Công văn số 3441/BTP-CCHC của Bộ Tư pháp về việc báo cáo tổng kết CCHC Bộ Tư pháp giai đoạn I

Số hiệu 3441/BTP-CCHC
Ngày ban hành 11/11/2005
Ngày có hiệu lực 11/11/2005
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lâp- Tự do- Hạnh phúc

Số: 3441/ BTP-CCHC
V/v: Báo cáo tổng kết CCHC Bộ Tư pháp giai đoạn I

  Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2005

 

Kính gửi

- Ban chỉ đạo cải cách hành chính của chính phủ

 

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ về việc tiến hành tổng kết giai đoạn I CCHC (2001-2005) và xây dựng Kế hoạch CCHC giai đoạn II ( 2006-2010), Bộ Tư pháp đã tổ chức các hoạt động nhằm phục vụ việc tổng kết CCHC giai đoạn I của Bộ (như  tổ chức khảo sát làm cơ sở cho việc đánh giá thực trạng CCHC của Bộ, xây dựng báo cáo Tổng kết).

Bộ Tư pháp xin gửi Ban Chỉ đạo CCHC của Chính Phủ bản "Báo cáo tổng kết giai đoạn I cải cách hành chính của Bộ Tư Pháp ( 2001-2005) và phương hướng cải cách hành chính giai đoạn  II của Bộ ( 2006-2010)" để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính Phủ.

Xin gửi kèm theo Báo cáo này các Phụ lục có liên quan (số 01 và 02).

 

.

 

BỘ TRƯỞNG




Uông Chu Lưu

 

BỘ TƯ PHÁP

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lâp- Tự do- Hạnh phúc

 

BÁO CÁO TỔNG KẾT GIAI ĐOẠN I HOẠT ĐỘNG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA BỘ TƯ PHÁP (2001-2005) VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA BỘ GIAI ĐOẠN II (2006-2010)
(Kèm theo Công văn số 3441/BTP- CCHC ngày 11 tháng 11 năm 2005)

Thực hiện Chỉ thị số 09/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở hướng dẫn của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ (Công văn số 01/BCĐCCHC ngày 06 tháng 5 năm 2005), Bộ Tư pháp báo cáo Tổng kết giai đoạn I CCHC (2001-2005) và xác định phương hướng CCHC giai đoạn II của Bộ (2006-2010) như sau:

PHẦN I

BÁO CÁO TỔNG KẾT GIAI ĐOẠN I CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA BỘ TƯ PHÁP

1. Chương trình đổi mới công tác xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (sau đây tạm gọi tắt là Chương trình 909)

 Là một trong 07 Chương trình hành động cải cách hành chính ở cấp quốc gia, được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì nhằm triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

1.1 Về tổ chức, triển khai thực hiện và kết quả chính:

Chương trình 909 đã được tổ chức triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đúng mục tiêu, về cơ bản đảm yêu cầu tiến độ và chất lượng đã được xác định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay trong năm 2003 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình, xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo và phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể các Đề án của Chương trình, phê duyệt Kế hoạch triển khai các Đề án của Chương trình (Chương trình gồm 05 Đề án lớn và 21 Tiểu Đề án).

Trên cơ sở Kế hoạch triển khai đã được phê duyệt, Bộ Tư pháp đã ký hợp đồng thực hiện các đề án giữa Ban Chỉ đạo với Chủ nhiệm các Đề án thuộc Chương trình. Định kỳ hàng tháng, Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm các Đề án của Chương trình tổ chức các buổi làm việc với Ban chủ nhiệm của từng đề án thuộc Chương trình để nắm tình hình và đôn đốc triển khai nhằm đảm bảo yêu cầu, nội dung và kế hoạch đã đề ra.

Trong quá trình triển khai, các Đề án đã tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát về thực trạng quy định của pháp luật cũng như việc tổ chức thực hiện pháp luật để từ đó đánh giá các mặt mạnh, mặt yếu, các hạn chế, tồn tại trong hoạt động xây dựng và ban hành VBQPPL ở cả trung ương và địa phương; tìm ra các nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại và đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng VBQPPL. Mặt khác, Chương trình đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn (ở cả trung ương và địa phương) về các báo cáo đánh giá cũng như các đề xuất, kiến nghị; đồng thời tổ chức lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là kết quả của chương trình.

Đến nay, có thể tổng kết bước đầu kết quả triển khai Chương trình với những kết quả cơ bản như sau:

i) Xây dựng và hoàn thiện 16 Báo cáo khoa học trong từng lĩnh vực cụ thể góp phần giải quyết những những khó khăn, vướng mắc về mặt lý luận và thực tiễn làm cơ sở xây dựng dự thảo các đề án, các văn bản quy phạm pháp luật (Danh mục cụ thể đã có trong Báo cáo riêng của Chương trình 909).

ii) Đã nghiên cứu và tổ chức soạn thảo 07 đề án của chương trình và bước đầu triển khai thí điểm một số nội dung cụ thể của các Đề án trong thực tiễn (Danh mục cụ thể đã có trong Báo cáo riêng của Chương trình 909).

Trên cơ sở đề xuất của các Đề án, Ban Chỉ đạo đã lựa chọn một số nội dung cụ thể để triển khai thí điểm các mô hình mới áp dụng vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ Tư pháp. Cụ thể: Áp dụng mô hình mới trong việc lập dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh dài hạn và hàng năm; Thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn vào xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự thảo văn bản... khi xây dựng dự thảo Bộ Luật Thi hành án, dự thảo Luật về Luật sư, dự thảo Pháp lệnh lý lịch tư pháp và dự thảo Pháp lệnh công chứng...;

  iii) Kết quả nghiên cứu của một trong các Đề án thuộc Chương trình (Đề án 3) được sử dụng trực tiếp phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân (Quốc hội thông qua năm 2004) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này (đang hoàn thiện để trình ban hành);

 iv) Đã nghiên cứu và đang soạn thảo nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là kết quả đầu ra của Chương trình để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.

 Gồm 04 Dự thảo Nghị định của Chính phủ và 05 dự thảo Quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (Danh mục cụ thể đã có trong Báo cáo riêng của Chương trình 909).

v) Biên soạn tập tài liệu hướng dẫn triển khai Chương trình 909 và cuốn Cẩm nang công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương nhằm góp phần tuyên truyền về Chương trình cải cách hành chính nói chung và Chương trình 909 nói riêng; tạo thêm công cụ cho các cán bộ, công chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình.[1]

[...]