Công văn 412/BGTVT-VT năm 2017 giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu | 412/BGTVT-VT |
Ngày ban hành | 12/01/2017 |
Ngày có hiệu lực | 12/01/2017 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giao thông vận tải |
Người ký | Lê Đình Thọ |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 412/BGTVT-VT |
Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2017 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận được Công văn số 10876/VPCP-ĐMDN ngày 14/12/2016, Công văn số 11463/VPCP-ĐMDN ngày 31/12/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh (sao gửi kèm Văn bản số 263/KN-HHVT ngày 06/12/2016 của Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh), Bộ GTVT đã giải quyết kiến nghị như sau:
1. Đối với nội dung kiến nghị về xử phạt quá tải trọng trục xe theo quy định của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP
Vấn đề này, Bộ GTVT cũng đã nhận được Văn bản số 106/HHVT-TV ngày 05/12/2016 của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về xử phạt quá tải trọng trục xe theo quy định của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
Ngày 23/12/2016, Bộ GTVT đã có Văn bản số 15393/BGTVT-ATGT gửi Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, các Hiệp Hội Vận tải hàng hóa: thành phố Hồ Chí Minh, đường bộ Hải Phòng để trả lời nội dung kiến nghị nêu trên (Công văn số 15393/BGTVT-ATGT gửi kèm theo Công văn này).
2. Đối với nội dung kiến nghị về phí sử dụng đường bộ (bảo trì đường bộ)
Bộ GTVT đã có Văn bản số 15790/BGTVT-VT gửi xin ý kiến của Bộ Tài chính để trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh đối với nội dung liên quan. Ngày 28/12/2016, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 18586/BTC-CST gửi Bộ GTVT trả lời về kiến nghị của Hiệp hội vận tải thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản số 18586/BTC-CST gửi kèm theo Công văn này).
3. Đối với nội dung kiến nghị về phí sử dụng đường bộ BOT
3.1. Về khoảng cách các trạm thu phí:
Tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2014 nêu rõ:
“2. Trạm thu phí phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định, cụ thể:
a) Đối với đường quốc lộ, phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và có quyết định thành lập trạm thu phí của Bộ trưởng Bộ GTVT;
b) Đối với đường địa phương, phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Văn bản ban hành quy hoạch mạng lưới trạm thu phí đường địa phương và quyết định thành lập trạm thu phí của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đồng thời gửi cho Bộ Tài chính và Bộ GTVT chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày ban hành.
Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ GTVT thống nhất ý kiến với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với đường quốc lộ), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định (đối với đường địa phương).”
- Trong quá trình lập và phê duyệt dự án BOT, Bộ GTVT đều có văn bản thỏa thuận với Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, các Bộ có liên quan về hình thức đầu tư dự án BOT và được UBND cấp tỉnh và Bộ có liên quan thỏa thuận bằng văn bản. Trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở điều kiện địa hình thực tế từng dự án, Bộ GTVT yêu cầu Nhà đầu tư chỉ đạo Tư vấn kiểm tra khảo sát kỹ hiện trường để lựa chọn vị trí trạm thu phí phù hợp trên cơ sở đó Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính thống nhất bằng văn bản trước khi xây dựng trạm thu phí theo đúng quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí áp dụng riêng cho từng trạm thu phí BOT, trên cơ sở Thông tư của Bộ Tài chính, nhà đầu tư tổ chức thực hiện.
- Mặt khác cũng theo quy định tại số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính thì không yêu cầu phải có quy hoạch trạm thu phí thì mới được thành lập trạm thu phí. Thông tư chỉ yêu cầu trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường, gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Về nội dung này, các dự án đầu tư BOT cầu, đường bộ do Bộ GTVT triển khai thực hiện trong thời gian qua đều nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ được phê duyệt; các dự án đầu tư đều được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức triển khai thực hiện. Việc tiến hành nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ trên phạm vi toàn quốc là phù hợp và đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể các trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ và cao tốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Văn bản số 9921/BGTVT-ĐTCT ngày 30/7/2016, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, phê duyệt quy hoạch.
Tất cả các trạm thu phí hiện nay, Bộ GTVT đều thực hiện theo đúng quy định nêu trên.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, điều chỉnh vị trí, xóa bỏ, giảm phí đường bộ đối với các trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ để đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đường. Hiện nay, trên hệ thống quốc lộ có một số trạm có khoảng cách < 70km chủ yếu thu phí cho các cho công trình đặc thù như cầu lớn, hầm đường.
3.2. Các thông tin về tổng mức đầu tư công trình, thời gian thu phí, cách tính thu thế nào từ từng dự án chưa được công khai minh bạch gây thắc mắc trong doanh nghiệp và nhân dân:
Bộ GTVT đã khai trương Cổng thông tin điện tử (website) về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do Bộ GTVT quản lý tại địa chỉ http://ppp.mt.gov.vn, trong đó có đầy đủ thông tin các dự án như tổng mức đầu tư công trình, thời gian thu phí, cách tính thu của từng dự án... được công khai minh bạch, không có việc hạn chế thông tin về các nội dung này. Bộ GTVT và Bộ Tài chính luôn công khai các thông tin (nêu trên) trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và trên hệ thống trang thông tin điện tử của Bộ. Ngoài ra, Bộ GTVT thường xuyên chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án BOT cũng như các cơ quan đơn vị có liên quan công khai minh bạch các thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và trên hệ thống trang thông tin điện tử, công khai tại phạm vi dự án và trạm thu phí của dự án... để nhân dân cả nước biết, giám sát thực hiện.
3.3. Về việc bán vé tháng, vé quý:
Theo quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, Nhà đầu tư phải tổ chức bán vé tháng, vé quý rộng rãi cho mọi đối tượng có nhu cầu. Vé tháng, vé quý bán theo loại phương tiện tương ứng với mệnh giá ghi trên vé, và có ghi rõ thời hạn sử dụng, biển số phương tiện.
- Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN thường xuyên có các văn bản đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh, kiểm tra và yêu cầu các Nhà đầu tư bán kịp thời đầy đủ các loại vé (vé lượt, vé tháng, vé quý) theo quy định và yêu cầu của người mua (văn bản số 13679/BGTVT-TC ngày 14/10/2015; văn bản số 16219/BGTVT-TC ngày 07/12/2015…)
- Để khắc phục hạn chế trong việc vé tháng, vé quý sử dụng không đủ thời hạn hoặc chỉ sử dụng được trong thời hạn tháng và năm dương lịch như quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính trước đây. Khi triển khai thực hiện Luật phí và lệ phí năm 2015, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý. Theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT đã và sẽ khắc phục các hạn chế nêu trên, cụ thể:
+ Vé tháng được phát hành theo thời hạn 30 ngày kể từ ngày có giá trị sử dụng và được in sẵn mệnh giá theo mức thu tháng quy định tương ứng với từng phương tiện. Mệnh giá vé tháng bằng 30 (ba mươi) lần mệnh giá vé lượt. Vé tháng dùng để thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông qua trạm trong thời hạn cụ thể ghi trên vé kể từ ngày có giá trị sử dụng vé đến ngày kết thúc theo thời hạn cụ thể ghi trên vé;
+ Vé quý được phát hành theo thời hạn 90 ngày kể từ ngày có giá trị sử dụng và được in mệnh giá theo mức thu quý quy định tương ứng với từng phương tiện. Mệnh giá vé quý bằng 3 (ba) lần mệnh giá vé tháng và chiết khấu 10%. Vé quý dùng để thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông qua trạm trong thời hạn cụ thể ghi trên vé kể từ ngày có giá trị sử dụng vé quý đến ngày kết thúc theo thời hạn cụ thể ghi trên vé.”
- Ngoài ra, tại Thông tư này, Bộ GTVT cũng đã giao trách nhiệm cho từng đơn vị, cụ thể:
+ Tổng cục ĐBVN có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các đơn vị thu và báo cáo Bộ GTVT theo đúng quy định của pháp luật.