Công văn 421/LĐTBXH-PC năm 2019 báo cáo công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 421/LĐTBXH-PC |
Ngày ban hành | 22/01/2019 |
Ngày có hiệu lực | 22/01/2019 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Hà Đình Bốn |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 421/LĐTBXH-PC |
Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2019 |
Kính gửi: Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật)
Thực hiện yêu cầu của Bộ Tư pháp tại Công văn số 02/KTrVB-VP ngày 02/01/2019 về việc báo cáo công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo như sau:
I. CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Về công tác chỉ đạo, điều hành
Thực hiện quy định của Chính phủ về kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, trong những năm qua, Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội, cụ thể như sau:
- Về xây dựng thể chế:
Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cùng các Thông tư hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, kinh phí.
- Tổ chức - biên chế: trong những năm qua, tổ chức và số lượng cán bộ, công chức tại Vụ Pháp chế và tổ chức pháp chế tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ dần được bổ sung, kiện toàn, từng bước đi vào nề nếp và hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên biên chế chuyên trách làm công tác này vẫn chưa có mà chủ yếu là cán bộ làm kiêm nhiệm. Trên cơ sở Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước; Nghị định số 14/2016/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Quyết định số 1676/QĐ-LĐTBXH ngày 24/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế cũng như bảo đảm công tác xây dựng ban hành văn bản nói chung, công tác kiểm tra, xử lý văn bản đạt hiệu quả và chất lượng tốt.
- Kinh phí: thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 8 năm 2011 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật bước đầu đã góp phần tháo gỡ kịp thời một số khó khăn và tạo cơ chế tài chính cho công tác kiểm tra văn bản được thuận lợi. Tuy nhiên, các năm gần đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không bố trí kinh phí riêng hỗ trợ cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật nên cũng khó khăn trong việc triển khai ở tất cả các khâu của quá trình kiểm tra.
- Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: luôn được Bộ quan tâm tổ chức để bảo đảm phổ biến, quán triệt các quy định mới của pháp luật về xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tới tất cả các cán bộ, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hạn chế trình trạng sai sót, vi phạm khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Thống kê và đánh giá kết quả kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật
Hàng năm, Bộ đều có Kế hoạch kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội gồm công tác tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành, liên tịch ban hành; kiểm tra, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành (Quyết định số 2019/QĐ-LĐTBXH ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2018 và Quyết định số 596/QĐ-LĐTBXH ngày 21/5/2018 về việc kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra công tác theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại các đơn vị năm 2018).
Kết quả, năm 2018 Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã tổ chức kiểm tra hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì ban hành hoặc liên tịch ban hành và văn bản hành chính do các đơn vị ban hành đang còn hiệu lực với tổng số là 334 văn bản (trong đó đoàn kiểm tra do Bộ thành lập kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị 163 văn bản và các đơn vị tự tổ chức kiểm tra 151 văn bản, kiểm tra theo thẩm quyền 20 văn bản). Kết quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản cho thấy về cơ bản các văn bản đều bảo đảm tuân thủ đúng quy trình, thủ tục trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội ban hành đều được gửi về Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành theo đúng quy định của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP và Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng cho thấy năm 2017 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có 04 văn bản có nội dung chưa phù hợp với các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn[1]. Ngay sau khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, trong năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp tiến hành xử lý nội dung trái pháp luật của các văn bản nêu trên và đã có Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý văn bản theo chỉ đạo của Chính phủ[2].
II. CÔNG TÁC RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NĂM 2018
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 377/LĐTBXH-PC ngày 18/01/2019 về việc báo cáo kết quả công tác rà, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 (gửi kèm theo).
III. MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT, KIẾN NGHỊ
1. Được sự quan tâm, thường xuyên chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức trong các tổ chức pháp chế thuộc Bộ; sự nhận thức đúng đắn, tích cực thực hiện của các đơn vị thuộc Bộ trong công tác pháp chế và sự hỗ trợ, phối hợp kịp thời các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội luôn được quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, chính vì vậy, công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong thời gian qua đã có bước chuyển biến rõ rệt trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về lao động, người có công và xã hội. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cơ bản hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và có sự thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Kết quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản cho thấy về cơ bản các văn bản đều bảo đảm tuân thủ đúng quy trình, thủ tục trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội ban hành đều được gửi về Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành theo đúng quy định của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP và Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong công tác này.
2. Kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động mang tính đầu tư sâu, tuy nhiên biên chế cán bộ làm công tác pháp chế còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm, cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm tra chưa đầy đủ; kinh phí thực hiện nhiệm vụ từ nguồn ngân sách chi thường xuyên không có, công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra văn bản còn chưa thường xuyên, kịp thời so với thực tiễn ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay ... là một trong những trở ngại của công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
3. Để bảo đảm công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đạt hiệu quả cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có một số kiến nghị sau:
- Đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm có hiệu quả giữa các Bộ, ngành về công tác này để thực hiện tốt hơn công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức pháp chế tại Bộ và cán bộ làm công tác pháp chế tại các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nhằm nâng cao công tác kiểm tra, xử lý văn bản từ trung ương đến địa phương.
- Hỗ trợ kinh phí cho công tác xây dựng, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính hiệu quả.
- Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp để kịp thời phát hiện những nội dung chưa phù hợp và biện pháp xử lý trong quá trình kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Trên đây là báo cáo về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, xây dựng Báo cáo trình Chính phủ./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |