Công văn 3600/TCHQ-KTSTQ năm 2019 về kiểm tra định mức thực tế và thời điểm chốt tồn kho do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 3600/TCHQ-KTSTQ
Ngày ban hành 03/06/2019
Ngày có hiệu lực 03/06/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Mai Xuân Thành
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TNG CỤC HẢI QUAN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3600/TCHQ-KTSTQ
V/v kiểm tra định mức thực tế và thời điểm chốt tồn kho

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2019

 

Kính gửi: Cục hải quan các tỉnh, thành phố.

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 4301/VPCP-TH ngày 20/5/2019 của Văn phòng Chính phủ, theo đó tại mục 5 phụ lục II kèm theo có đề cập đến nội dung bất cập trong công tác kiểm tra sau thông quan về việc “Cơ quan hải quan thường lấy định mức bình quân làm căn cứ nên thiếu chính xác so với thực tế sản xuất của doanh nghiệp và thời điểm chốt kiểm tra kho”. Do vậy, để thống nhất về phương pháp kiểm tra, xác định định mức thực tế và thời điểm chốt tồn kho đúng quy định, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị thống nhất thực hiện như sau:

1. Về việc kiểm tra định mức

Căn cứ theo quy định tại khoản 35 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung Điều 55 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 23/5/2015 để kiểm tra, đối chiếu và xác định định mức thực tế. Việc kiểm tra định mức thực tế thực hiện trên cơ sở kiểm tra chứng từ/tài liệu, dữ liệu liên quan đến việc xác định định mức thực tế như: lệnh sản xuất, kế hoạch sản xuất, phiếu vận chuyển nội bộ,... theo từng đơn hàng. Trong quá trình kiểm tra sau thông quan/thanh tra tại trụ sở người khai hải quan, cơ quan hải quan thực hiện việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp, xuất trình các chứng từ/tài liệu, dữ liệu do doanh nghiệp lưu giữ theo đúng quy định để thực hiện việc kiểm tra, thẩm định với thực tế sản xuất theo từng kế hoạch sản xuất theo tuần/tháng/năm tùy theo đặc thù, quy mô quản lý, ngành hàng của từng đơn vị sản xuất.

2. Về thời điểm chốt kiểm tra kho

Mỗi doanh nghiệp với nguyên tắc quản trị nội bộ khác nhau, ngành hàng sản xuất khác nhau thì mô hình, phương pháp và thực trạng quản lý, sử dụng NLVT cũng khác nhau . Do vậy, tùy từng trường hợp, căn cứ vào thực tế quản lý hàng tồn kho của từng doanh nghiệp để xác định thời điểm chốt tồn kho phù hợp:

- Đối với nhng doanh nghiệp thực hiện kiểm kê thực tế hàng tồn kho theo định kỳ và lưu giữ đầy đủ hồ sơ, chứng từ kiểm kê thì cơ quan Hải quan sẽ lựa chọn thời điểm chốt tồn kho vào đúng thời điểm kiểm kê của doanh nghiệp để đảm bảo tính pháp lý, chặt chẽ theo ghi nhận thực tế số liệu tại các hồ sơ, chứng từ;

- Đối với trường hợp doanh nghiệp không thực hiện kiểm kê định kỳ (hoặc không hợp tác cung cấp hồ sơ, tài liệu trong quá trình kiểm tra) thì cơ quan Hải quan thực hiện kiểm kê thực tế hàng tồn kho trong thời hạn thực hiện Quyết định Kiểm tra sau thông quan/Thanh tra. Trưởng đoàn kiểm tra quyết định thời điểm chốt tồn kho căn cứ kết quả thu thập, phân tích thông tin, xác định rủi ro theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phù hợp với đặc thù quản lý hàng tồn kho của từng doanh nghiệp.

Các đơn vị tự rà soát, kiểm tra các hồ sơ đã kiểm tra sau thông quan/thanh tra có liên quan đến kiểm tra định mức và thời điểm chốt tồn kho và khắc phục sai sót (nếu có). Nếu đơn vị nào thực hiện kiểm tra trên cơ sở lấy định mức bình quân làm căn cứ mà dẫn đến kết quả thiếu chính xác so với thực tế sản xuất của doanh nghiệp và thực hiện thời điểm chốt tồn kho chưa phù hợp thì phải kịp thời khắc phục; đng thời chấn chnh các đơn vị thực hiện theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì kịp thời báo cáo về Tổng cục Hải quan (qua Cục Kiểm tra sau thông quan)./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TCT Nguyễn Văn Cẩn (để b/c);
- Lưu VT, KTSTQ (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Mai Xuân Thành