Công văn 4164/UBND-CN hướng dẫn lập và quản lý chi phí xây dựng, điều chỉnh dự toán xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân Tiền Giang ban hành

Số hiệu 4164/UBND-CN
Ngày ban hành 01/09/2010
Ngày có hiệu lực 01/09/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Phòng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 4164/UBND-CN
V/v hướng dẫn lập và quản lý chi phí xây dựng, điều chỉnh dự toán xây dựng công trình

Mỹ Tho, ngày 01 tháng 9 năm 2010

 

 Kính gửi:

- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công.

 

Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Công văn số 920/BXD-KTXD ngày 25/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh dự toán xây dựng công trình theo mức lương tối thiểu mới từ 01/01/2010;
Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, điều chỉnh dự toán xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước theo mức lương tối thiểu mới từ 01/01/2010 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo văn bản này bao gồm: tổng mức đầu tư xây dựng công trình (gọi tắt là tổng mức đầu tư), dự toán xây dựng công trình (gọi tắt là dự toán công trình), định mức xây dựng và giá xây dựng công trình của các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là vốn ODA), vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh và vốn đầu tư khác của nhà nước.

2. Đối với dự án sử dụng vốn ODA, nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có những quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình khác với quy định của văn bản này thì thực hiện theo các quy định tại điều ước quốc tế đó.

3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thanh toán vốn đầu tư xây dựng công trình của các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.

4. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của các dự án sử dụng ít hơn 30% vốn nhà nước áp dụng theo văn bản này.

5. Việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình bao gồm: tổng mức đầu tư, dự toán công trình, định mức xây dựng và giá xây dựng công trình đều phải tuân thủ các điều khoản quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (gọi tắt là Nghị định số 112/2009/NĐ-CP) và Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (gọi tắt là Thông tư số 04/2010/TT-BXD).

II. LẬP TỔNG MỨC ĐẦU TƯ

1. Tổng mức đầu tư là chi phí dự tính để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, được tính toán và xác định trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình phù hợp với nội dung dự án và thiết kế cơ sở; đối với trường hợp chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, tổng mức đầu tư đồng thời là dự toán xây dựng công trình được xác định phù hợp với nội dung báo cáo kinh tế - kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công.

2. Tổng mức đầu tư là một trong những cơ sở để đánh giá hiệu quả kinh tế và lựa chọn phương án đầu tư; là cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình.

3. Nội dung các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư, phương pháp lập tổng mức đầu tư được quy định tại Điều 4, Điều 5 và được hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục số 1 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD.

4. Khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đối với các trường hợp không phải lập dự án, chủ đầu tư phải xác định tổng mức đầu tư để tính toán hiệu quả đầu tư xây dựng. Tổng mức đầu tư được ghi trong quyết định đầu tư do người quyết định đầu tư phê duyệt là chi phí tối đa mà chủ đầu tư được phép sử dụng để đầu tư xây dựng công trình và là cơ sở lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình.

5. Nội dung, thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư quy định tại Điều 6 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP.

Người quyết định đầu tư giao cho đơn vị đầu mối tổ chức thẩm định tổng mức đầu tư trước khi phê duyệt.

6. Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để thẩm tra tổng mức đầu tư thì nội dung thẩm tra như nội dung thẩm định; chi phí thẩm tra được xác định trên cơ sở định mức chi phí tỷ lệ hoặc bằng cách lập dự toán theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

7. Kết quả thẩm định hoặc thẩm tra tổng mức đầu tư theo hướng dẫn tại Phụ lục số 7 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD.

8. Tổng mức đầu tư được điều chỉnh đối với một trong các trường hợp sau đây:

- Ảnh hưởng của động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hỏa hoạn, địch họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác;

- Xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án;

- Khi quy hoạch xây dựng thay đổi trực tiếp ảnh hưởng đến địa điểm, quy mô, mục tiêu của dự án;

- Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

9. Nội dung, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh được quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 7 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP.

Trường hợp khi thay đổi cơ cấu các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư, kể cả sử dụng chi phí dự phòng để điều chỉnh mà không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư được quyền quyết định việc điều chỉnh; trường hợp vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

10. Tổng mức đầu tư điều chỉnh được xác định bằng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt cộng (hoặc trừ) phần tổng mức đầu tư bổ sung. Giá trị phần tổng mức đầu tư bổ sung được xác định thành một khoản chi phí riêng và phải được tổ chức thẩm định hoặc thẩm tra trước khi quyết định phê duyệt.

III. LẬP DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Dự toán công trình được tính toán và xác định theo công trình xây dựng cụ thể, trên cơ sở khối lượng các công việc, thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, nhiệm vụ công việc phải thực hiện của công trình, hạng mục công trình và hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng công trình.

[...]