Công văn 4291/UBND-ĐT năm 2024 nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông do Thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 4291/UBND-ĐT |
Ngày ban hành | 19/12/2024 |
Ngày có hiệu lực | 19/12/2024 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Dương Đức Tuấn |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4291/UBND-ĐT |
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2024 |
Kính gửi: |
- Các Sở: Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền
thông, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Y tế; |
Thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 132/CĐ-TTg ngày 12/12/2024 về việc nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (có bản chụp gửi kèm theo), Ủy ban nhân dân Thành phố giao nhiệm vụ như sau:
1. Các Sở, ngành Thành phố có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao:
a) Tập trung hoàn thiện, xây dựng lộ trình cụ thể, chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật được thực hiện thống nhất, đồng bộ từ ngày 01/01/2025.
b) Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: (i) Trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ vi phạm chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giao thông, hoặc không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; (ii) Tổ chức rà soát toàn diện việc triển khai, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao theo nội dung các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chương trình, kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Căn cứ trên kết quả đạt được, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện, đặc biệt tập trung vào các giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao để thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
c) Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào đối tượng lứa tuổi học sinh và các bậc phụ huynh, vận động đến từng gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; nâng cao ý thức, phẩm chất của lực lượng thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.
d) Chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (Công an, Giao thông vận tải, Thuế, Hải quan, ...).
đ) Chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch phòng ngừa tai nạn giao thông và giữ gìn trật tự, an toàn giao thông phục vụ Nhân dân đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025.
2. Công an Thành phố quyết liệt chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương:
a) Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng (như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá khổ, quá tải trọng, “cơi nới” thành thùng xe, ...); đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của xe mô tô kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa thông qua ứng dụng gọi xe trên mạng, xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý ứng dụng kết nối công nghệ khi có nhiều phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các Trung tâm thông tin chỉ huy giao thông và Trung tâm giám sát, điều hành giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống camera giám sát để phát hiện và xử lý vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; phát động phong trào toàn dân lên án, phát hiện và cung cấp tài liệu phản ánh vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông để lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý theo quy định của pháp luật.
b) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đôn đốc, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục; mở các đợt tuần tra kiểm soát theo chuyên đề để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn đối với lứa tuổi học sinh; phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo, chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục để quản lý, răn đe, giáo dục, phòng ngừa sai phạm đối với các em học sinh; nghiên cứu, rà soát, bổ sung các quy định về trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh sử dụng phương tiện xe máy tham gia giao thông an toàn theo quy định của pháp luật.
c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông nghiên cứu phương án tạo các tin nhắn thường xuyên, liên tục đến các thuê bao di động để tuyên truyền việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trong đó tập trung vào các hành vi vi phạm phổ biến và chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Sở Giao thông vận tải:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc đẩy mạnh thực hiện về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với một số công trình hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.
b) Tiếp tục rà soát các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông để đề ra phương án, kế hoạch, lộ trình giải quyết khắc phục. Xem xét, xử lý trách nhiệm các đơn vị đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chậm khắc phục các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” để xảy ra ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
c) Tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe. Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm, kiểm định phương tiện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe và công tác đăng kiểm phương tiện.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo: phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông”. Các nhà trường, cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, chính quyền địa phương, gia đình quản lý chặt chẽ học sinh trong việc chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông.
5. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phối hợp phổ biến, hướng dẫn các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, phòng tránh tai nạn giao thông cho người tham gia giao thông.
b) Chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông nghiên cứu phương án tạo các tin nhắn thường xuyên, liên tục đến các thuê bao di động để tuyên truyền việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trong đó tập trung vào các hành vi vi phạm phổ biến và chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Sở Y tế: chỉ đạo các đơn vị y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư y tế, thuốc men để bảo đảm khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông.
7. Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, UBND các quận, huyện, thị xã: chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, các tổ chức, cá nhân có liên quan đưa nội dung bảo đảm an toàn giao thông vào trong công tác tổ chức các hoạt động du lịch trên địa bàn, đặc biệt là bảo đảm các điều kiện an toàn về phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các địa bàn thu hút khách du lịch, điểm đỗ và trông giữ phương tiện phục vụ khách du lịch.
8. Giao Công an Thành phố:
a) Công bố số điện thoại đường dây nóng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm tiếp nhận, kịp thời xử lý các phản ánh của người dân về tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố trong dịp nghỉ Lễ, Tết trên địa bàn.
b) Chủ trì hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các Sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, tổ chức sơ kết theo chỉ đạo tại các văn bản trên, báo cáo Bộ Công an, UBND Thành phố kết quả thực hiện./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |