Công văn số 3520/BGDĐT-KHTC về việc tăng cường công tác quản lý tài chính giáo dục đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 3520/BGDĐT-KHTC
Ngày ban hành 23/04/2008
Ngày có hiệu lực 23/04/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Bành Tiến Long
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-------

Số: 3520/BGDĐT-KHTC
V/v Tăng cường công tác quản lý tài chính giáo dục đào tạo

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2008

 

Kính gửi: Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Công tác quản lý tài chính ngành giáo dục đào tạo thời gian qua đã có nhiều thay đổi tích cực theo hướng tăng cường phân cấp, tạo điều kiện cho ngành chủ động nhiều hơn trong việc sử dụng và quản lý các nguồn lực tài chính phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của ngành. Thông qua cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập qui định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 và các chính sách khuyến khích xã hội hóa theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ, các cơ sở giáo dục đào tạo và các cấp chính quyền địa phương cũng đã quan tâm tới việc tổ chức huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cá nhân cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, công tác lập kế hoạch, dự toán kinh phí, cơ chế phân cấp, phân bổ ngân sách, việc phối hợp quản lý các nguồn lực tài chính và kiểm tra, giám sát nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục đào tạo hiện nay còn có nhiều hạn chế, cụ thể là:

- Việc lập kế hoạch phát triển triển giáo dục và đào tạo địa phương chưa gắn với yêu cầu nguồn lực tài chính cho toàn ngành tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hầu hết các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ lập kế hoach phát triển và kế hoạch tài chính đối với các đơn vị trực thuộc Sở theo cơ chế phân cấp của địa phương, mà chưa xây dựng được kế hoạch toàn ngành trên địa bàn.

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo hầu như không được chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan tổng hợp của tỉnh trong việc xây dựng định mức, tiêu chí phân bổ và điều hành ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo trên địa bàn ( bao gồm cả kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư, chi chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo và các nguồn kinh phí khác)

- Hầu hết các Sở Giáo dục và Đào tạo chưa tham gia đầy đủ vào công tác hướng dẫn, điều hành thu, chi ngân sách, kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng ngân sách đối với các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn (kể cả công lập và ngoài công lập). Điều này gây khó khăn cho việc tổng hợp, báo cáo và đánh giá hiệu quả đầu tư cho giáo dục và đào tạo của địa phương, đồng thời không đáp ứng được yêu cầu báo cáo thu, chi tài chính toàn ngành đối với Bộ.

Để thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là đổi mới công tác quản lý tài chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục và đào tạo năm học 2008-2009 theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo và thực hiện các định hướng và nhiệm vụ quản lý tài chính giáo dục và đào tạo trên địa bàn như sau:

1. Về công tác xây dựng kế hoạch và phân bổ ngân sách giáo dục và đào tạo:

- Trên cơ sở kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2005-2010 của từng tỉnh, thành phố, các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì hướng dẫn và tổng hợp kế hoạch phát triển và kế hoạch tài chính năm 2009 của các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn (gồm cả khối giáo dục và khối đào tạo), đồng thời hoàn thiện kế hoạch trung hạn 2009-2011 phù hợp với định hướng và qui hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương ; chủ trì tổng hợp kế hoạch phát triển của toàn ngành trên địa bàn báo cáo Bộ.

- Căn cứ vào kế hoạch phát triển và các chế độ chính sách hiện hành, các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính xây dựng dự toán thu, chi cho giáo dục và đào tạo toàn ngành (đối với mọi nguồn vốn) trên địa bàn, thống nhất trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt để gửi Bộ Tài chính tổng hợp và giao dự toán thu, chi ngân sách hàng năm.

- Năm 2009 là năm trong thời kỳ ổn định ngân sách (2007-2010), căn cứ Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về định mức và nguyên tắc phân bổ dự toán chi thường xuyên, các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Sở Tài chính, đề xuất tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, trong đó ưu tiên phân bổ cho giáo dục miền núi, vùng dân tộc và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, với nguyên tắc là đảm bảo cơ cấu chi lương, các khoản có tính chất lương, bảo hiểm...tối đa 80%, chi ngoài lương tối thiểu 20% tổng chi thường xuyên.

Quan tâm bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Thực hiện đầy đủ chính sách phát triển mầm non theo Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2015”.

Bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chính sách ưu tiên của ngành, như: thực hiện định mức biên chế sự nghiệp giáo dục theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ; Thực hiện nhiệm vụ tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ; Thực hiện chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006; Thực hiện chính sách ưu đãi giáo dục theo qui định của Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135 giai đoạn 2)

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì đề xuất mức phân bổ chi đầu tư và chi chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo theo định hướng ưu tiêu đầu tư của ngành đồng thời phù hợp với mục tiêu và nội dung các dự án ; thực hiện lồng ghép các dự án đầu tư trên địa bàn nhằm sử dụng một cách hiệu quả nhất các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo.

2. Về công tác tổ chức quản lý và điều hành ngân sách giáo dục và đào tạo:

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc rà soát các cơ sở giáo dục và đào tạo, phân loại các đơn vị thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo qui định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, hướng dẫn các đơn vị xây dựng đầy đủ qui chế chi tiêu nội bộ để tăng cường quản lý và điều hành thu chi tài chính của mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo.

- Chỉ đạo thực hiện việc thu phí, lệ phí theo đúng qui định của pháp luật, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các qui định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Không được thu những khoản phí, lệ phí khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Công khai việc sử dụng các khoản phí và lệ phí để người học và nhân dân giám sát, tránh gây thắc mắc trong dư luận.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo sử dụng ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, đồng thời thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ nhà nước qui định.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình được đầu tư bằng tất cả các nguồn vốn (vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn các dự án ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác). Những công trình thực hiện không đúng tiến độ phải kịp thời quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành nhưng chưa được bố trí đủ vốn, tránh tình trạng công trình dở dang, không hiệu quả.

- Chỉ đạo các Phòng Giáo dục, và các đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan tài chính thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ở các cơ sở giáo dục và đào tạo, nhất là các chính sách liên quan đến nhà giáo (như: Lương, phụ cấp ưu đãi, thanh toán tiền vượt giờ...), các chính sách liên quan đến học sinh (như: Học phí, chính sách miễn giảm học phí, chế độ học bổng và các ưu đãi giáo dục...), các chế độ quản lý tài chính, tài sản. Đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện các chính sách xã hội, xoá đói giảm nghèo...để thực hiện đúng đối tượng và có hiệu quả.

- Chủ trì xây dựng các biểu mẫu và phối hợp với cơ quan tài chính qui định chế độ báo cáo thu chi tài chính định kỳ để thống nhất thực hiện cho tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Bộ sẽ nghiên cứu hỗ trợ bằng các công cụ phần mềm để giúp các Sở Giáo dục và Đào tạo cập nhặt được thông tin thu chi tài chính định kỳ từ các đơn vị sử dụng ngân sách, giúp cho việc tổng hợp, báo cáo, phân tích và đánh giá hiệu quả đầu tư cho ngành.

3. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng và thực hiện công khai tài chính:

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện đầy đủ các qui định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Xử lý kịp thời, đầy đủ những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Lưu ý thực hiện ngay kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị của chương trình đổi mới giáo dục phổ thông ; kết luận của Kiểm toán Nhà nước về quản lý và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo, về quản lý và sử dụng tiền và tài sản nhà nước.

- Tổ chức chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thực hiện công bố công khai tài chính theo đúng qui định tại Thông tư số 21/2005/TT-BTC ngày 22/3/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện qui chế công khai tài chính đối với đơn vị dự toán ngân sách và tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Các cơ quan, đơn vị được sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện công khai theo qui định tại Thông tư số 10/2005/TT-BTC ngày 02/02/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện qui chế công khai tài chính đối với việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

- Chỉ đạo xây dựng cơ chế 3 công khai của các cơ sở giáo dục và đào tạo, không phân biệt công lập và ngoài công lập để cho người học và xã hội giám sát, đánh giá: (1) Công khai chất lượng đào tạo, (2) công khai nguồn lực đào tạo (3) công khai tài chính chi tiêu cho đào tạo.

4. Về công tác bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ quản lý tài chính:

Yêu cầu về quản lý tài chính đòi hỏi ngày càng cao nhất là trong công tác quản lý tài chính giáo dục và đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các yêu cầu sau đây:

- Tuyển dụng và xây dựng đội ngũ cán bộ nghiệp vụ quản lý tài chính các cấp, các cơ sở giáo dục đào tạo để đảm bảo đủ về số lượng đồng thời đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức, về nghiệp vụ chuyên môn và trình độ đào tạo.

- Chủ động phối hợp với cơ quan tài chính địa phương, tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho đội ngũ kế toán, chủ tài khoản và cán bộ quản lý để cập nhật những chế độ chính sách mới, trao đổi về nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực quản lý tài chính giáo dục và đào tạo.

[...]