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng ở mỗi cấp quản lý và mỗi cơ sở trường học để cán bộ quản lý, giáo viên trung học phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao.

4. Tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2015, tạo sự chuyển biến nhận thức về mục đích phát triển trường chuyên, chuyển biến về kết quả phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu, tạo nguồn bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

B. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua của Ngành

- Các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục trung học tiếp tục triển khai tích cực và hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” theo hướng dẫn tại Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GDĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2010-2011 bằng những nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của cấp học và điều kiện từng địa phương, từng cơ sở trường học với phương châm lồng ghép và tích hợp nội dung, giải pháp các cuộc vận động và các phong trào thi đua nhằm huy động nhiều nguồn lực, nâng cao hiệu quả các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường.

- Tổ chức đánh giá kết quả 4 năm thực hiện cuộc vận động “Hai Không”; đưa hoạt động này thành hoạt động thường xuyên trong các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục trung học.

- Gắn việc thực hiện các cuộc vận động và các phong trào thi đua với việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh tại mỗi cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục trung học, tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét về chất lượng giáo dục trung học.

- Đánh giá kết quả cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử (e-Learning) của giáo viên; tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian và các hội thi năng khiếu văn nghệ, thể dục – thể thao, tin học, ngoại ngữ... Tiếp tục cải tiến công tác tổ chức các cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay, Giải toán trên Internet (Violympic), tổ chức cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên Internet ... theo hướng phát huy sự chủ động và sáng tạo của các địa phương, cơ sở; tăng cường tính giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy học sinh hứng thú học tập, rèn luyện kỹ năng sống, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống và tinh hoa văn hóa thế giới.

- Chủ động phối hợp với chính quyền, đoàn thể và các tổ chức ở địa phương để đảm bảo học sinh được “an toàn đến trường”; chỉ đạo các trường THCS, THPT chủ động xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, củng cố kỷ cương nền nếp, tăng cường giáo dục kỷ luật tích cực, bài trừ các hành vi đối xử không thân thiện trong các cơ sở giáo dục trung học.

- Tiếp tục thí điểm mô hình "Trường trung học cơ sở thân thiện" tại 50 trường THCS của 8 tỉnh, thành phố trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy sự phát triển và tham gia của thanh thiếu niên do Bộ GDĐT phối hợp với UNICEF tổ chức thực hiện, lồng ghép với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

- Tiếp tục phối hợp với các đối tác thực hiện tốt các dự án khác như: Dự án Đối thoại Châu Á - Kết nối lớp học, Dự án Access English

II. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trung học

1. Tổ chức thực hiện tốt chương trình và kế hoạch giáo dục

1.1. Thực hiện Khung phân phối chương trình:

Trên cơ sở Khung phân phối chương trình của Bộ GDĐT ban hành năm học 2009-2010, các địa phương và các cơ sở xây dựng phân phối chương trình chi tiết phù hợp với điều kiện của địa phương, thực hiện trong 37 tuần thực học mỗi năm học đối với trường THCS, THPT công lập với thời gian: học kỳ I: 19 tuần, học kỳ II: 18 tuần. Trong việc thực hiện Khung phân phối chương trình, các Sở GDĐT, Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục trung học cần lưu ý các vấn đề sau đây:

a) Khung phân phối chương trình quy định nội dung dạy học trong từng phần của chương trình. Các Sở GDĐT, phòng GDĐT cụ thể hoá thành chương trình chi tiết; cũng có thể giao việc này cho những trường đủ năng lực chủ động thực hiện trên cơ sở đảm bảo thời gian kết thúc học kì I, kết thúc năm học thống nhất cả nước, có đủ thời lượng dành cho luyện tập, bài tập, ôn tập, thí nghiệm, thực hành và kiểm tra định kì, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, của trường.

Các trường có đủ điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất có thể bố trí dạy học hơn 6 buổi/tuần, với các giải pháp tăng thời gian dạy học các nội dung khó, học sinh tự học có hướng dẫn của giáo viên, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, văn nghệ, thể thao, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi phù hợp từng đối tượng học sinh, không gây “quá tải”; có thể huy động sự hỗ trợ của ngân sách, sự đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh để tăng cường cơ sở vật chất hoặc trả tiền dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng; không được ép buộc học sinh học trên 6 buổi/tuần dưới bất kỳ hình thức nào. Nhà trường quản lý nội dung và chất lượng dạy học trên 6 buổi/tuần; các Sở GDĐT, Phòng GDĐT cần tăng cường theo dõi để rút kinh nghiệm; đồng thời không để xảy ra tình trạng lạm thu trong hoạt động này.

b) Về phân phối chương trình dạy học tự chọn

(1) Môn học tự chọn nâng cao của ban Cơ bản có thể thực hiện bằng 1 trong 2 cách: Sử dụng sách giáo khoa nâng cao hoặc sử dụng sách giáo khoa biên soạn theo chương trình chuẩn kết hợp với chủ đề tự chọn nâng cao của môn học đó. Các Sở GDĐT quy định cụ thể phân phối chương trình các chủ đề tự chọn nâng cao cho phù hợp với mạch kiến thức của sách giáo khoa nâng cao môn học đó. Tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao sử dụng cho cả giáo viên và học sinh.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ