Công văn 3928/BNN-TY quản lý, giám sát sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 3928/BNN-TY |
Ngày ban hành | 14/11/2012 |
Ngày có hiệu lực | 14/11/2012 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Diệp Kỉnh Tần |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3928/BNN-TY |
Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2012 |
Kính gửi: Bộ Tài chính.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1152/TTg-KTTH ngày 07/7/2010 về việc tăng cường quản lý sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu (Công văn số 1152), Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 4058/TCHQ-GSQL ngày 22/7/2010 về việc triển khai thực hiện Công văn số 1152, trong đó chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu chỉ thông qua hàng hóa khi đã có kết quả được nhập khẩu của cơ quan kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan tăng cường quản lý, giám sát đối với sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu.
Việc triển khai thực hiện Công văn số 1152 đã đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo hàng hóa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam và thuận tiện cho việc xử lý đối với các lô hàng không đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Trong năm 2011, 2012 đã xử lý 14 vụ với 328 tấn sản phẩm đông lạnh các loại không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y an toàn thực phẩm (12 vụ buộc tái xuất, 02 vụ chuyển làm thức ăn cho cá sấu). Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã có một số khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu, cụ thể như sau:
- Việt Nam chưa có hệ thống kho lạnh tại các khu vực cảng, cửa khẩu dẫn tới việc bảo quản hàng hóa tại cảng, cửa khẩu gặp nhiều khó khăn và gây tốn kém cho doanh nghiệp do tăng chi phí Công-ten-nơ, lưu bãi tại cảng;
- Hệ thống cơ sở hạ tầng tại các cảng, cửa khẩu chưa đảm bảo, khi lượng lớn hàng sản phẩm động vật đông lạnh tập trung nhập về cảng với số lượng lớn sẽ không đáp ứng được yêu cầu vận hành hệ thống bảo quản (các Công-ten-nơ lạnh phải cắm điện luân phiên) gây nguy cơ hư hỏng hàng hóa;
Tại cuộc họp ngày 24/8/2012 với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam có kiến nghị cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thủy sản đông lạnh được đưa hàng về kho của doanh nghiệp để làm thủ tục kiểm dịch.
Trên cơ sở các văn bản pháp quy về thông quan hàng hóa hải quan và kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản, để hạn chế hàng hóa tồn đọng tại các cảng, giảm chi phí cho các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thủy sản, đáp ứng kịp thời nguyên liệu sản phẩm thủy sản cho việc chế biến sản phẩm thủy sản xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính như sau:
1. Cho phép các doanh nghiệp đưa hàng sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu về kho bảo quản của doanh nghiệp (kho bảo quản đủ điều kiện vệ sinh thú y và được cơ quan thú y kiểm soát trong quá trình lưu giữ, bảo quản) để thực hiện việc kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành;
Trường hợp kiểm tra thực trạng hàng hóa tại cảng, cửa khẩu phát hiện lô hàng sản phẩm thủy sản nhập khẩu có dấu hiệu không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm thì bắt buộc phải lưu giữ lô hàng tại cảng, cửa khẩu để thực hiện kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm. Lô hàng chỉ được phép thông quan sau khi có kết quả kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu.
2. Xử lý nghiêm các trường hợp hàng hóa không đạt yêu cầu về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm; tự ý đưa hàng hóa ra lưu thông, sử dụng khi chưa có giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu.
Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý, giám sát sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |