Công văn 3436/VKSTC-V15 năm 2021 hướng dẫn tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 3436/VKSTC-V15
Ngày ban hành 25/08/2021
Ngày có hiệu lực 25/08/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Tăng Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3436/VKSTC-V15
V/v hướng dẫn tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2021

 

Kính gửi:

- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao 1, 2, 3;
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội;
- Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức và thực hiện việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tại Viện kiểm sát nhân dân các cấp; căn cứ điểm a, điểm b Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; căn cứ Khoản 3, Khoản 4 Điều 18 Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 303/QĐ-VKSTC ngày 25/8/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao), Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:

1. Về việc xác định hình thức tổ chức bồi dưỡng

Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành được thực hiện bằng hình thức mở khóa bồi dưỡng, tập huấn; trong đó:

- Khóa bồi dưỡng: Được áp dụng đối với các chương trình bồi dưỡng theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Thời gian mở lớp theo chương trình tài liệu đã được phê duyệt, thực hiện việc cấp chứng chỉ nếu đủ điều kiện theo quy định.

- Khóa tập huấn: Được áp dụng đối với các nội dung cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ không thuộc chương trình bồi dưỡng nêu trên. Thời gian tập huấn sẽ do VKSND tối cao phê duyệt; tuy nhiên, mỗi khóa tối đa không quá 03 ngày làm việc, không thực hiện việc cấp chứng chỉ.

2. Về kinh phí để tổ chức thực hiện

Kinh phí để tổ chức lớp bồi dưỡng và tập huấn nêu trên được trích từ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đã được phân bổ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác mà các đơn vị huy động được (nếu có). Trong đó, đối với các khoản chi được trích từ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phải thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Riêng đối với việc tổ chức tập huấn, việc sử dụng, quản lý, thanh quyết toán được dẫn chiếu đến văn bản số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 36/2018/TT-BTC). Các đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng, quản lý và thanh quyết toán đối với các lớp bồi dưỡng, khóa tập huấn nêu trên.

3. Về quy trình thực hiện

Đối với các khóa bồi dưỡng, tập huấn theo nhu cầu của VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, đề nghị các đơn vị thực hiện theo quy trình như sau:

- Bước 1: VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh chủ động trao đổi phối hợp, thống nhất với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để xác định hình thức, thời gian, nội dung bồi dưỡng, kinh phí, cơ sở vật chất...để xây dựng Kế hoạch thực hiện.

- Bước 2: VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh có văn bản đề nghị tổ chức bồi dưỡng, kèm theo Kế hoạch thực hiện của đơn vị và Đề cương giảng dạy do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng biên soạn gửi VKSND tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để được phê duyệt.

- Bước 3: Trên cơ sở đề nghị và tài liệu kèm theo của đơn vị, VKSND tối cao sẽ xem xét, cho ý kiến để đơn vị phối hợp với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tổ chức thực hiện.

- Bước 4: Sau khi thực hiện xong khóa bồi dưỡng, tập huấn, các đơn vị gửi báo cáo về VKSND tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ) với các nội dung sau:

+ Đi với VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh: Báo cáo cụ thể kết quả bồi dưỡng, tập huấn (số lượng người đăng ký tham gia, số lượng người tham gia thực tế các buổi học, chất lượng về tài liệu, chất lượng giảng viên, kết quả thu được sau bồi dưỡng, số kinh phí để tổ chức thực hiện), những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, các đề xuất, kiến nghị hoặc các ý kiến khác có liên quan (nếu có).

+ Đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Ngành: Báo cáo về kết quả học tập của học viên (ý thức, thái độ, chất lượng tham gia xây dựng bài học, chất lượng làm bài tập..., số học viên vắng mặt, số học viên đủ điều kiện nhận chứng chỉ đối với khóa bồi dưỡng, các ý kiến cũng như kiến nghị, đề xuất để nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng, tập huấn... Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có thể chủ động xây dựng mẫu báo cáo để giảng viên giảng dạy có thể hoàn thành ngay sau khóa bồi dưỡng, tập huấn.

4. Về việc lựa chọn cơ sở đào tạo, bồi dưỡng

- Ưu tiên lựa chọn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của ngành Kiểm sát nhân dân.

- Việc lựa chọn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoài ngành chỉ trong trường hợp các cơ sở đào tạo bồi dưỡng trong ngành chưa thể đáp ứng hoặc chưa có thẩm quyền đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, đề nghị các đơn vị lựa chọn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có thẩm quyền, uy tín, đã được khẳng định chất lượng; đồng thời vẫn phải đảm bảo quy trình thực hiện như hướng dẫn ở trên.

Trên đây là hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tại Viện kiểm sát nhân dân các cấp, được áp dụng kể từ ngày 01/9/2021; đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để được giải đáp và thống nhất thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Đ/c Viện trưởng VKSNDTC (thay báo cáo);
- Đ/c Nguyễn Huy Tiến, PVTTT VKSNDTC (thay báo cáo);
- Lưu: VT, V15.

TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ TỔ CHỨC CÁN BỘ




Tăng Ngọc Tuấn

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ