Công văn 4235/BXD-QHKT năm 2023 về ý kiến Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000 do Bộ Xây dựng ban hành
Số hiệu | 4235/BXD-QHKT |
Ngày ban hành | 21/09/2023 |
Ngày có hiệu lực | 21/09/2023 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Xây dựng |
Người ký | Trần Thu Hằng |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
BỘ XÂY DỰNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4235/BXD-QHKT |
Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2023 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 1076/UBND-KT ngày 12/8/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn xin ý kiến Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000 (gọi đây gọi tắt là Nhiệm vụ quy hoạch); Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1. Thành phố Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Lạng Sơn tại Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 25/3/2019; căn cứ các quy định (Luật Đô thị năm 2009, Luật số 35 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng) thì Bộ Xây dựng không có trách nhiệm cho ý kiến về Nhiệm vụ quy hoạch trên.
2. Bộ Xây dựng đánh giá cao vị trí, vai trò đặc biệt của thành phố Lạng Sơn nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; cũng như việc đề xuất nghiên cứu phát triển mở rộng thành phố Lạng Sơn nhằm nâng cao vị thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh quốc phòng, phát huy các tiềm năng thế mạnh để Thành phố trở thành một cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng chưa thống nhất việc đề xuất mở rộng thành phố Lạng Sơn trước năm 2030 (lấy toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn) cũng như định hướng thành phố Lạng Sơn là đô thị loại I, trong hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do chưa đủ cơ sở, không đảm bảo tính khả thi. Để cơ sở lập quy hoạch, cũng như đảm bảo tính khả thi của các đề xuất trên, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn cân nhắc, nghiên cứu, có phương án phù hợp; trên cơ sở đánh giá các nội dung sau:
- Sự phù hợp với Quy hoạch hành chính lãnh thổ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đảm bảo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; đồng thời tuân thủ các quy định Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; đảm bảo tạo lập không gian phát triển kinh tế - xã hội mới cho các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
- Hiện nay thành phố Lạng Sơn đã được công nhận là đô thị loại II (trong đó 08 tiêu chuẩn chưa đạt tối thiểu); vì vậy, khi mở rộng đô thị trên cần xem xét, đánh giá về phân loại đô thị (đối với đô thị hiện hữu và khu vực dự kiến mở rộng), đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn về phân loại đô thị, theo quy định tại Nghị quyết số 26/2022/NQ-UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.
Đối với đề xuất sáp nhập huyện Cao Lộc về thành phố Lạng Sơn, để có cơ sáp nhập trên, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đánh giá đảm bảo tuân thủ quy định tại khoản 17 Điều 1 Nghị quyết số 27/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; sửa đổi, bổ sung Điều 31 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, trong đó quy định rõ: “Trường hợp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của từ 02 đơn vị hành chính trở lên thành 01 đơn vị hành chính đô thị cùng cấp thì đơn vị hành chính đô thị sau khi nhập, thành lập phải đạt tiêu chuẩn về loại đô thị (đối với thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thị trấn),.... ”; đồng thời phải đảm bảo theo yêu cầu của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ: Đến năm 2025 đảm bảo 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục - đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.
- Việc nghiên cứu, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cần có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; vì vậy, cần có báo cáo tác động xã hội khi thực hiện sáp nhập (đặc biệt huyện Cao Lộc có diện tích lớn, địa hình núi cao, các đơn vị hành chính cấp xã chủ yếu là vùng nông thôn; 09 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn sẽ không được áp dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các khu vực miền núi, khu vực khó khăn...); đồng thời đánh giá tiềm năng thế mạnh, nguồn lực phát triển thành phố Lạng Sơn sau khi sáp nhập (phân tích làm rõ các kết nối vùng, quỹ đất xây dựng đô thị, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị) để có cơ sở nghiên cứu quy hoạch đô thị mới cũng như các tác động đến quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về Quy hoạch đô thị, Quy hoạch xây dựng và quy chuẩn quy hoạch hiện hành (dân số, đất đai...).
Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |