Công văn 3774/BKHĐT-PTDN năm 2013 tình hình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2012 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Số hiệu | 3774/BKHĐT-PTDN |
Ngày ban hành | 06/06/2013 |
Ngày có hiệu lực | 06/06/2013 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Người ký | Đặng Huy Đông |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương |
BỘ KẾ HOẠCH VÀ
ĐẦU TƯ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3774/BKHĐT-PTDN |
Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2013 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân Tỉnh Lạng Sơn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 738/BKHĐT-PTDN ngày 30/01/2013 gửi các Bộ, Hiệp hội trung ương và công văn số 1437/BKHĐT-PTDN ngày 06/3/2013 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị báo cáo tình hình thực hiện trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2012.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 7 Bộ, 16 Hiệp hội và 55 địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Báo cáo tóm tắt Tình hình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV năm 2012.
Để có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, đồng thời triển khai các hoạt động đào tạo trong năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin gửi Quý cơ quan được biết và đẩy mạnh triển khai thực hiện trong năm 2013./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
BÁO CÁO
TÓM TẮT TÌNH HÌNH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGUỒN NHÂN LỰC CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA NĂM 2012
I. Tình hình chung về triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV năm 2012.
Ngày 30/6/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn xây dựng kế hoạch trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV, chủ yếu tập trung vào quản trị doanh nghiệp (khoản 1, Điều 13). Nhiệm vụ nêu trên cũng đã được cụ thể hóa và khẳng định tại Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 -2015 (Nhóm giải pháp 4: Phát triển nguồn nhân lực, chú trọng nâng cao năng lực quản trị cho các DNNVV).
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 31/3/2011 hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch 05). Trên cơ sở này, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV đã được triển khai tập trung vào hai tháng cuối năm 2011.
Năm 2012 là năm thứ hai triển khai hoạt động, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05, tập trung vào các hoạt động: (i) Xây dựng, biên soạn, bổ sung, in ấn tài liệu cơ bản và các tài liệu chuyên sâu về đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV; (ii) Khảo sát, đánh giá nhu cầu, đánh giá tác động hoạt động trợ giúp đào tạo và (iii) Tổ chức các khóa đào tạo cho các DNNVV. Tổng kinh phí thực hiện năm 2012 là 103.698 triệu đồng trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) là 56.677 triệu đồng (Ngân sách trung ương là 44.845 triệu đồng và Ngân sách địa phương là 11.832 triệu đồng) chiếm 55% tổng kinh phí, từ nguồn thu học phí của học viên là 36.777 triệu đồng, chiếm 35% tổng kinh phí và từ nguồn huy động, tài trợ là 10.244 triệu đồng, chiếm 10% tổng kinh phí.
Ở cấp Trung ương, kinh phí ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV đã được giao cho 8 Bộ và 16 Hiệp hội. Ở cấp địa phương, có 45/55 địa phương đã bố trí trực tiếp ngân sách địa phương (NSĐP) (hoặc huy động nguồn tài trợ, phối hợp với các đơn vị khác) để tổ chức các khóa đào tạo cho DNNVV tại địa phương. Năm 2012, các Bộ, hiệp hội và địa phương đã tiến hành tổ chức được 1.589 khóa đào tạo (trong đó có 363 khóa khởi sự doanh nghiệp, chiếm khoảng 23% tổng số khóa đào tạo) cho 67.149 học viên (xem Phụ lục: Tổng hợp kinh phí trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV năm 2012 gửi kèm theo).
1. Một số kết quả đạt được
1.1. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV (sau đây gọi tắt là hoạt động đào tạo) đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm, chú ý của các cấp lãnh đạo, sự tham gia của các Bộ, tổ chức hiệp hội và sự đồng thuận mạnh mẽ của cộng đồng DNNVV.
Như đã nói ở trên, năm 2012, tổng kinh phí NSTW hỗ trợ thực hiện hoạt động đào tạo là 41.258 triệu đồng, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2011. Đã có 8 Bộ và 16 tổ chức Hiệp hội được lựa chọn và tham gia thực hiện. Các Bộ, tổ chức hiệp hội đã triển khai nghiêm túc với tổng số khóa đào tạo là 928 khóa cho 35.974 học viên, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2011 cả về số khóa đào tạo và số học viên tham gia.
Đáng chú ý là ở cấp địa phương, đã có sự quan tâm thực sự của các cấp lãnh đạo cao nhất. Thể hiện qua việc các địa phương đã bố trí cân đối ngân sách, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị đầu mối xây dựng kế hoạch cũng như phối hợp với các đơn vị để tiến hành hoạt động đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV trên địa bàn. Năm 2012, có 31/55 địa phương (chiếm 56%) đã bố trí ngân sách cho hoạt động đào tạo này với tổng số tiền là 11.832 triệu đồng. Điển hình là một số địa phương đã bố trí nguồn ngân sách rất lớn cho hoạt động này như Hà Nội (tổng NSNN được giao là 6.200 triệu đồng, với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch là 100%), Vĩnh Phúc (tổng NSNN được giao là 2.500 triệu đồng, với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch là 97%), Kiên Giang (tổng NSNN được giao là 1.021 triệu đồng, với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch đạt 59%), Quảng Ninh (tổng NSNN được giao là 546 triệu đồng, với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch là 100%),...
Một số địa phương (14/55 địa phương, chiếm 25%), tuy không cân đối, bố trí được kinh phí hỗ trợ cũng đã huy động nguồn hỗ trợ của các tổ chức, các dự án khác để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh như Bến Tre (phối hợp với Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn); Bắc Kạn (phối hợp với Dự án Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp- dự án 3PAD).v.v...Tổng kinh phí thực hiện đào tạo từ nguồn huy động tài trợ là 10.244 triệu đồng.
Theo Báo cáo điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV được thực hiện tại 10 tỉnh/thành phố năm 2012 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp) thực hiện thì mặc dù các khóa đào tạo được tổ chức ở nhiều địa bàn, với cấp độ khác nhau nhưng có trên 80% cá nhân và tổ chức được điều tra đánh giá việc tham gia các khóa đào tạo khởi sự và quản trị doanh nghiệp là cần thiết và quan trọng.
Báo cáo của tất cả các Bộ, các tổ chức Hiệp hội, các nhà tài trợ và ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đều khẳng định và đánh giá cao việc Nhà nước xây dựng và triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV. Mặc dù hoạt động đào tạo mới triển khai được hơn một năm, nhưng đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận và có sự tham gia tích cực của xã hội.
1.2. Hoạt động đào tạo đã tạo được sự phát triển lớn về chiều rộng và từng bước tập trung vào chất lượng đào tạo.
Nếu như năm 2011, hoạt động đào tạo mới chỉ khởi động triển khai tại một số địa phương do các Bộ, tổ chức hiệp hội được giao ngân sách thực hiện. Thì đến năm 2012, hoạt động này đã triển khai thực hiện rộng khắp ở các địa phương trong cả nước. Một số đơn vị đào tạo thuộc các Bộ, tổ chức hiệp hội đã chủ động phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị được giao làm đầu mối trợ giúp phát triển DNNVV) tại một số địa phương, đặc biệt là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các địa phương chưa cân đối, bố trí được ngân sách để hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo đáp ứng nhu cầu đào tạo của các DNNVV trên địa bàn và nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Sự tham gia tích cực, chủ động của 16 tổ chức hiệp hội với mạng lưới các đơn vị trực thuộc, mạng lưới hội viên, chi nhánh, hội viên rộng khắp trong cả nước nên hoạt động đào tạo cũng đã triển khai đến nhiều đối tượng như các nữ doanh nhân, phụ nữ muốn làm kinh doanh, người tàn tật, các doanh nhân trẻ, sinh viên muốn khởi sự kinh doanh, giám đốc tài chính, nghệ nhân ở các làng nghề v.v... cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, kế toán, công nghệ, phần mềm, marketing, v.v... Một số hiệp hội được đánh giá cao như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam,...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì quản lý và triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV cũng đã tiến hành các hoạt động liên quan khác như khảo sát đánh giá nhu cầu đào tạo, đánh giá tác động của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV. Các hoạt động này bước đầu đã giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư có được những đánh giá khách quan và sâu hơn về nhu cầu thực tế về hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV cũng như hiệu quả, tác động của việc sử dụng nguồn lực Nhà nước cho các hoạt động hỗ trợ cho các DNNVV, qua đó có những giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả của hoạt động đào tạo. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành xây dựng bộ tài liệu cơ bản và tài liệu chuyên sâu phục vụ cho hoạt động giảng dạy và đào tạo, đảm bảo sự thống nhất mục tiêu, nội dung đào tạo trong cả nước.
1.3. Thông qua các khóa đào tạo, học viên là các cá nhân, cán bộ quản lý, các giám đốc, chủ doanh nghiệp... đánh giá là đã được trang bị, cung cấp thêm những kiến thức cần thiết về khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp.
Hoạt động trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là một chương trình hỗ trợ lớn được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là thiết thực, có ý nghĩa quan trọng đối với DNNVV, bước đầu đáp ứng nhu cầu của các DNNVV trong việc nâng cao hiểu biết về kỹ năng sản xuất, kinh doanh, những nhân tố cần và đủ cho hoạt động kinh doanh đạt kết quả. Từ đó góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.