Công văn 3689/BHXH-TCKT năm 2014 về trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 3689/BHXH-TCKT
Ngày ban hành 02/10/2014
Ngày có hiệu lực 02/10/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Khương
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3689/BHXH-TCKT
V/v trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Căn cứ Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; để thống nhất thực hiện trong toàn Ngành, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam hướng dẫn cụ thể một số nội dung về việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân như sau:

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ DANH MỤC PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ CÁ NHÂN TRANG BỊ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Là viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động thuộc hệ thống BHXH Việt Nam trong chỉ tiêu biên chế và người làm việc hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, kể cả tập sự, thử việc (sau đây gọi chung là người lao động) được phân công làm các công việc sau:

a) Trực tiếp in sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế: Tại BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là BHXH tỉnh) và BHXH huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là BHXH huyện);

b) Photocopy tài liệu tại Phòng Văn thư thuộc Văn phòng BHXH Việt Nam, Phòng Tổ chức - Hành chính hoặc Phòng Hành chính - Tổng hợp thuộc BHXH tỉnh và bộ phận được giao thực hiện nhiệm vụ Hành chính - Tổng hợp tại BHXH huyện;

c) Lưu trữ hồ sơ: Tại Trung tâm Lưu trữ thuộc BHXH Việt Nam; kho lưu trữ hồ sơ của BHXH tỉnh và BHXH huyện;

d) Giám định bảo hiểm y tế: Viên chức làm nhiệm vụ giám định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Nam, BHXH tỉnh và BHXH huyện thường trực tại các cơ sở khám, chữa bệnh;

đ) Quét dọn cơ quan, tạp vụ;

e) Bảo vệ cơ quan;

g) Vận hành kiêm sửa chữa, bảo dưỡng máy, thiết bị văn phòng.

2. Danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân trang bị cho người lao động

Danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân trang bị cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Công văn này.

II. NGUYÊN TẮC CẤP PHÁT PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ CÁ NHÂN

1. Các đơn vị trong Ngành trực tiếp thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại, ngoài thanh toán chế độ phụ cấp độc hại cho người lao động theo quy định, phải có trách nhiệm trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động đó (theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Công văn này).

2. Các đơn vị trong Ngành thuê lại lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại từ cơ quan, doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động thì không có trách nhiệm trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động đó (cơ quan, doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động thực hiện trách nhiệm này).

3. Lập sổ cấp phát, theo dõi việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân và phải có chữ ký của người lao động nhận phương tiện bảo vệ cá nhân (theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Công văn này).

4. Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào mức độ yêu cầu của từng công việc, tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn cơ sở để quyết định thời hạn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Đồng thời căn cứ yêu cầu của người lao động, tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn cơ sở để quyết định việc trang bị bổ sung mới hoặc thay đổi loại phương tiện bảo vệ cá nhân theo danh mục quy định.

5. Nghiêm cấm các đơn vị cấp phát tiền thay cho việc cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động hoặc giao tiền cho người lao động tự đi mua.

III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí mua sắm, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân nêu tại Công văn này, từ nguồn kinh phí thường xuyên trong dự toán chi phí quản lý bộ máy được giao hàng năm của đơn vị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lập dự toán và quyết toán

a) Lập dự toán: Căn cứ vào quy định về trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân được hướng dẫn tại Công văn này và thời hạn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được quyết định tại đơn vị, hàng năm, cùng với thời gian lập dự toán chi quản lý bộ máy, Thủ trưởng đơn vị tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn cơ sở để lập kế hoạch mua sắm (bao gồm cả dự phòng), xây dựng dự toán kinh phí thực hiện của năm kế hoạch, tổng hợp chung trong dự toán chi quản lý bộ máy của đơn vị, trình cấpthẩm quyền phê duyệt.

b) Quyết toán: Kinh phí mua sắm, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân được sử dụng, quyết toán theo quy định hiện hành, hạch toán vào Mục 7000 - Chi phí nghiệp vụ chuyên môn của từng ngành, chi tiết Tiểu Mục 7005 - Bảo hộ lao động, Phụ lục số 01 “Mục lục Ngân sách chi quản lý bộ máy của Ngành BHXH” ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-BHXH ngày 26/9/2012 của BHXH Việt Nam về việc ban hành quy chế chi tiêu nội bộ đối với các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam. Kinh phí thực hiện được tổng hợp chung vào quyết toán chi quản lý bộ máy hàng năm của đơn vị theo quy định.

2. Việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân quy định tại Công văn này được áp dụng kể từ ngày ký.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các công việc xét thấy có yếu tố nguy hiểm, độc hại, không bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động nhưng chưa được quy định tại Công văn này thì các đơn vị báo cáo về BHXH Việt Nam theo mẫu tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Công văn này để BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết.

[...]