Công văn 3825/BGDĐT-PC năm 2021 hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2021-2022 về công tác pháp chế do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 3825/BGDĐT-PC
Ngày ban hành 06/09/2021
Ngày có hiệu lực 06/09/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Văn Phúc
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3825/BGDĐT-PC
V/v hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 về công tác pháp chế

Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo1;
- Các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm.

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP); Công văn số 3878/BGDĐT-PC ngày 24/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức làm công tác pháp chế trong các cơ sở giáo dục đại học (Công văn số 3878/BGDĐT-PC) và Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 về công tác pháp chế như sau:

I. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế, đội ngũ người làm công tác pháp chế và thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo) và Công văn số 3878/BGDĐT-PC (đối với các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm).

2. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đặc biệt là các văn bản dưới luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GDĐT). Bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và yêu cầu của thực tiễn để xác định các lĩnh vực cần ưu tiên trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.

3. Chủ động rà soát VBQPPL luật theo từng chuyên đề để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, kịp thời xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không còn phù hợp với các văn bản cấp trên và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thiết lập hệ thống pháp luật về giáo dục đồng bộ, hiệu quả.

4. Đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về giáo dục của địa phương, sở, trường để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật.

5. Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; xác định giáo dục pháp luật là tiền đề mang tính quyết định đến việc hình thành và nâng cao ý thức pháp luật cho mọi người, là một trong những biện pháp cơ bản có ý nghĩa chiến lược nhằm bồi dưỡng, xây dựng, hình thành nhân cách con người mới.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo

Các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, đồng thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

a) Kiện toàn tổ chức pháp chế:

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức pháp chế tại đơn vị theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và Công văn số 5592/VPCP-TCCV ngày 17/7/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức và hoạt động của phòng pháp chế tại cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng công tác pháp chế nhằm nâng cao chất lượng và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ người làm công tác pháp chế tại địa phương;

- Cử người làm công tác pháp chế tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp và các Bộ, ngành tổ chức.

b) Về công tác xây dựng VBQPPL:

- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng VBQPPL; chủ trì soạn thảo hoặc cử người tham gia soạn thảo các VBQPPL của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh liên quan đến lĩnh vực giáo dục ở địa phương;

- Tham gia góp ý đầy đủ, có chất lượng đối với các dự thảo VBQPPL liên quan đến giáo dục do các cơ quan, đơn vị khác soạn thảo theo quy định của pháp luật về ban hành VBQPPL.

c) Về công tác kiểm tra, xử lý; rà soát, hệ thống hóa VBQPPL:

- Phối hợp với Sở Tư pháp giúp HĐND, UBND cấp tỉnh trong công tác tự kiểm tra, xử lý VBQPPL trong lĩnh vực giáo dục do HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành;

- Thực hiện tự kiểm tra, xử lý văn bản cá biệt có chứa quy phạm pháp luật do Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành;

- Chủ động và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trong lĩnh vực giáo dục nhằm phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với các văn bản cấp trên và tình hình phát triển kinh tế - xã hội để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ văn bản; nhằm thiết lập hệ thống pháp luật về giáo dục đồng bộ, hiệu quả;

- Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả kiểm tra, xử lý VBQPPL có liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

d) Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật:

- Thực hiện tổng kết Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” từ năm 2009 đến 2013 và từ 2013 đến 20162, được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài từ 2017 đến 2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 (Quyết định số 705/QĐ-TTg); Quyết định số 3957/QĐ-BGDĐT ngày 28/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021 (Quyết định số 3957/QĐ-BGDĐT);

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 159/KH-BGDĐT ngày 01/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021 của ngành giáo dục (Quyết định số 159/KH-BGDĐT); tổ chức phổ biến kịp thời, thường xuyên chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo và các quy định pháp luật phù hợp với từng đối tượng thuộc phạm vi quản lý;

- Chỉ đạo giáo viên bộ môn chú ý lồng ghép giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua bài giảng một cách hợp lý, phối hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, gắn việc giảng dạy và học tập pháp luật với rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nhằm củng cố kiến thức pháp luật đã học trong chương trình, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tìm hiểu kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật trong xử lý tình huống thực tế;

- Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người học; tăng cường sự phối hợp giữa ngành giáo dục, ngành tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

[...]