Công văn 15393/BGTVT-ATGT năm 2016 trả lời ý kiến, kiến nghị của Hiệp hội vận tải ô tô do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu | 15393/BGTVT-ATGT |
Ngày ban hành | 23/12/2016 |
Ngày có hiệu lực | 23/12/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giao thông vận tải |
Người ký | Lê Đình Thọ |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải |
BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15393/BGTVT-ATGT |
Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2016 |
Kính gửi: |
- Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam; |
Bộ Giao thông vận tải nhận được các ý kiến, kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (văn bản số 106/HHVT-TV ngày 05 tháng 12 năm 2016), Hiệp hội vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh (văn bản số 256/KN-HHVT ngày 29 tháng 11 năm 2016), Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng tại văn bản ngày 30 tháng 11 năm 2016 về việc "đề nghị các cơ quan chức năng xem xét tạm ngừng hiệu lực của việc xử phạt hành vi chở hàng vượt quá tải trọng trục xe tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP".
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải xin được trả lời như sau:
1. Về sự cần thiết phải kiểm soát tải trọng trục xe
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, mạng lưới đường bộ nước ta đã được đầu tư, phát triển vượt bậc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng của quốc gia; khi các công trình đường bộ hoàn thành đưa vào khai thác, công tác bảo đảm an toàn giao thông, duy trì tuổi thọ công trình đường bộ là một yêu cầu cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn rất khó khăn.
Theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành, kết cấu áo đường được thiết kế theo tải trọng trục xe tính toán tiêu chuẩn; do đó, khi tuyến đường bị khai thác với tải trọng trục xe thực tế cao hơn tải trọng trục xe tính toán tiêu chuẩn là một trong những nguyên nhân chính gây ra hư hỏng áo đường và gây mất an toàn giao thông; vì vậy, để bảo đảm an toàn giao thông trong khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và duy trì tuổi thọ công trình đường bộ, việc triển khai kiểm soát tải trọng trục xe là cần thiết, phù hợp với các cơ sở khoa học và quy định hiện hành.
2. Các quy định của pháp luật liên quan đến kiểm soát tải trọng trục xe
Hiện nay, các quy định về quản lý, kiểm soát tải trọng trục xe đã được các cơ quan chức năng ban hành đầy đủ, cụ thể:
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định: người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và công bố về tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ (tại khoản 1 và khoản 3 Điều 28);
Thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và công bố về tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ tại các Thông tư trước đây và hiện nay là Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07 tháng 09 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Liên quan đến các quy định xử lý hành vi vi phạm về tải trọng trục xe, tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trước đây và hiện nay là Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã mô tả chi tiết và quy định cụ thể mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về tải trọng trục xe (tại điểm d khoản 3, khoản 4, khoản 5, điểm a khoản 6 Điều 33 của Nghị định). Trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, các quy định này cũng đã được Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời nhận được sự thống nhất về phương án triển khai thực hiện như trong Nghị định đã quy định.
Ngoài ra, để chỉ dẫn cho người tham gia giao thông biết và thực hiện các quy định về tải trọng trục xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN41:2016/BGTVT) đã có mã biển số P.116 "hạn chế tải trọng trên trục xe" và hướng dẫn vị trí cắm cụ thể biển này trên hệ thống đường bộ.
3. Công tác tháo gỡ khó khăn về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải
Trong thời gian vừa qua để tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện tốt mục tiêu về kiểm soát tải trọng xe, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo và kiến nghị Chính phủ sửa đổi nội dung quy định vị xử phạt đối với hành vi “điều khiển xe ô tô mà tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường” từ mức quá 10% đã bị xử phạt (quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP) nâng lên mức vượt quá trên 20% mới bị xử phạt và cho phép kéo dài lộ trình bắt đầu thực hiện việc xử phạt đối với hành vi vi phạm này kể từ ngày 01/01/2017 (quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP); đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cho phép cải tạo điều chỉnh vị trí chốt kéo, trục, cụm trục của sơ mi rơ moóc để tăng khối lượng toàn bộ, khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông mà vẫn bảo đảm quy định về tải trọng trục xe (tại văn bản số 16360/BGTVT-VT ngày 22/12/2014 và văn bản số 2066/BGTVT-KHCN ngày 29/02/2016).
Trên cơ sở các nội dung nêu trên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng phối hợp tuyên truyền, giải thích và vận động hội viên, doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về kiểm soát tải trọng xe./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |