Công văn 349/BNV-CQĐP năm 2014 về Tài liệu hỏi đáp thực hiện Dự án 513 do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 349/BNV-CQĐP
Ngày ban hành 07/02/2014
Ngày có hiệu lực 07/02/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Nguyễn Hữu Đức
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 349/BNV-CQĐP
V/v Tài liệu hỏi đáp triển khai thực hiện Dự án 513

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2014

Kính gửi: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ đề nghị của các đại biểu tại 3 Hội nghị tập huấn triển khai thực 1 “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án của Trung ương đã hoàn chỉnh Tài liệu hỏi đáp (kèm theo) để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ sung, hoàn thiện Tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án.

Bộ Nội vụ rất mong nhận được ý kiến của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Dự án ở địa phương./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình; để báo cáo
- Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng; để báo cáo
- Lưu: VT, Vụ CQĐP (2b)

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG




Nguyễn Hữu Đức

 

TÀI LIỆU HỎI ĐÁP

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN “HOÀN THIỆN, HIỆN ĐẠI HÓA HỒ SƠ, BẢN ĐỒ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 513/QĐ-TTG NGÀY 02 THÁNG 5 NĂM 2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Công văn số 349/BNV-CQĐP ngày 07 tháng 02 năm 2014 của Bộ Nội vụ)

TT

CÂU HỎI

TRẢ LỜI

NHỮNG VN ĐỀ CHUNG

1

Thời gian triển khai thực hiện Dự án theo Kế hoạch 785 không còn phù hợp, vậy Ban Chỉ đạo có điều chỉnh như thế nào?

Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Tuy nhiên, do các văn bản hướng dẫn triển khai Dự án chưa được chuẩn bị đồng thời với việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án nên công tác triển khai thực hiện Dự án đã chậm hơn 1 năm so với Kế hoạch. Do vậy, Ban Chỉ đạo chủ trương tập trung triển khai thực hiện các hạng mục công việc của Dự án trong năm 2014 và 2015. Kết thúc năm 2015, nếu còn hạng mục công việc của Dự án chưa được triển khai thực hiện hoặc đang thực hiện dở dang thì Ban Chỉ đạo sẽ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo.

2

Sau hội nghị tập huấn Ban Chỉ đạo có văn bản để UBND cấp tỉnh đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Dự án không?

Dư án 513 có khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong quá trình tổ chức thực hiện có thể sẽ phát sinh những vướng mắc, đề nghị các địa phương kịp thời có văn bản phản ảnh (qua Bộ Nội vụ) để Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, thống nhất việc thực hiện.

3

Sau hội nghị tập huấn, Bộ Nội vụ có thể chế hóa các tài liệu hướng dẫn thành văn bản quy phạm pháp luật không?

Các tài liệu tập huấn triển khai thực hiện Dự án 513 đã được biên soạn trên cơ sở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý địa giới hành chính và lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính. Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án nếu các Bộ, ngành, địa phương phát hiện có vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn hoặc đã lạc hậu so với quy định mới của Hiến pháp và các luật thì Ban Chỉ đạo sẽ tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới cho phù hợp.

4

Ban Chỉ đạo có soạn một bộ tài liệu cho cấp tỉnh tổ chức tập huấn triển khai thực hiện Dự án nhằm tạo sự thống nhất chung không?

Căn cứ các tài liệu tập huấn của Ban Chỉ đạo Trung ương và ý kiến giải đáp những vướng mắc của đại diện các Bộ, cơ quan Trung ương tại 3 Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Dự án do Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức biên tập bộ tài liệu tập huấn đối với cấp huyện, cấp xã trong địa phương phù hợp với quy phạm pháp luật, tình hình địa giới hành chính và hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của địa phương.

5

Trong công tác đấu thầu thì thực hiện theo văn bản nào, việc đấu thầu có thể chia thành các gói thầu nhỏ để thực hiện các hạng mục công việc không?

Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện Thiết kế kỹ thuật - Dự toán hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính ở các địa phương được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và không thể chia nhỏ một Thiết kế kỹ thuật - Dự toán thành các phần để lựa chọn các nhà thầu khác nhau thực hiện.

6

Ban Chỉ đạo có giới thiệu nhà thầu đủ năng lực thực hiện Dự án để địa phương thực hiện việc chỉ định thầu không?

Căn cứ khoản 2 Điều 1 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005, khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 13 Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân thì việc lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án 513 thuộc trường hợp được áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế. Theo đó, căn cứ Thiết kế kỹ thuật - Dự toán hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của địa phương đã được Bộ Nội vụ thẩm định UBND cấp tỉnh phải mời tối thiểu 5 (năm) nhà thầu được xác định là có đủ năng lực và kinh nghiệm quy định tại Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 513 ban hành kèm theo Quyết định số 785/QĐ-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ tham gia đấu thầu. Ban Chỉ đạo Trung ương không có chức năng giới thiệu nhà thầu cho các địa phương.

7

Việc quy định đơn vị tham gia thầu là doanh nghiệp, vậy các đơn vị sự nghiệp có được thực hiện không?

Luât đấu thầu không có quy định cụ thể về các đơn vị, tổ chức được hoặc không được tham gia đấu thầu. Do vậy, các đơn vị, tổ chức đã được cấp phép hoạt động đo đạc bản đồ trong lĩnh vực địa giới hành chính, có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh và đã có kinh nghiệm ít nhất 3 năm hoạt động trong lĩnh vực này thì đều có quyền tham gia đấu thầu thực hiện các hạng mục công việc của Dự án.

8

Kế hoạch số 785/QĐ-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định UBND cấp tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo kết quả lựa chọn nhà thầu để thống nhất bằng văn bản trước khi ký hợp đồng kinh tế, nhưng tài liệu tập huấn thì hướng dẫn báo cáo danh sách nhà thầu thực hiện Dự án. Vậy cấp tỉnh phải thực hiện theo nội dung văn bản nào?

UBND cấp tỉnh thực hiện việc báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện các hạng mục công việc của Dự án ở địa phương theo nội dung tài liệu tập huấn triển khai thực hiện Dự án do Ban Chỉ đạo phát hành tháng 10/2013. Theo đó căn cứ hồ sơ nhà thầu do địa phương chuyển đến, nếu có vấn đề chưa bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn tại Kế hoạch số 785/QĐ-BNV nêu trên thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của địa phương Ban Chỉ đạo có trách nhiệm thông báo để UBND tỉnh, thành phố hoàn thiện trước khi ký hợp đồng kinh tế.

9

Đối với những địa phương liền kề nhau thì cùng chọn một đơn vị thi công nhằm tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Dự án được không?

Điều 118 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường và xã; quận chia thành phường” Theo đo, để những địa phương liền kề nhau cùng chọn một nhà thầu thì 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước chỉ gồm một nhà thầu là không khả thi. Tuy nhiên, trường hợp cụ thể có doanh nghiệp trúng thầu thực hiện Thiết kế kỹ thuật - Dự toán hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của 2 đơn vị hành chính liền kề là bình thường, không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu.

10

Đối tượng tập huấn theo KH 785 có Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố nhưng trong tài liệu tập huấn không có, vậy thực hiện theo tài liệu nào?

Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 513 ban hành kèm theo Quyết định số 785/QĐ-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thành phần được tập huấn triển khai thực hiện Dự án bao gồm Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố nhưng tài liệu tập huấn không hướng dẫn tập huấn đến Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, đề nghị thống nhất thực hiện theo Quyết định số 785/QĐ-BNV nêu trên.

11

Tài liệu hướng dẫn có thêm bước 5, bước 6, bước 13 so với QĐ 785, vậy Ban Chỉ đạo có ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Quyết định số 785 để địa phương có đủ căn cứ lập Kế hoạch kinh phí không?

Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 513 ban hành kèm theo Quyết định số 785/QĐ-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn 11 bước tổ chức thực hiện Dự án nhưng tài liệu tập huấn gồm có 14 bước là do tài liệu tập huấn đã cụ thể hóa hơn trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện một số hạng mục công việc của Dự án ở địa phương và ở Trung ương cho phù hợp, cụ thể là: Bước 5 của Kế hoạch 785/QĐ-BNV đã được cụ thể hóa thành 3 bước tại tài liệu tập huấn (gồm Bước 4, Bước 5 và Bước 6) và Bước 9 của Kế hoạch 785/QĐ-BNV đã được cụ thể hóa thành 2 bước tại tài liệu tập huấn (Bước 10 và bước 13).

12

Thực hiện Dự án này, các cấp có thành lập Ban Chỉ đạo không? hay chỉ lập tổ chuyên viên giúp việc cho UBND các cấp?

Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện một số hạng mục công việc của Dự án. Theo đó, Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án ban hành kèm theo Quyết định số 785/QĐ-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và tài liệu hướng dẫn chung công tác triển khai thực hiện Dự án do Ban Chỉ đạo ban hành tháng 10/2013 đã hướng dẫn UBND cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Tùy tình hình thực tế của mỗi địa phương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có hướng dẫn cụ thể việc thành lập các tổ chức phụ trách công tác triển khai thực hiện Dự án dưới cấp tỉnh cho phù hợp.

13

Quy trình, thủ tục giải quyết các trường hợp tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính; đường địa giới hành chính bị phá vỡ, bị biến dạng có nhất thiết phải trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp không?

Trang 20 và 21 tài liệu tập huấn triển khai thực hiện Dự án đã đề cập 4 trường hợp được xác định là tranh chấp hoặc tiềm ẩn tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp. Trong đó, trường hợp (a) và (b) được giải quyết theo quy trình, thủ tục hướng dẫn tại Thông tư số 832/TCCP-ĐP ngày 25/10/1993 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (không có thủ tục trình Quốc hội, HĐND các cấp); trường hợp (c), nếu việc xác định lại đoạn đường địa giới hành chính bị phá vỡ, bị biến dạng đó mà không làm thay đổi địa giới hành chính các cấp quy định tại hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính 364-CT thì không yêu cầu thủ tục trình Quốc hội, HĐND các cấp, còn nếu có làm thay đổi địa giới hành chính các cấp thì chỉ yêu cầu có thủ tục trình Quốc hội, HĐND các cấp khi giữa các địa phương liên quan không tự thỏa thuận được.

14

Việc tổng hợp biên bản kết quả hội nghị lấy ý kiến nhân dân tại các thôn, tổ dân phố do cơ quan, tổ chức nào thuộc cấp xã có trách nhiệm thực hiện?

Tại điển d khoản 2 Điều 2 và Điều 3 Chương I Hướng dẫn thi hành các Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17/4/2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định: “Trên cơ sở tổng hợp kết quả các cuộc họp từ thôn, tổ dân phố, nếu có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn cấp xã tán thành thì kết quả cuộc họp ở toàn cấp xã có giá trị thi hành. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản xác nhận kết quả họp của toàn cấp xã và thông báo bằng văn bản đến các Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố. Theo đó, để đảm bảo tính khách quan khi tổng hợp kết quả các cuộc họp thôn, tổ dân phố, đề nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã thực hiện việc tổng hợp để Chủ tịch UBND cấp xã lập biên bản xác nhận kết quả họp theo quy định

15

Thẩm quyền ký hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp là của ai?

Căn cứ các Điều 95, Điều 107, Điều 124 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và khoản 2 Điều 16 Luật Đất đai số 13/2003/QH11 ngày 26/11/2003 thì thẩm quyền ký hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp thuộc UBND các cấp

16

Khoản 1 Điều 137 Luật Đất đai năm 2003 đã quy định như sau:

“Tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới giữa các đơn vị hành chính do UBND của các đơn vị đó cùng phối hợp giải quyết. Trường hợp không đạt được sự nhất trí hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:

a) Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì do Quốc hội quyết định.

b) Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn thì do Chính phủ quyết định).

Theo đó, tài liệu tập huấn quy định cấp tỉnh quyết định giải quyết tranh chấp cấp huyện, cấp xã có phù hợp không?

Trang20 và 21 tai liệu tập huấn triển khai thực hiện Dư án đã đề cập 4 trường hợp được xác định là tranh chấp hoặc tiềm ẩn tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp đó là: (1) do lịch sử để lại (là nhũng khu vực tranh chấp xảy ra trước hoặc trong khi triển khai thực hiện Chỉ thị 364-CT nhưng đến nay chưa giải quyết xong), (2) do có tồn tại khi lập hồ sơ ĐGHC theo Chỉ thị 364-CT (địa giới trên hồ sơ không thống nhất với thực địa hoặc đường ĐGHC trên bản đồ 364-CT không thống nhất với biên bản mô tả đường ĐGHC đó), (3) Do tác động của quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và do vận động của địa chất tự nhiên làm biến dạng, phá vỡ đường địa giới hành chính theo hồ sơ ĐGHC 364-CT, (4) do công tác tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ về Điều chỉnh địa giới hành chính các cấp không kịp thời. Theo đó, trường hợp (1) và trường hợp (2) được xác định là tranh chấp xảy ra trước khi lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính 364-CT nên việc giải quyết trường hợp (1) và trường hợp (2) phải căn cứ các quy định tại Chỉ thị 364-CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư số 832/TCCP-ĐP ngày 25/10/1995 và Thông tư số 19-BT ngày 31/01/1979 của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng; chưa có cơ sở để căn cứ quy định tại Luật đất đai năm 2003, vì Chỉ thị số 364-CT quy định Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và hoàn thành bộ bản đồ hiện trạng về địa giới hành chính của địa phương để có căn cứ chuẩn xác và cơ sở pháp lý làm tư liệu cho công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính và nộp lưu trữ quốc gia”. Trường hợp (3) và trường hợp (4) được xác định là tranh chấp xảy ra sau khi đã lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính 364-CT nên việc giải quyết trường hợp (3) và trường hợp (4) phải căn cứ quy định tại Luật đất đai năm 2003

17

Những trường hợp xâm canh, xâm cư đã khoanh thành một khu có thể xác định được ranh địa giới hành chính 364-CT hay không?

Luật đất đai năm 2013 không có quy định về các trường hợp xâm canh, xâm cư Tuy nhiên trên thực tế có những khu vực đất đai, dân cư hiện do chính quyền, người dân thuộc địa phương này khai thác sử dụng nhưng lại thuộc về địa giới hành chính của địa phương khác. Việc giải quyết các trường hợp này được thực hiện theo 2 tình huống sau đây:

a) Nếu khu vực đất đai, dân cư nêu trên liền kề với địa giới của đơn vị hành chính đang khai thác, sử dụng thì giải quyết theo trình tự, thủ tục xác định lại đoạn đường địa giới hành chính bị phá vỡ, bị biến dạng do tác động của quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và do vận động của địa chất tự nhiên đã hướng dẫn tại các trang 29, 30, 31, 32 và 33 của Tài liệu tập huấn do Ban Chỉ đạo phát hành tháng 10 năm 2013.

b) Nếu khu vực đất đai, dân cư nêu trên cách xa địa giới của đơn vị hành chính đang khai thác, sử dụng thì giải quyết theo quy định của pháp luật vê cư trú (các địa phương liên quan thực hiện bàn giao quyền và trách nhiệm quản lý đất đai dân cư thống nhất theo địa giới hành chính)

18

Hướng dẫn lập Thiết kế kỹ thuật - Dự toán chưa có kinh phí giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến ĐGHC và xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐGHC; vậy Ban Chỉ đạo có văn bản hướng dẫn bổ sung nội dung này không?

- Tại điểm e khoản 2 mục IV Điều 1 Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng CHính phủ không giao UBND cấp tỉnh chủ trì tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính. Do vậy Thiết kế kỹ thuật - Dự toán của địa phương không có nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính. Nhiệm vụ chính của các địa phương là hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp. Theo đó, trong nội dung “hoàn thiện” đã bao hàm công việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính nên Thiết kế kỹ thuật - Dự toán hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của các địa phương phải hạch toán đủ chi phí phục vụ giải quyết tranh chấp.

19

Có nên ủy quyền cho Sở Nội vụ lập Thiết kế kỹ thuật - Dự toán để trình Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định, sau đó trình UBND cấp tỉnh phê duyệt không?

Tai Bước 1 mục II Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án ban hành kèm theo Quyết định sổ 785/QĐ-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã hướng dẫn “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chuyên môn liên quan xây dựng Thiết kế kỹ thuật - Dự toán thực hiện các hạng mục công việc của Dự án ở địa phương báo cáo Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định làm căn cứ cân đối trong dự toán ngân sách địa phương để triển khai thực hiện”.

20

Địa phương đã triển khai thực hiện Dự án chỉnh lý, bổ sung hồ sơ địa chính được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng vì kinh phí chưa có nên chưa triển khai thực hiện được. Như vậy có được tiếp tục triển khai thực hiện hay xác lập lại theo các bước của Quyết định 785 và tại hội nghị hướng dẫn này

Dư án chỉnh lý bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện trước ngày 02/5/2012 (ngày Quyết định số 513/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành), nhưng đến ngày 31/12/2013 chưa được Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản công nhận đủ điều kiện đưa vào quản lý và nộp lưu trữ thi đều phải thực hiện rà soát lại để hoàn chỉnh theo yêu cầu kỹ thuật của Dự án 513.

21

Hiện nay Phòng Nội vụ không có người chuyên trách công tác địa giới hành chính, vậy Ban Chỉ đạo có giải pháp nào giúp các Phòng Nội vụ triển khai giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính cấp xã?

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành thì UBND cấp huyện có chức năng quản lý nhà nước về địa giới hành chính và theo phân cấp hiện nay thì Phòng Nội vụ có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giúp việc UBND cấp huyện trong công tác quản lý địa giới hành chính ở địa phương. Do vậy, căn cứ số lượng biên chế cán bộ, công chức được giao, Trưởng phòng Nội vụ có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể đối với đội ngũ công chức của mình, bảo đảm việc gì cũng có người chủ trì thực hiện.

22

Cơ sở pháp lý nào để Sở Nội vụ trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc xác định đường địa giới hành chính giữa 2 đơn vị cấp huyện, cấp xã có tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính?

Tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã nêu tại điểm a2, a3 và b2, b3 khoản 3 mục I phần B tài liệu hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện các hạng mục công việc của Dự án đã được xác định là các trường hợp tranh chấp trước khi các địa phương lập được bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính để làm tài liệu có cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính (tranh chấp giữa các địa phương có địa giới hành chính chưa được xác lập về pháp lý). Do vậy, cơ sở pháp lý để giải quyết các trường hợp tranh chấp này được căn cứ theo quy định tại Thông tư số 832/TCCP-ĐP ngày 25/10/1993 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ. Theo đó, đối với giải quyết tranh chấp cấp xã thì quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện là quyết định cuối cùng và đối với giải quyết tranh chấp cấp huyện thì quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.

23

Việc quản lý địa giới hành chính trong khu công nghiệp được thực hiện như thế nào? Do một địa phương quản lý hay các địa phương có liên quan cùng quản lý?

Việc quản lý địa giới hành chính trong khu công nghiệp được thực hiện theo đường địa giới hành chính được xác định lại theo hướng dẫn tại điểm c khoản 3 mục I phần B tài liệu hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện các hạng mục công việc của Dự án do Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án Trung ương ban hành tháng 10 năm 2013.

24

Chỉ thị số 364-CT và các văn bản hướng dẫn thi hành đến nay còn hiệu lực pháp lý không? nếu hết thì áp dụng văn bản nào để giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến ĐGHC các cấp?

Chỉ thị số 364-CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quy định việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại 12 khu vực tranh chấp cấp tỉnh xảy ra từ trước khi có Chỉ thị số 364-CT nêu trên. Do vậy, Chỉ thị số 364-CT và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này phải được tiếp tục thực hiện.

25

Khi cấp có thẩm quyền đã ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính nhưng chính quyền địa phương liên quan không ký pháp lý hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính thì có thể kẹp quyết định vào hồ sơ thay cho việc ký pháp lý không?

Quyết định của cấp có thẩm quyền về xác định địa giới hành chính giữa các địa phương tại khu vực có tranh chấp là cơ sở pháp lý để các địa phương liên quan phối hợp xác định đường ranh giới hành chính trên thực địa để chuyển vẽ lên bản đồ địa giới hành chính. Căn cứ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-BTNMT ngày 18/12/2008 của Bộ trưởng Bô Tài nguyên và Môi trường về phân định địa giới hành chính và lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp thì UBND các cấp có liên quan phải ký xác nhận pháp lý đường ranh giới hành chính thể hiện trên bản đồ địa giới hành chính. Do vây không thể kẹp Quyết định nêu trên vào hồ sơ địa giới hành chính thay cho việc ký pháp lý hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính.

26

Có nên bổ sung quy định giao nộp Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính để cơ quan Tài nguyên - Môi trường các cấp quản lý không?

Căn cứ Nghị định số 119/CP ngày 16/9/1994 của Chính phủ ban hành quy định về quản lý, sử dụng hồ sơ địa giới, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp đã quy định cụ thể trách nhiệm lưu giữ Hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính thuộc UBND các cấp, Cục Lưu trữ Nhà nước, Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay la Bộ Nội vụ). Theo đó, bộ hồ sơ lưu giữ tại UBND các cấp là tài liệu dùng chung trong công tác quản lý nhà nước của các địa phương, không cần thiết quy định bổ sung giao cơ quan Tài nguyên và Môi trường các cấp quản lý.

27

Trường hợp 2 xã thống nhất xác định lại ĐGHC nhưng có điều chỉnh so với địa giới được lập theo 364-CT, để đảm bảo tiến độ triển khai Dự án thì có thể trình Thường trực HĐND thay cho việc trình HĐND không?

Luật tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH11 ngày 26/11/2003 quy định HĐND các cấp có nhiệm vụ, quyền hạn thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính các cấp. Do vậy, không thể trình Thường trực HĐND thông qua Đề án thay cho việc trình HĐND theo luật định.

28

Nguyên tắc tôn trọng hiện trạng quản lý ở thời điểm nào, thời điểm thực hiện 364-CT hay thời điểm hiện nay?

Nguyên tắc “Tôn trọng hiện trạng quản lý” trong giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp được thực hiện theo hiện trạng của thời điểm xảy ra tranh chấp. Trong trường hợp không đủ cơ sở pháp lý để xác định hiện trạng tại thời điểm xảy ra tranh chấp thì thực hiện theo hiện trạng tại thời điểm xem xét giải quyết tranh chấp.

29

Trường hợp hồ sơ, bản đồ ĐGHC 364-CT đã được lập đúng theo quy định nhưng các địa phương quản lý đất đai, hộ khẩu khác với bản đồ 364-CT Sở Nội vụ đã cùng địa phương họp bàn giải quyết nhiều lần nhưng chưa khắc phục được, Vậy Ban Chỉ đạo định hướng giải quyết thế nào?

Trường hợp các địa phương quản lý đất đai, hộ khẩu không thống nhất theo địa giới hành chính 364-CT được giải quyết theo trình tự, thủ tục xác định lại đoạn đường địa giới hành chính bị phá vỡ, biến dạng do tác động của quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã hướng dẫn tại điểm c khoản 3 mục I phần B tài liệu hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện các hạng mục công việc của Dự án do Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành tháng 10 năm 2013

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ KỸ THUẬT

30

Để cương Hoàn thiện hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ ĐGHC phần khối lượng công việc đề nghị bổ sung:

- Thành lập điểm tọa độ cơ sở cho công tác đo tiếp điểm khi đo các mốc ĐGHC đối với những khu vực không có điểm tọa độ cơ sở.

- Đo đạc thành lập sơ đồ thuyết minh đối với khu vực chưa có bản đồ địa chính hoặc bản đồ địa chính không đáp ứng được yêu cầu (đối với khu vực đường địa giới hành chính cần phải lập hồ sơ thuyết minh)

- Hiện nay mật độ điểm tọa độ cơ sở phục vụ cho công tác đo đạc bản đồ địa chính và đo đạc các công trình có liên quan khác tương đối dày, mặt khác khi đo tọa độ mốc ĐGHC thường dùng máy GPS 1 tần hoặc 2 tần số nên đo được phạm vi tương đối lớn hoặc đo bằng các phương pháp khác như giao hội, đường chuyền.

- Nôi dung công việc đo vẽ sơ đồ thuyết minh là một trong các nội dung công việc đã được tính trong việc Xác định đường địa giới hành chính (Thông tư số 03/2009/TT-BTNMT)

31

Độ chính xác các mốc ĐGHC các cấp đo tại thực địa với độ chính xác tương đương độ chính xác của điểm trạm đo bản đồ tỷ lệ 1:5.000 nên thay đổi đối với những khu vực đã có bản đồ tỷ lệ lớn hơn thì độ chính xác mốc ĐGHC được xác định theo độ chính xác của điểm trạm đo theo quy định đo vẽ thành lập bản đồ địa chính của tỷ lệ bản đồ đó.

Quy định độ chính xác đo tọa độ mốc ở đây là với độ chính xác tương đương độ chính xác điểm trạm đo bản đồ tỷ lệ 1/5000 tức là không vượt quá 0,2 mm ở vùng quang đãng và 0,3 mm ở vùng rậm rạp theo tỷ lệ bản đồ. Theo đó độ chính xác đo mốc ĐGHC ở vùng đô thị như tỷ lệ lớn 1/2000 thì sai số vị trí điểm là 0,4 m, như vậy là phù hợp với quy định trong Quy chuẩn 12

32

Khi nào thì Trung ương chuyển giao bản đồ nền hệ tọa độ quốc gia VN-2000, các sản phẩm chuyển vẽ địa giới và các nội dung do Trung ương thực hiện để các địa phương có cơ sở xây dựng Thiết kế kỹ thuật - Dự toán hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính?

Trong quý IV/2013 và Quý I/2014, Trung ương chuyển giao cho địa phương các tài liệu sau đây để có cơ sở hoàn thiện Thiết kế kỹ thuật - Dự toán hoàn thiện hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính:

- Các mảnh bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia VN 2000 (in trên giấy) đã thể hiện đường địa giới hành chính các cấp phù hợp theo hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính đã lập theo Chỉ thị số 364-CT.

- Dữ liệu bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia VN 2000 dạng số (Ghi trên đĩa CD-ROM)

33

Về phương pháp thành lập bản đồ ĐGHC cấp xã: Đối với một số xã đã có bản đồ địa chính tỷ lệ lớn vì thế cho phép sử dụng kết quả đo vẽ đường địa giới trên bản đồ địa chính thể hiện lên bản đồ địa hình để thành lập bản đồ ĐGHC, không phải đo vẽ thực địa (đỡ tốn kém, thống nhất về đường ĐGHC và số liệu diện tích tự nhiên).

Khi thành lập bản đồ ĐGHC được sử dụng kết quả ký kết của hai địa phương trên bản đồ địa chính chính quy để chuyển kết quả đường địa giới lên bản đồ địa hình nếu trường hợp không thống nhất với bản đồ ĐGHC đã và đang sử dụng thì địa phương hai bên cần xem xét nguyên nhân, bàn bạc thống nhất với sự chứng kiến của đại diện cấp trên và báo cáo kết quả lên trên. Đồng thời sẽ sử dụng tư liệu bản đồ này để lập sơ đồ thuyết minh (nếu có)

34

Người kiểm tra trong các mẫu biểu là người ở cấp xã, huyện, tỉnh hay đơn vị thi công? Vì các cơ quan này đều phải kiểm tra. Nên bỏ nội dung ký của người lập bảng, người kiểm tra trong các mẫu biểu phụ lục

Vệc kiểm tra nghiệm thu sản phẩm đã quy định cụ thể % kiểm tra trong Quy chuẩn 12, trước hết là đơn vị thi công và sau đó là cấp xã, huyện, tỉnh. Việc ký kết thể hiện trách nhiệm của người lập bảng và người kiểm tra đã được quy định tại Quy chuẩn số 12.

35

Chưa có quy định về duy tu, duy trì hệ thống mốc địa giới hành chính

Nội dung công việc này đã được nêu rõ trách nhiệm từng cấp trong Nghị định 119/CP ngày 16/9/1994 của Chính phủ.

36

Đường địa giới hành chính và mốc địa giới hành chính theo quy định thì được đo vẽ, lưu giữ đến cấp xã (bao gồm xã, phường, thị trấn). Trên thực tế một số phường không cắm mốc địa giới hành chính thì có hợp pháp không.

Ở cấp xã, ngoài đường địa giới, mốc địa giới còn có các điểm đặc trưng trên đường địa giới hành chính. Vì vậy đối với các phường, trường hợp không cắm mốc thì được thống kê bằng những điểm đặc trưng trên đường ĐGHC (theo Quy chuẩn 12).

37

Đề nghị có hướng dẫn cụ thể công việc cắm lại các mốc địa giới hành chính do điều chỉnh địa giới hành chính đã làm thay đổi tên mốc địa giới hành chính trong đợt thực hiện theo Quyết định số 513/QĐ-TTg.

Do điều chỉnh địa giới nên có một số mốc địa giới không còn phù hợp ở thực địa nên sẽ lập Biên bản với các địa phương có liên quan để hủy bỏ mốc; trường hợp xác định vị trí cắm mốc mới thì tuân thủ theo Quy chuẩn 12.

38

Trên thực địa hệ thống mốc ĐGHC là rất quan trọng nên đề nghị trong thiết kế mốc có tường vây bảo vệ để đảm bảo tồn tại lâu đài trên thực địa?

Trong Quy chuẩn số 12 không quy định xây tường vây cho mốc địa giới hành chính. Việc xây tường vây cho mốc địa giới là không cần thiết vì sẽ ảnh hưởng đến đến phạm vi sử dụng xung quanh mốc, đặc biệt là khu vực dân cư và đường giao thông.

39

Diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính trong hồ sơ lấy theo số liệu đo bằng phương pháp gì? Haỵ sử dụng số liệu đã được cấp có thẩm quyền công nhận

Diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính được đo trực tiếp trên dữ liệu bản đồ ĐGHC đó sau khi đã xác nhận pháp lý của các bên có liên quan. Hiện tại khi thẩm định hồ sơ ĐGHC yêu cầu về số liệu diện tích tự nhiên khi lập hồ sơ ĐGHC phải ghi rõ nguồn gốc số liệu trong phiếu thống kê dân cư (hiện nay đang sử dụng số liệu diện tích theo tổng kiểm kê đất đai năm 2010)

40

Việc phân cấp địa giới hành chính cấp tỉnh, huyện, xã đối với các đảo, quần đảo. Theo tài liệu đề xuất giải quyết phạm vi quản lý hành chính các đảo theo hướng cho phép tính từ đường mép nước trên đảo ra 12 hải lý thì:

- Nếu xã đảo A và B có mặt biển chung lớn hơn 24 hải lý thì ta lấy ranh giới giữa hai xã ở vị trí nào?

- Nếu hai xã nói trên có mặt nước biển chung nhỏ hơn 24 hải lý; tức là mỗi bên lấy 12 hải lý sẽ chồng lên nhau thì hướng giải quyết ranh giới như thế nào?

- Trường hợp xã đảo A và B có mặt biển chung lớn hơn 24 hải lý thì ta lấy ranh giới quản lý theo quy định là ra 12 hải lý phần còn lại sẽ được tính toán chia đều cho hai đơn vị.

- Trường hợp 2 xã nói trên có mặt biển chung nhỏ hơn 24 hải lý thì ta lấy ranh giới đi giữa mặt nước biển chung

41

Cắm mốc ĐGHC đã được đo đạc trong việc lập hồ sơ địa chính theo Hệ HN-72, Hệ VN-2000 thì có đo lại theo Dự án này không

Chi sử dụng tọa độ đã đo trong việc lập hồ sơ địa chính theo Hệ VN-2000 để đưa vào thành lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp và lưu toàn bộ tài liệu liên quan đến quá trình đo đạc.

 

42

Đề nghị bổ sung nội dung trong Dự án 513 là chỉnh lý bổ sung những biến động hồ sơ ĐGHC đối với các xã có thay đổi đường ĐGHC và tính toán thống kê đất đai đối với các xã thay đổi về diện tích?

Dự án 513 là bao gồm nội dung lập hồ sơ, bản đồ ĐGHC các cấp tính thời điểm hiện nay. Thời điểm sau khi lập hồ sơ ĐGHC mà tại địa phương có thay đổi liên quan đến đường địa giới, mốc địa giới và các điểm đặc trưng thì cấp xã đã phải báo cáo lên cấp trên để có kế hoạch chỉnh lý, bổ sung theo quy định tại Nghị định 119/CP ngày 16/9/1994 của Chính phủ

43

Phương pháp đo tọa độ mốc ĐGHC bằng GPS động được không

Không sử dụng phương pháp đo động để đo tọa độ mốc địa giới hành chính. Vì điểm tọa độ mốc tương đương với điểm trạm đo mà điểm trạm đo thì không sử dụng phương pháp đo động và đảm bảo độ chính xác theo quy định của Quy chuẩn 12

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH

44

Ban Chỉ đạo có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho những địa phương không thể tự cân đối ngân sách triển khai thực hiện Dự án trên địa bàn theo tiến độ chung của cả nước?

Tại điểm c khoản 1 mục IV Điều 1 Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án đã quy định: “Kinh phí đảm bảo nhiệm vụ thực hiện Dự án của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách địa phương đảm bảo. Đối với các địa phương có khó khăn về kinh phí, ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước” và Bộ Tài chính đã có văn bản số 13878/BTC-HCSN ngày 17/10/2013 hướng dẫn xây dựng dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí Dự án 513. Theo đó, căn cứ báo cáo của UBND cấp tỉnh vê việc cân đối kinh phí giữa Thiết kế kỹ thuật - Dự toán của địa phương với khả năng khai thác nguồn kinh phí hướng dẫn tại văn bản số 13878/BTC-HCSN nêu trên, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ bổ sung cụ thể đối với từng địa phương

45

Ban Chỉ đạo có quy định cụ thể việc phân bổ kinh phí để địa phương thực hiện Dự án theo tỷ lệ % ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã không?

Tại điểm c khoản 1 mục IV Điều 1 Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: “Kinh phí đảm bảo nhiệm vụ thực hiện Dự án của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách địa phương đảm bảo. Đối với các địa phương có khó khăn về kinh phí, ngân sách trung ương hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”. Theo đó, căn cứ Thiết kế kỹ thuật - Dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khả năng tự cân đối của từng địa phương, UBND cấp tỉnh có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định

46

Việc lập kế hoạch kinh phí bảo đảm triển khai thực hiện Dự án ở các địa phương có phải thông qua HĐND không?

Điểm b khoản 1 mục II Công văn số 13878/BTC-HCSN ngày 17/10/2013 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn việc lập Kế hoạch kinh phí bảo đảm triển khai thực hiện Dự án ở các địa phương như sau: “Căn cứ hạng mục công việc của các địa phương thực hiện Dự án 513 đã được Bộ Nội vụ thẩm định, phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, căn cứ hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai Dự án của Bộ Nội vụ, các địa phương hướng dẫn các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Dự án 513 lập dự toán kinh phí triển khai thực hiện, tổng hợp chung trong dự toán chi ngân sách của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan tài chính đồng cấp thẩm định, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước”.

47

Để lập Thiết kế kỹ thuật - Dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các tỉnh có được thuê tư vấn khảo sát, thiết kế không? nếu được thì kinh phí chi nguồn nào?

Căn cứ pháp luật về Đấu thầu thì chủ đầu tư được thuê tư vấn lập Thiết kế kỹ thuật - Dự toán thực hiện các hạng mục công việc của Dự án và kinh phí để thuê tư vấn nêu trên được tính theo tỷ lệ % của Thiết kế kỹ thuật - Dự toán.

BAN CHỈ ĐẠO